Chân dung trùm xe cổ Hà thành
Vinh "Tân Đảo" là chủ quán Café xe cổ nổi tiếng ở phố Hàng Bún. Những xe sản xuất từ những năm 1940 - 1950 anh đều có đủ.
Nghe mọi người kháo nhau về những chiếc xe triệu đô liên tục cập cảng vào Việt Nam, tôi chợt nảy ra ý định đi tìm "tung tích" của những chiếc ô tô, xe máy đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, công việc này không đơn giản. Đang lúc bế tắc thì mấy tay am hiểu xe cộ đã mách nước cho tôi là nên tìm đến gặp Vinh "Tân Đảo".
Tên thật của anh là Trần Quang Vinh, dân chơi xe quả quyết rằng ở xứ Bắc này nói về xe cổ, chẳng ai am hiểu bằng Vinh. Vinh có quán "café xe cổ" nổi tiếng ở phố Hàng Bún. Rất có thể những chiếc xe đầu tiên có mặt ở Việt Nam lại đang nằm trong tay Vinh.
Hẹn hò mãi cuối cùng tôi cũng gặp Vinh chính tại quán của anh. Lần đầu đến đây, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi bộ sưu tập xe cổ của Vinh. Những xe sản xuất từ những năm 1940, 1950 anh đều có đủ.
Còn Vinh, tôi vẫn nghĩ chắc gã này khá "lập dị". Tuy nhiên anh lại là người rất thời thượng, ăn mặc kiểu cách, nói chuyện cởi mở. Đặc biệt nói về xe, Vinh say sưa kể như người lên đồng, "đọc" lý lịch trích ngang của từng xe rành rọt, hiểu rõ ngọn nguồn "số phận" của tất cả các xe.
Vinh là Việt kiều Pháp. Anh theo bố về Việt Nam đầu những năm 1960. Bố anh vốn là kỹ sư chế tạo máy và cũng là người rất mê xe vì vậy Vinh đã "nhiễm" cái chất đó từ bố rất sớm.
Khi gia đình anh từ Pháp trở về, những chuyến hàng chủ yếu lúc đó cũng là xe máy. Những chiếc xe cá vàng (AV89), AU, Solex, Peugeot 304, 304..., cha Vinh đều mang về tuốt.
Vinh kể, ngày đó ở Việt Nam chiếc xe máy còn quá lạ lẫm. Ngay bản thân anh, một Việt kiều với kiểu cách ăn mặc sang trọng cũng đủ gây sự chú ý chứ nói gì đến xe máy.
Dù đã cố giữ gìn nhưng do điều kiện kinh tế, chiến tranh loạn lạc... những chiếc xe có giá trị trong gia đình cũng không còn giữ được mấy.
Hai trong những chiếc xe cổ mà Vinh "Tân Đảo" đã sưu tầm. |
Thế nào là cổ?
Anh Vinh cho rằng, từ "xe cổ" chẳng qua do dân chơi xe quen gọi mà thành. Tính theo "tuổi thọ" thì xe sống được cả hàng chục năm trời cứ gọi là cổ, thực chất gọi là xe cũ mới đúng. Chưa có xe nào được 100 tuổi nên khó có thể gọi là xe cổ.
Để phân biệt được xe cổ cũng phải là người rất am hiểu mới biết. Chẳng hạn xe sản xuất trước những năm 1940 không có giảm xóc sau. Xe sản xuất từ khoảng những năm 1940 - 1960 giảm xóc ngắn. Một đặc điểm nữa là xe trước năm 1960 xi lanh tròn, sau này lại vuông. Theo anh Vinh, gọi là xe cổ là xe sản xuất trước năm 1960 còn những dòng xe như 67 chưa đủ "tư cách" đứng vào hàng ngũ xe cổ.
Dù có bộ sưu tập xe lên đến 40 chiếc thuộc diện vừa cổ vừa quái lại vừa độc nhưng Vinh cũng không dám chắc mình là người nắm trong tay chiếc xe cổ nhất hiện nay. Anh cho biết, xe máy được nhập vào Việt Nam lần đầu tiên là qua các nhà thờ, sau đó là các nước bạn tặng nhà nước mình và đến những xe do Việt kiều mang về như trường hợp gia đình anh.
Nói về dòng xe cổ thì Sài Gòn vẫn là số 1, vì vậy có thể những chiếc xe thuộc dạng cổ nhất đang ở miền Nam. Thế nhưng, cũng không loại trừ khả năng đang nằm trong tay Vinh hoặc một ai đó ở Hà Nội. Cũng có thể nó được "hoá kiếp" từ lâu lắm rồi.
"Mua rổ", gửi vào Nam "dọn lại"
Nhìn những chiếc xe cổ của Vinh vẫn chạy băng băng trên đường mấy ai biết nó đã được "phục dựng" công phu đến thế nào. Những tay chơi xe cổ vẫn hay dùng từ "mua rổ" nghĩa là xe đã mất hết hình dạng, tất cả trút vào rổ mua và về "dọn" lại.
Thú chơi xe cổ ở Việt Nam cũng chỉ mới rộ lên thời gian gần đây. Ở Việt Nam, dân chơi xe cổ đầu tiên phải kể đến Sài Gòn, chính nơi này hiện cũng tập trung chủ yếu các dòng xe thuộc dạng "cực cổ, cực hiếm". Dân chơi xe miền Bắc ít và cũng đi sau Sài Gòn một bước. Điều này lý giải vì sao mỗi lần mua được chiếc xe, dân chơi miền Bắc lại phải mất công gửi vào Nam nhờ "dọn" lại.
Anh Vinh cho biết, Hà Nội chẳng có một cửa hàng nào chuyên sửa chữa xe cổ, bởi lượng xe quá ít. Trường hợp như anh, vừa chơi xe vừa tự "đại tu" thì không phải ai cũng làm được. Vinh có hẳn cả một xưởng để gia công xe cổ.
Thợ sửa xe bây giờ nặng về thay thế, xe cổ lại không thể như thế. Xe cổ phải phục hồi, không có thay thế thì phải "chế" ra đồ y chang. Dù có tay nghề, nhưng anh Vinh vẫn phải chuyển vào Sài Gòn không ít xe để "dọn" vì nó quá tỷ mẩn, đòi hỏi mất nhiều thời gian và tiền bạc.
"Càng ngắm càng mê cái đẹp của nó. Nó như một bức tranh hoàn mỹ. Chẳng những đẹp mà nó còn rất đặc biệt. Hãy tưởng tượng mỗi chiều ngồi trên chiếc Vespa dạo phố, nghe tiếng nổ khoan thai chậm rãi của nó mình như được thư thái tâm hồn. Còn xe bây giờ đi thật nhanh và cảm giác luôn vội vàng như cuộc sống xô bồ vậy", anh Vinh nói.
Theo Bee