Độc giả Trần cho biết, anh là người dân ở tỉnh Ninh Hòa, Khánh Hòa, gia đình kinh doanh dịch vụ khách sạn, vì vậy, khi chứng kiến sự việc xảy ra với 2 vị khách đến từ Pháp anh rất bất bình.
Toán kể, vào khoảng 12h trưa ngày cuối năm 2014, anh thấy 2 khách nước ngoài đến hỏi địa điểm có thể đón xe buýt từ Khánh Hòa đi Đăk Lăk nên hướng dẫn họ đến trạm xe buýt trước nhà rồi đợi xe khách vì tại Khánh Hòa không có xe buýt đi Buôn Mê.
Một lúc sau, Toán thấy người khách nữ đến nhà anh xin sử dụng nhờ toilet, anh sẵn sàng giúp đỡ và nhận được lời cảm ơn rất chân thành. Khi thấy cặp đôi vẫn đứng đợi xe anh đến bắt chuyện, họ rất niềm nở và khen người Việt Nam tốt bụng, hiếu khách, vui vẻ, danh lam thắng cảnh ở đất nước hình chữ S rất đẹp. Nam du khách cho biết, anh rất thích đi du lịch, đặc biệt là những nơi vắng vẻ. Hành trình của họ bắt đầu từ Sài Gòn, đã đi đến Cà Mau - Mũi Né - Cà Ná - Đà Lạt - Đăk Lăk - Hội An - Huế... và đích đến cuối cùng là Hà Nội.
Chàng trai người Pháp cũng cuốn hút Toán bằng những chuyện vui mà họ đã trải qua ở Việt Nam. Đầu tiên là việc cả hai gặp khó khăn trong một nhà hàng ở Cà Mau khi không ai biết tiếng Anh, thực đơn cũng toàn tiếng Việt khiến họ chỉ biết lắc đầu. Thế nhưng, họ vẫn thấy vui vì đây lại là nét độc đáo trong văn hóa của người dân Cà Mau. Hay khi họ đến Cà Ná, mọi người vây quanh và chào mời rất nhiều thứ. Lúc họ tham quan bãi biển Dốc Lết ở Khánh Hòa, đa số người nước ngoài ở đây là người Nga nên họ cũng bị nhầm tưởng là người Nga và được mời chào bằng ngôn ngữ của xứ sở bạch dương. Sau mỗi chuyện xảy ra, họ đều nói: "It's nice", "It's OK".
Du khách đến với Việt Nam bởi đất nước thân thiện, phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp. Ảnh: vneconomy.vn |
Toán chỉ nói chuyện với chàng trai, còn cô gái không giỏi tiếng Anh lắm nên chỉ ngồi lắng nghe. Khi xe khách đến, anh giúp 2 vị khách đến từ nước bạn mang đồ đạc lên xe bất ngờ nghe phụ xe dặn dò với giọng nghiêm trọng: "Nói tụi nó 2 đứa 500.000 đồng nha em". Toán đã sửng sốt vì anh biết giá vé xe không cao như vậy.
"Lúc đó tôi rối lắm! Tôi muốn bảo 2 người đó xuống đợi xe khác để khỏi bị chặt chém nhưng họ đã ngồi yên vị trí nên không biết phải làm sao, còn người phụ xe hối thúc nói giá vì không ai biết tiếng Anh. Cuối cùng, tôi buộc lòng thốt lên số tiền 500.000 đồng. Lúc xe đã chạy, tôi mới biết giá vé xe chỉ 120.000 đồng", Toán thổ lộ.
Nam độc giả nói: "Tôi biết mình đã xử lý sai nên áy náy, ân hận và xấu hổ vô cùng. Sau khi xe chạy đi, tôi chỉ mong có được số điện thoại, facebook hay bất cứ phương tiện liên lạc gì có thể để nói với họ việc bị chặt chém và giá tiền thật sự phải trả".
Trước đây, anh Toán từng đọc được bài báo có tựa đề "Tôi giả vờ làm người xấu để cứu khách Tây" trên Zing.vn, nhưng khi anh rơi vào tình huống đó, anh lại hành động sai lầm. Anh đã tự trách, nếu bình tĩnh hơn đã có thể nói với họ giá vé khoảng 150.000 đồng/người nhưng chủ xe muốn lấy 250.000 đồng/người, hãy để anh thử thương lượng với họ để có giá thấp nhất, nếu không được họ hãy đi xe sau, bởi lúc đó trên xe chỉ có anh hiểu tiếng Anh.
Anh nói thêm, Ninh Hòa cách thành phố du lịch là Nha Trang chỉ 35 km, không phát triển mạnh về du lịch nên rất ít khách nước ngoài đến, đa phần họ dừng lại vì lỡ đường. Trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 10 khách nước ngoài đến quê anh tham quan kiểu phượt, còn lại họ đều đi theo tour, đi về trong ngày từ Nha Trang hoặc đặt resort trước, chỉ ở tại resort ở biển Dốc Lết. Tất cả các dịch vụ khách sạn và nhà nghỉ đều không có mối quan hệ với các nhà xe, tour để cùng hợp tác kinh doanh dịch vụ khi có khách, không có sự qua lại, chia hoa hồng với nhà xe hay phải tuân theo quy luật ngầm.
Ngay tại khách sạn gia đình anh Toán, khi khách cần taxi, nhân viên lễ tân sẽ gọi giúp nhưng không được chia bất cứ phần trăm hoa hồng nào vì rất ít khi khách cần tới taxi. Đối với các dịch vụ khác cũng vậy. Một lần, anh dẫn đoàn 10 người Nga đi ăn, khi thanh toán tiền, anh bạn người Nga hỏi, chủ quán không cho anh tiền hoa hồng sao, anh lắc đầu cười: "Tôi đưa các bạn đi ăn đơn giản vì tôi thích nói chuyện với người nước ngoài". Còn anh bạn đó tỏ vẻ ngạc nhiên cho biết: "Ở Sài Gòn tất cả mọi thứ đều chia hoa hồng".
Việc khách nước ngoài bị chặt chém, anh cũng biết và nghe rất nhiều, mỗi lần nghe hay chứng kiến sự việc như vậy anh luôn cảm thấy rất buồn và xấu hổ. "Qua câu chuyện này, tôi không chỉ muốn nói đến nhà xe mà rất nhiều dịch vụ khác như khách sạn, ăn uống, giải trí... đừng vì một chút lợi trước mắt mà đánh mất đi lợi ích lâu dài của đất nước. Hãy cùng nhau xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thật đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Hãy xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững hơn".