Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chăn nuôi bằng chất cấm - cú đầu độc từ từ

Người ăn phải gà, lợn nuôi bằng thức ăn có trộn chất vàng ô, chất tạo nạc sẽ không bị phản ứng ngay lập tức. Sau thời gian tích tụ, độc tố mới phát tác rất nguy hiểm.

Trộn trực tiếp chất cấm vào thức ăn

Vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm về sử dụng chất tạo nạc và vàng ô trong sản xuất. Những chất này dùng để sơn tường, tạo màu công nghiệp nhưng lại được trộn vào thức ăn chăn nuôi với mục đích tạo ra heo siêu nạc, gà có màu vàng đẹp mắt. 

Bộ NN&PTNT cũng vừa ban hành Thông tư bổ sung gấp 5 loại vàng ô vào danh sách chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm, gồm VAT YELLOW 1, VAT YELLOW 2, VAT YELLOW 3, VAT YELLOW 4, Auramine và các dẫn xuất của Auramine.

Điển hình là trường hợp  Công ty TNHH TACN Trường Phú (trú tại Nguyễn Lương Bằng, Hải Dương) bị phát hiện sử dụng chất vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi với tỷ lệ 200 g/tấn. Ngoài ra, công ty này còn dùng Auramine - chất tạo màu công nghiệp được các nước ở châu Âu cấm sử dụng vào công nghệ thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Lãnh đạo công ty khai nhận mua chất trên ở phố Hàng Buồm (Hà Nội). Tất cả đều xuất xứ từ Trung Quốc và là chất không được phép dùng trong chăn nuôi, thực phẩm do nguy cơ gây ung thư. Hàm lượng chất tạo nạc Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi của công ty trên cũng được phát hiện gấp 75 lần mức cho phép, điều này vô cùng nguy hiểm.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTTN cho biết: "Chất vàng ô được sử dụng để tạo màu vàng cho cám, đánh lừa người dùng lựa chọn khi cho rằng thức ăn có nhiều ngô. Khi cho gà ăn, nó sẽ giúp da gà có màu vàng đẹp mắt".

Vậy vàng ô và chất tạo nạc nguy hại ra sao nếu chúng ta ăn phải gia súc, gia cầm được nuôi bằng cám trộn chất cấm này?

Chất vàng ô được một số doanh nghiệp trộn vào thức ăn chăn nuôi. Ảnh: N.L.
Chất vàng ô được một số doanh nghiệp trộn vào thức ăn chăn nuôi. Ảnh: N.L.

Chất độc nguy hại được dùng tràn lan

Theo phản hồi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam với thanh tra Bộ NN&PTNT, chất vàng ô (VAT YELLOW) là tên gọi một nhóm hóa chất được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất giấy và công nghiêp dệt (nhuộm màu vàng sợi nhân tạo, vải, len, cotton...). 

Về bản chất hóa học, các chất vàng ô thuộc nhóm anthraquinone - một trong những chất hóa học có tiềm năng gây ung thư ở động vật. Người khi bị nhiễm các anthraquinone có thể gặp triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan, thận gây hôn mê. Tại vùng da bị phơi nhiễm trực tiếp với các anthraquinone sẽ bị sưng, phồng rộp, tấy đỏ và đau. Đặc biệt ở những tế bào niêm mạc miệng, mũi và mắt, tổn thương sẽ nặng hơn. Nếu hít phải những chất này có thể gây khó thở. 

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: “Khi đã bị liệt vào danh sách chất cấm, rõ ràng chúng là chất cực độc. Khi cho gia súc, gia cầm ăn, chắc chắn chúng sẽ để lại dư lượng khi con người ăn vào. Điều này rất nguy hại”.

Còn về chất tạo nạc cùng bị phát giác cùng với chất vàng ô được trộn vào cám, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết đây là nhóm chất độc hại mà Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay.

“Người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1-2 tháng, thậm chí chỉ 15 ngày. Sau khi sử dụng khoảng nửa tháng, họ phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết. Do đó, nếu ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư các chất độc hại”, PGS Thịnh cho biết.

Theo vị chuyên gia này phân tích, chất tạo nạc đi vào con lợn sẽ làm máu ở phần thịt nạc dồn lên phía mỡ bên trên. Sau đó, phần mỡ này chuyển dần sang màu đỏ giống như thịt nạc, khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng.

Riêng về Salbutamol, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam, cho hay đây là thuốc để điều trị bệnh hen suyễn với liều lượng rất nhỏ và cần sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc.

Tuy nhiên khi sử dụng trái phép trong chăn nuôi, người ta thường dùng với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với quy định, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

“Salbutamol và Clenbutarol đều được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng”, PGS Thịnh khuyến cáo.

Chuyên gia này nhấn mạnh, những tồn dư hóa chất độc hại chúng ta nạp vào cơ thể hàng ngày có thể chưa đủ lượng để gây độc ngay tức thì, nhưng chúng sẽ làm tích tụ chất độc trong cơ thể, tức tạo hiện tượng nhiễm độc trường diễn. Đó chính là lý do gây ra ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Do đó, đừng chủ quan khi cơ thể chưa mắc bệnh.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm