Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng bộ đội xuất ngũ vào đại học

25 tuổi, Trần Văn Mạnh mới bước chân vào giảng đường trường đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Con đường học vấn của Mạnh từng bị đứt quãng do gia cảnh khó khăn.

Mạnh kể: “Lúc còn nhỏ ba mẹ tôi cũng có nhà cửa ổn định ở quận 11 (TP.HCM), thế nhưng khi tôi học đến năm lớp 8 thì ba mẹ phải bán nhà để trả nợ do làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên bán nhà xong cũng không trả hết nợ. Từ ngày không nhà, cả gia đình phải đi thuê phòng trọ để ở nhưng phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác, vì các chủ nợ biết chỗ ở là họ lại đến đòi nợ.

Hằng ngày đi học về chứng kiến cảnh bị người ta tới đòi nợ, tôi đâm ra chán nản rồi bỏ học. Tôi nhớ năm đó tôi vừa lên lớp 9. Nghỉ học, tôi đi làm thuê làm mướn đủ thứ: phụ quán hủ tiếu, rửa chén cho nhà hàng, có lúc đi lượm ve chai. Mỗi ngày kiếm được khoảng 50.000 đồng. Số tiền kiếm được tôi về đưa mẹ trả tiền thuê phòng trọ. Tôi bươn chải kiếm sống như thế cho đến năm 19 tuổi có lệnh nhập ngũ, tôi lên đường đi bộ đội.

Tân sinh viên Trần Văn Mạnh tìm hiểu tư liệu tại thư viện trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).

Môi trường quân đội đã rèn luyện cho tôi có được nghị lực và niềm tin trong cuộc sống. Trong thời gian ở quân ngũ, tôi luôn ấp ủ trong lòng mong muốn được tiếp tục đi học. Chỉ có học mới giúp tôi cải thiện cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội.

Xuất ngũ, dù đã 21 tuổi, tôi chấp nhận học lại lớp 9 ở trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 11. Lúc đi xin học lại, tôi vừa vui vừa lo: vui vì được đi học lại, lo là vì nghỉ quá lâu, kiến thức không còn nhớ, với lại tuổi đã lớn. Học ở lớp, tôi là người lớn tuổi nhất nhưng nói chung bạn bè trong lớp đều có chung hoàn cảnh khó khăn nên đồng cảm với nhau. Lúc học lớp 9, do mới bắt nhịp nên tôi chỉ đạt loại trung bình. Lên cấp III, tôi phấn đấu và đạt kết quả khá, giỏi. Năm lớp 12, tôi đoạt giải ba môn lịch sử cấp thành phố.

Bao năm trôi qua, gia đình tôi nghèo túng vẫn nghèo túng. Cả nhà bốn người ở chung trong một phòng trọ ở quận Bình Tân. Mỗi tháng tiền thuê phòng trọ và điện nước hết hơn 2 triệu đồng. Ba tôi lúc trước đi phụ hồ nhưng do bệnh tật nên giờ phải chạy xe ôm, mẹ tôi phụ bán quán ở chợ. Tôi còn có đứa em gái đang theo học trung cấp ngành dược, vài tháng nữa tốt nghiệp. Chính hoàn cảnh khó khăn đó là động lực để tôi vươn lên trong học tập. Nếu không sống trong hoàn cảnh khó khăn thì tôi chưa chắc đã nhận ra giá trị của cuộc sống, giá trị của học tập.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học tôi mừng lắm, mừng muốn khóc luôn! Nhưng nhìn số tiền đóng học phí và các khoản khác gần 2,5 triệu đồng tôi thấy to quá! Tôi nói với ba tôi, ba bảo để chạy vay tiền cho tôi nhập học. Thế rồi cô giáo dạy hóa biết chuyện đã cho mượn tiền nên tôi mới có tiền đóng học phí và trở thành tân sinh viên như bây giờ. Cô bảo: “Cô cho mượn khi nào có thì trả nhưng không được nghỉ học”. Tôi chọn ngành xã hội học vì tôi muốn học để sau này ra trường giúp bản thân mình bớt khổ, giúp cho gia đình...

Sau khi ra trường, tôi sẽ xin về vùng sâu vùng xa hay hải đảo để làm việc. Ở đó, tôi có thể giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, thiếu thốn như gia đình tôi... Đồng cảnh ngộ nên tôi hiểu họ”.

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm