Việc trễ chuyến xưa nay không hiếm gặp ở các hãng máy bay tại Việt Nam cũng như quốc tế. Sự chờ đợi thường khiến hành khách cảm thấy khó chịu, mệt mỏi.
Sau khi nghe quá nhiều phàn nàn, kêu ca từ bạn bè, Nguyễn Quang Đạt - chàng cơ trưởng 9X của hãng Jetstar Pacific Airlines - mới đây quyết định lên tiếng, mong mọi người có cái nhìn thông cảm hơn với dân trong nghề.
Hành trình lòng vòng từ Hà Nội đến TP.HCM vì chậm chuyến mà Quang Đạt từng bay.
|
"Công bằng đi các bạn, chúng tớ cũng cố gắng lắm rồi!
Tớ có khá nhiều đứa bạn luôn kêu ca về chuyện vì sao chuyến bay thường hay bị 'delay'.
Có nhiều hôm, tớ mặc đồ thường đi ngồi ghế khách, trong lúc máy bay chờ tới lượt cất cánh khoảng 10 phút, các thượng đế cũng thường buông ra một câu than thở nghe rất chán: "Cái hãng này chẳng bao giờ bay đúng giờ nhỉ?".
Tớ bay tới rất nhiều sân bay lớn của châu Á như Hong Kong, Bangkok, Singapore… thực sự là căng thẳng và bức bách nhất chính là bay đến Sài Gòn.
Hạ tầng của mình quá tải kinh khủng. Sân bay có khả năng phục vụ 25 triệu lượt khách, năm nay đã có tới 32 triệu lượt nên tắc ở trên không xuống tới cổng sân bay.
Đáp được xuống rồi, đôi khi chờ đường lăn, chờ bãi đậu để được vào cũng mất 10-15 phút. Vậy tổng cộng là nếu một chuyến bay không may mắn, chỉ vì "đường đông" đã có thể trễ tới 30-45 phút.
Một ngày, một máy bay phục vụ khoảng 6-8 chuyến, chỉ cần một nửa trong đó bị 'tắc đường' là những chuyến cuối ngày đã có thể trễ tới 2 tiếng".
Đó là vài dòng chia sẻ của Quang Đạt. Theo đó, anh phân tích thời gian chờ giữa các chuyến khá sát nhau. Chỉ có như vậy, mọi người mới mua được vé máy bay với giá rẻ nhất thế giới.
Để có giá rẻ, một máy bay phải làm sao thực hiện được nhiều chuyến nhất mỗi ngày. Phi công và tiếp viên hàng không thậm chí còn không được nghỉ ngơi phút nào sau khi hạ cánh.
Đạt cho biết anh cùng ê-kíp luôn cố gắng để làm hài lòng hành khách. |
"Phi công chịu trách nhiệm chuẩn bị lập trình máy bay, nạp nhiên liệu và kiểm tra các hệ thống máy. Tiếp viên thì vừa tươi cười chào khách chuyến trước đã phải đeo bao tay, đi thu những đồ rác khách bỏ lại.
Họ còn phải kiểm tra an ninh cho cả khoang, nhận đồ ăn uống, rồi lại nhanh nhẹn tháo bao tay tươi cười chào khách chuyến sau. Tất cả thực hiện trong đúng 30 phút, đôi khi bận quá còn không kịp... đi toilet", Đạt tiết lộ.
Chàng cơ trưởng cho biết thêm một trong những nguyên nhân làm trễ chuyến bay chính là kỹ thuật. Đôi khi, chỉ vì hỏng một cái đèn, một vết cắt nhỏ trên lốp, một hệ thống rất nhỏ trong hàng chục hệ thống của máy bay báo lỗi mà máy bay không được phép bay tiếp.
Tuy nhiên, những điều trên không phải hành khách nào cũng hiểu và thông cảm được cho người làm nghề. Quang Đạt và đồng nghiệp vẫn thường nghe nhiều câu phàn nàn khá vô tâm như "Hãng này chẳng bao giờ đúng giờ", "Sao không để phi công Tây thực hiện chuyến bay cho nhanh"…
Quang Đạt làm cơ trưởng được 2 năm. |
Chia sẻ với Zing.vn, 9X cho hay anh không muốn gây tranh cãi, chỉ mong mọi người có cái nhìn thông cảm hơn với những người như mình.
"Chất lượng là điều rất quan trọng khi làm dịch vụ, nhưng hạ tầng của mình chưa đáp ứng được yêu cầu cao như vậy.
Thực tế, tỷ lệ đúng giờ tới 80% số chuyến bay ở Việt Nam là rất cao so với thế giới rồi. Mình mong mọi người có thể hiểu và thông cảm hơn sau bài viết này", Đạt nói.
Nguyễn Quang Đạt (26 tuổi) hiện là cơ trưởng tại hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines. Anh đã làm quen với máy bay được 6 năm và đảm nhận vị trí cơ trưởng khoảng 2 năm.