Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng sinh viên bại liệt khiến cô giáo Việt thấy mình bé nhỏ

Tsutsumi Ryuhei, sinh năm 1995, là một trong những sinh viên tiêu biểu của đại học Quốc tế Nagasaki, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản.

Cách đây không lâu, những dòng chia sẻ của cô giáo trẻ Dương Linh (đang dạy tiếng Nhật cho học sinh nước ngoài tại đại học Quốc tế Nagasaki, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản) về cậu học trò Tsutsumi Ryuhei (sinh năm 1995) đã khiến cư dân mạng xúc động.

Cô Dương Linh đã viết: "Tôi vẫn mong muốn có một lúc nào đó được nắm tay cậu và nói lòng thương mến và cảm phục của mình với cậu. Bởi đứng trước cậu, tôi không thể coi mình là giáo viên, tôi thấy mình nhỏ bé lắm, cậu biết không?". Những dòng tâm sự chân thành, hình ảnh cậu học trò bị bại liệt nhưng luôn điềm đạm, lễ phép, lạc quan hiện lên sắc nét và ấn tượng trong tâm trí độc giả.

Tsutsumi Ryuhei.

- Từ nhỏ đã có một cơ thể không hoàn thiện như mọi người, liệu bạn đã bao giờ cảm thấy tự ti chưa?

- Cho đến bây giờ, chưa một lần nào tôi cảm thấy bất mãn hay tự ti. Đó là nhờ vào tình yêu thương của bố mẹ và sự sẻ chia từ bạn bè.

Trong việc học tập cũng như giao lưu vui chơi của tôi, bố mẹ đều ủng hộ tuyệt đối. Lúc nào bố mẹ cũng cho tôi cảm giác bình an và không cho phép tôi nghĩ rằng mình là người kém may mắn. Bố mẹ luôn nói với tôi rằng: “Con hãy đi ra ngoài và giao lưu gặp gỡ thật nhiều người, tiếp thu thật nhiều kinh nghiệm sống”.

Ở trường học tôi có nhiều bạn lắm. Trong giờ học, các bạn luân phiên giúp tôi ghi chép lại những nội dung chính của mỗi bài giảng, giờ ăn trưa thì đút thức ăn cho tôi, đặc biệt mỗi lần di chuyển ở chỗ bậc thang, các bạn đều phải nâng cả chiếc xe chuyên dụng cho người khuyết tật chở tôi dù nó rất nặng.

Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi có được những người bạn tuyệt vời như thế. Ngoài bố mẹ và bạn thân, tôi vẫn luôn thầm biết ơn và kính trọng những người tôi đã từng gặp trong cuộc đời, vì nhờ có họ tôi mới có được sức mạnh để đi lên.

Khoảnh khắc Tsutsumi Ryuhei vui vẻ bên bạn bè.

Mọi người hay bảo tôi vô tư, yêu đời. Chính tôi cũng dặn bản thân rằng: Phải luôn để nụ cười thường trực trên môi. Hôm nay, hay ngày mai, một phút hay dù chỉ là một giây trôi qua, tôi cũng không muốn phí phạm. Sống hết mình, hạnh phúc với những gì mình đang có chính là phương châm sống giúp tôi có được ngày hôm nay.

- Đã bao giờ bạn bị lôi ra làm trò đùa cho bạn bè cùng lớp chưa?

- Bệnh của tôi được phát hiện khi tôi đang là học sinh tiểu học năm thứ 6. Ngay lập tức, bố mẹ đã chuyển tôi đến trường giáo dưỡng (một dạng trung tâm đặc biệt dành riêng cho người khuyết tật) và tôi đã theo học ở đó đến hết trung học.

Các bạn học sinh ở đây đều trong hoàn cảnh giống tôi, thậm chí bệnh còn nặng hơn tôi nên tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn hay lạc lõng. Tuổi thơ của tôi đã trôi qua trong sự sẻ chia đồng cảm của những bạn cùng cảnh ngộ, nên chuyện bị lôi ra làm trò cười hay bị chế nhạo là hoàn toàn không có.

- Bạn có thể chia sẻ một số thành tích học tập mà mình đã đạt được không?

- Những năm học cấp 3, tôi rất yêu thích môn tiếng Anh nên tôi có chút xíu tự tin về môn học này. Ngoài ra, năm 2013 tôi đã tham dự kỳ thi quốc gia chuyên ngành du lịch Kokka shiken. Đây là kỳ thi đánh giá năng lực học vấn, chuyên môn để thi vào các trường đại học, cao Đẳng hoặc đi làm của chính phủ Nhật Bản. Kỳ thi tương đối khó nhưng tôi đã thành công. Và năm nay, tôi muốn trải nghiệm ở một kỳ thi khác khó hơn thế.

Tsutsumi Ryuhei tại một hoạt động ở trường

- Ước mơ của bạn trong tương lai là gì?

- Tôi muốn tự thành lập một công ty về du lịch phục vụ riêng cho người cao tuổi và người khuyết tật, vì tôi nghĩ du lịch là ước mơ của bất kỳ ai. Ngoài ra, tôi còn muốn hỗ trợ cho những đối tượng trên hiện thực hóa ước mơ không tưởng như được bay trên khinh khí cầu hoặc khám phá đại dương.

Một thực tế cho thấy trong xã hội Nhật hiện nay, sự phân biệt giữa người bình thường và người khuyết tật vẫn còn khá rõ nét, hoặc các chế độ phúc lợi xã hội dành cho người khuyết tật vẫn chưa thấy được ý nghĩa thiết thực. Vì thế tôi mong muốn được truyền tải rộng rãi kiến thức về người khuyết tật đến tất cả mọi người, muốn nỗ lực tạo ra được một môi trường du lịch thú vị và ý nghĩa để người khuyết tật có thể thoải mái tận hưởng.

- Cơ duyên nào đã giúp bạn trở thành trợ giảng Tiếng Nhật cho học sinh quốc tế tại trường Đại học Nagasaki?

- Chính cô Linh là người chủ động ngỏ lời nhờ tôi làm trợ giảng bổ trợ tiếng Nhật cho lưu học sinh Việt Nam, dù từ năm ngoái tôi đã có mong muốn này nhưng vì bận ôn thi kỳ thi quốc gia nên cơ hội trôi qua mất.

Bấy lâu nay, tôi sử dụng tiếng Nhật một cách tự nhiên vì đó là tiếng mẹ đẻ, tôi không để ý nhiều đến việc làm sao lại dùng từ này mà không dùng từ kia, vì vậy trong quá trình trợ giảng nhiều lúc bị các bạn Việt Nam hỏi tôi ngập ngừng mãi không biết trả lời và lý giải thế nào cho các bạn hiểu. Nhưng được sự giúp đỡ của cô Linh và các bạn trợ giảng khác, tôi đã có những tiết học rất thú vị và bổ ích với các bạn lưu học sinh Việt Nam.

- Được tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ Việt Nam, bạn có ấn tượng gì đặc biệt với họ không?

- Sinh viên Việt Nam rất thân thiện và hòa nhã. Dù gặp ở đâu các bạn cũng chào hỏi rất niềm nở. Câu chuyện các bạn kể cũng rất thú vị nên nhiều khi giờ học bị ngắt quãng vì những câu chuyện xoay quanh đồ ăn, các trò chơi truyền thống của Việt Nam, và chúng tôi đã bị cô Linh mắng (cười).

- Bạn muốn nhắn nhủ điều gì với các bạn trẻ Việt Nam về nghị lực sống?

- Người khuyết tật không có nghĩa là họ không có lối đi, không có tương lai. Con đường tương lai của họ chính họ là người khai phá. Dù trong quá trình ấy, họ có gặp một bức tường lớn chặn giữa cũng không nên bỏ cuộc dễ dàng, dù có lâm vào bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hãy một lòng giữ trọn lý tưởng sống. Đây cũng chính là thông điệp tôi muốn gửi tới các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh giống tôi.

- Trong tương lai bạn có muốn ghé thăm Việt Nam?

- Hiện tại tôi chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia tôi muốn một lần được đặt chân đến.

Qua nhiều nguồn thông tin, tôi biết Việt Nam có nhiều món ăn ngon, có nhiều kiến trúc đền chùa đẹp. Tôi muốn được ăn thử món phở truyền thống của các bạn, và chiêm ngưỡng những kiến trúc tinh xảo ấy. Ngoài ra, tôi cũng muốn được đến Vịnh Hạ Long, một trong những di sản văn hóa thế giới mà bấy lâu nay chỉ được xem qua tivi.

Cô gái cụt hai tay có thể tập thể hình, lái xe bằng đôi chân

Barbie Thomas có thể làm tất cả như tập thể hình, trang điểm, thậm chí là lái xe… bằng đôi chân của mình.

http://www.tiin.vn/chuyen-muc/song/dac-biet-tu-nhat-chang-sinh-vien-bai-liet-khien-co-giao-viet-thay-minh-be-nho.html

Theo Khoai Tây/Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm