Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình yêu cổ tích của chàng trai nghèo

Trải qua 5 năm yêu nhau, chàng trai Nguyễn Văn Mão chỉ có 2 ngón tay, 2 ngón chân đã có một đám cưới hạnh phúc với chị Nguyễn Thị Tú.

Trong đêm gala Tỏa sáng nghị lực Việt, chuyện tình cổ tích của anh Nguyễn Văn Mão (sinh năm 1987) và chị Nguyễn Ngọc Tú (sinh năm 1984) đã khiến triệu người cảm động. Chàng trai nổi tiếng thế giới Nick Vujicic cũng tìm được sự đồng cảm từ tình yêu của cặp đôi khuyết tật này.

Mối tình sét đánh

Sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo tại Duy Tiên – Hà Nam, anh Mão kém may mắn khi bị khuyết tật bẩm sinh do di truyền từ bố. Nếu người bình thường, bàn tay có 5 ngón thì anh lại thiếu 4 ngón. Anh chỉ có 2 ngón tay và 2 ngón chân để duy trì những hoạt động thường ngày.

Còn Nguyễn Ngọc Tú, sau trận ốm “thập tử nhất sinh” từ ngày 1 tuổi, chị mắc chứng hẹp thanh quản, không có khả năng nói lưu loát và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động tay chân, phản ứng chậm. Trong những cuộc nói chuyện, chị luôn yên lặng nghe anh Mão, thỉnh thoảng quay sang nhìn chồng, ánh mắt, nụ cười ngập tràn hạnh phúc.

Từ hai mảnh ghép còn nhiều khuyết thiếu, họ hòa làm một, chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận.

Anh Nguyễn Văn Mão chăm sóc con rất chu đáo.
Anh Nguyễn Văn Mão chăm sóc con rất chu đáo.

Anh Mão sinh ra trong gia đình thuần nông, khó khăn trăm bề. Chỉ còn một ngón tay trên mỗi bàn, anh vẫn đi học, kiên trì luyện chữ, đạt danh hiệu học sinh khá - giỏi. Tuy nhiên, trong thời gian tốt nghiệp cấp 2, do thiếu 83.000 đồng tiền đóng học nên anh phải từ bỏ giấc mơ vào cấp 3. Anh Mão kể lại: “Lúa trong nhà bố mẹ cũng trả nợ hết nên không còn gì để bán nữa, tôi đành từ bỏ ước mơ học hành”.

Anh Mão lớn lên trong cảnh gia đình vay ăn từng bữa. Năm 2007, anh tham gia khóa học sơn mài tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Anh được chị Lê Minh Hiền (giám đốc trung tâm Vì ngày mai) tuyển về làm việc. Đó cũng là ngày định mệnh, cuộc đời anh rẽ sang một trang mới.

Lần đầu đặt chân đến trung tâm, trong lúc quan sát bạn bè, ánh mắt anh Mão nhìn về phía chị Tú, cũng đúng lúc chị nghiêng đầu nhìn sang. Anh đã yêu Tú ngay từ cái nhìn đầu tiên. 

Những ngày đầu mới quen, Mão tìm mọi cách tiếp cận và nói chuyện cùng Tú, lúc này anh bất ngờ khi cô gái có gương mặt trẻ trung lại hơn mình 3 tuổi. Biết cô nàng có tính lãng mạn và thích đi chơi nên anh thường xuyên dắt Tú ra hồ Tây hóng gió. Chị Tú chậm rãi kể lại: “Ngày đó mỗi lần đi chơi, mình đều kéo theo chị em cùng phòng nữa, anh Mão tốn bao nhiêu tiền nước mía mới cưa được Tú đấy”.

Trải qua 2 tháng quen nhau, Mão chính thức ngỏ lời yêu Tú, cô nhận lời trong một bức thư viết “Hay là mình cứ thử yêu nhau xem sao”. Từ đó họ chuyển cách xưng hô từ “chị, em” sang “anh, em”. Mão làm sơn mài, Tú học hoa lụa, trung tâm Vì ngày mai dành cho người khuyết tật đã nuôi dưỡng tình yêu của họ.

Gia đình hạnh phúc của anh Mão và chị Tú.
Gia đình hạnh phúc của anh Mão và chị Tú.

Vượt qua sự phản đối

Không ngừng nỗ lực, sau 3 năm học nghề, Mão xin ra ngoài thuê nhà làm thêm. Không có nhiều tiền, anh ở khu xa trung tâm thành phố là Cầu Đuống, Bắc Ninh để mở xưởng làm thêm. Mỗi ngày anh Mão đón xe buýt sang trung tâm để học mất 3 tiếng đồng hồ. Anh tâm sự: "Khó khăn, áp lực công việc và gia đình nhiều khi khiến mình muốn buông xuôi. Nhưng vì tình yêu lại nhủ phải cố gắng thật nhiều để giữ cô ấy ở bên mình”. Suốt quãng thời gian này, ngày nào Mão cũng mang theo bên mình bức thư tình Tú nhận lời yêu làm động lực.

Tú thường xuyên đau ốm, Mão không ngại ngần nấu ăn, chăm sóc bạn gái. Nhắc lại những kỷ niệm, chị Tú ngậm ngùi: “Mình chỉ mong được đi lại bình thường để chăm anh mỗi khi trái gió trở trời mà khó quá”.

Sự lạc quan không chỉ giúp họ sống đẹp mà còn dẫn đến tình yêu trọn vẹn, đại diện cho nhiều mối tình được xây đắp qua khó khăn. Thời gian đầu yêu nhau đầy nước mắt khi Tú và Mão gặp sự phản đối của phía hai bên gia đình.

Bà Lê Thị Xuân (mẹ anh Mão) kể lại: “Hai bác không đồng ý vì cháu Tú rất yếu”. Về phía gia đình Tú lại lo đứa con sau này mang gen di truyền của bố, sinh ra chỉ có 2 ngón tay, 2 ngón chân.

Đã có lúc mệt mỏi vì bị ngăn cản, Tú và Mão nói lời chia tay nhưng rồi nước mắt ngắn dài, họ nhận ra không thể sống thiếu nhau. Sau 5 năm gắn bó, anh chị đã nhận được sự chấp thuận của gia đình, đám cưới tổ chức năm 2012. Tháng 10/2013 cháu trai Minh Đức cất tiếng khóc chào đời.

Người đàn ông bật khóc khi nhìn bàn tay con có 5 ngón

Sau khi kết hôn, khó khăn lại thêm chất chồng khi cả hai không có công việc phù hợp và ổn định. Dưới sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, Tú và Mão bán hàng tại quán tạp hóa nhỏ phía bên kia cầu Chương Dương. Những ngày mang bầu, do đi lại khó khăn, sức khỏe yếu nên Tú bị sụt 9 kg. Nhìn vợ ốm đau, xanh xao, anh không quản là người làm lao động chính trong nhà, từ bán hàng, vận chuyển đến nấu cơm, giặt giũ. 

Ngày biết tin Tú có bầu, niềm hạnh phúc chưa lâu anh Mão lại giữ trong mình nỗi lo âu con sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời, anh níu tay người y tá hỏi, giọng thành khẩn xin xin xem tay chân con.

Cô y tá giở lớp khăn và thông báo con anh có đủ 10 ngón tay, 10 ngón chân. “Là người đàn ông không dễ gì rơi nước mắt, thế nhưng tôi đã bật khóc trước niềm hạnh phúc không thể tả nổi” – anh Mão xúc động kể lại.

Theo lời của anh, ngày Tú mang bầu do đi lại không vững nên chị đã nhiều lần trượt chân ngã trong nhà tắm. “May sao, ông trời thương nên thằng bé vẫn khỏe mạnh. Trộm vía, chắc cháu thương bố mẹ vất vả nên rất ít khi ốm đau. Cứ ăn xong là ngủ, không quấy khóc"- anh chia sẻ.

Những khó khăn tạm thời vơi đi, hằng ngày anh Mão và chị Tú bận rộn công việc nhưng chỉ nhìn thấy nụ cười của con mọi mệt mỏi dường như tan biến. Niềm hạnh phúc nhất của anh chị là cháu Đức được khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

“Do không tự lập được về kinh tế nên gia đình đang phải giúp hai vợ chồng 80%” – điều này luôn khiến anh Tú trăn trở. Anh chẳng mong cuộc sống sung túc, giàu sang, chỉ mong sao có việc làm phù hợp để nuôi được vợ và con là hạnh phúc lắm rồi.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm