Đam mê viết chữ đẹp
Theo học chuyên ngành Xã hội học nhưng anh Lê Ta lại có sở thích đặc biệt - luyện chữ đẹp. Trong mấy năm gần đây, anh đạt nhiều giải trong các cuộc thi chữ đẹp trên báo Mực tím, cuộc thi trên mạng.
Có lẽ ít ai biết được, để sở hữu những nét chữ tròn trịa, mềm mại ấy, anh Lê Ta phải cố gắng rất nhiều trong quá trình luyện tập. Anh cho biết, mình không tham gia các lớp học luyện chữ mà bản thân anh tự rèn luyện mỗi khi rảnh rỗi.
“Vợ là giáo viên chuyên luyện chữ đẹp nên mình ủng hộ vợ bằng cách chuyên đi sưu tập bút, mẫu chữ, và các thiết bị liên quan để vợ nâng cao trình độ. Cách đây mấy năm, vợ bận rồi vướng con cái nên cũng không chuyên tâm như trước được.
Như bị kích thích thế là mình bắt đầu luyện viết, cũng chớt chát thôi nhưng sau mấy hôm, chữ viết được nhiều người khen đẹp, thế là yêu dần viết chữ và đam mê các con chữ từ bao giờ không hay” - anh Lê Ta chia sẻ.
Chàng thạc sĩ phủ Thiên Trường còn tâm sự thêm: “Trước đây chữ cũng xấu do học thiên về các môn tự nhiên nhưng lớp 12 chuyển khối học sang khối C bị thầy giáo dạy văn chê “chữ anh xấu thế này thi khối C thì trượt đầu nước”, thế là mình đi mượn vở của mấy bạn gái viết đẹp cùng khối về phân tích và luyện theo khoảng 2 tuần. Chữ khá hơn, rõ ràng, dễ nhìn, dễ đọc so với trước rất nhiều.
Vợ mình (chị Trần Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học Nam Phong, TP Nam Định) đã tham gia các cuộc thi viết chữ đẹp của trường, thành phố và tỉnh tổ chức, năm nào cũng được giải nên mình rất vui và tự hào. Người ta thường nói nét chữ là nết người nên mỗi lần cầm bút, mình phải thật cẩn thận, nắn nót".
Luyện chữ đẹp miễn phí
Nhiều người cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, người viết đẹp thường tư duy chậm, kém thông minh nên cần viết nhanh thì suy nghĩ mới nhanh. Nhưng theo anh Lê Ta, cái đẹp là cái con người ta ai cũng muốn hướng tới. Trong đời sống xã hội, Chân - Thiện - Mỹ là 3 yếu tố con người ta rất quan tâm, đặc biệt trong giáo dục càng cần phải quan tâm.
Thế nên, anh cán bộ trẻ Sở Nội vụ Nam Định bỗng dưng có duyên với nghề “gõ đầu trẻ”. Anh có may mắn được nhiều người giúp đỡ trong cuộc sống nên cũng hy vọng làm một điều gì đó để “trả nghĩa” với đời, để thêm yêu và thấy cuộc sống được thoải mái hơn. Và chính vì việc quan niệm của nhiều người, nhiều phụ huynh có cách nhìn cách nghĩ về chữ đẹp và luyện chữ đẹp và chữ viết (như trên) nên anh dạy luyện chữ miễn phí để có thể truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, góp phần nhỏ nào đó thay đổi quan niệm về cái đẹp khi viết chữ.
Vừa qua, anh đã mở 1 lớp luyện chữ đẹp miễn phí trong dịp hè với 30 bạn ở các lứa tuổi khác nhau tham gia. Hiện 2 vợ chồng anh đang có 2 lớp miễn phí với hơn 30 học sinh tham gia vào sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần (trong khi vợ anh vẫn dạy 1 số lớp miễn phí về chữ đẹp). Ban đầu chỉ là học sinh trong trường chị Mai công tác, rồi “tiếng lành đồn xa”, càng có nhiều em đến xin học cùng.
Chia sẻ về những buổi dạy chữ đẹp miễn phí của mình, anh tâm sự: “Niềm vui lớn nhất trong những ngày được làm “giáo viên” của mình đó là được đón nhận những thành quả mà học sinh đạt được. Có những em viết sai kỹ thuật, không đúng các nét nhưng sau vài buổi đã tiến bộ hẳn lên, thanh đậm rõ ràng và tốc độ viết nhanh”.
Anh cũng cho biết, muốn viết chữ đẹp trước tiên cần nắm vững các yếu tố cơ bản của chữ viết, cấu tạo chữ thông qua các nét cơ bản, sau đó phải viết đúng và luyện tập thường xuyên. Đặc biệt, viết chữ đẹp cũng cần có tốc độ nhanh, để làm được điều này, người viết liền mạch chữ, ban đầu tập các nét liền, sau tập viết đoạn văn và tăng dần tốc độ.
Tự mài ngòi bút nét thanh nét đậm
Là người công tác xã hội, vợ dạy tiểu học nên anh Lê Ta sưu tầm vài chục chiếc bút các loại của nhiều hãng khác nhau, đắt có, rẻ có, nhưng anh thấy hiệu quả không cao, ngòi bút nhanh bị “tòe”, viết gai, cày giấy. Tình cờ, một lần mua được 1 chiếc bút giá rẻ ngòi êm trơn, anh bắt đầu tập viết nét trơn đều, sau thấy ngòi khá bền nảy ra ý nghĩ: “Sao không mài thử để có bút vừa rẻ, vừa bền, không lãng phí tiền mua bút, bởi mục đích cuối cùng là chữ viết, chứ không phải bút viết”.
Trước khi mài, anh đưa bút mài của các hãng ra quan sát, xem cái căn bản trong mài ngòi nằm ở chỗ nào.Từ việc phân tích, anh dùng mặt nhẵn đá mài dao mài thử, viết thử thấy gai, tiếp tục dùng trôn đĩa tráng men rà lại cạnh sắc, chỉnh lại vài lần là dùng được. Hiện nay, anh biết sử dụng giấy ráp để mài bút cho hiệu quả rất cao, anh còn chia sẻ đoạn video quay cảnh tự mài bút lên tài khoản Youtube cá nhân thu hút nhiều lượt người xem.
Thầy giáo Lê Ta miệt mài dạy viết chữ đẹp. |
Qua quá trình tự tìm tòi, mài bút nét thanh nét đậm, anh thấy giúp giảm chi phí mua bút rất nhiều bởi trên thị trường, giá bút nét thanh nét đậm của các hãng khá cao, dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng nhưng qua cách mài thủ công, giá bút chỉ khoảng trên dưới 20.000 đồng. Chính những chiếc bút mài này được anh phát tặng học sinh lớp viết chữ đẹp tại nhà.
Cũng nhờ năng khiếu viết chữ đẹp, anh được nhiều người biết đến, nhờ viết, thậm chí có người còn gửi sang nước ngoài tặng các cháu của mình bài thơ.
Với lòng đam mê với việc luyện viết chữ đẹp, anh Lê Ta đang ấp ủ tâm nguyện giúp nhiều em học sinh được luyện chữ đẹp miễn phí và một thư viện gia đình để chia sẻ đam mê đọc sách cho các em học sinh…