Mới chỉ học khí công một năm
Trong ngày thi đầu tiên của Đại hội võ cổ truyền Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, nữ võ sinh Nguyễn Thị Thu Huệ đến từ môn phái Duy Thắng, tỉnh Thái Nguyên đã trình diễn tiết mục mang tên Bát thương thích huyệt. Huệ đã dùng bụng kéo xe ôtô 7 chỗ. Đặc biệt hơn, khi tìm hiểu mới biết, nữ võ sinh này chỉ mới theo học võ và học khí công được một năm. Đó là nghị lực phi thường của cô gái đam mê võ cổ truyền.
Nguyễn Thị Thu Huệ kéo xe 7 chỗ. |
Xuất phát từ nguyện vọng võ học thuở nhỏ và được sự ủng hộ từ phía gia đình, Huệ đã bái sư và theo học hơn một năm tại võ đường Duy Thắng và nhanh chóng có được những thành tích riêng cho cá nhân. Nhìn cách cô bé dùng cơ bụng để kéo chiếc xe ôtô 7 chỗ, không ai nghĩ quá trình tập luyện của cô chỉ ngắn ngủi một năm. Đúng như chia sẻ của võ sư Đình Thắng, đó là nghị lực và cũng là bản sắc riêng của võ Việt.
Trước sự chứng kiến của đông đảo người xem, cô gái dùng cơ bụng áp chiếc mũ nhôm nối sợi dây với chiếc ôtô. Rồi từ từ, cô dang hai tay giật lùi từng bước khiến chiếc xe di chuyển đến 50m bằng khí công của mình. Điều đáng nói hơn, nét mặt của Huệ không hề biểu hiện trạng thái nhăn nhó như người ta vẫn làm việc nặng. Đây là điều đặc biệt mà nữ sinh này khiến tất cả mọi người phải thán phục.
Sự phi thường của võ Việt
Trên toàn thế giới có khoảng 5.000 trung tâm đào tạo, huấn luyện, võ đường, câu lạc bộ với hơn 15.000 nhà hoạt động võ thuật, võ sư chưởng môn, võ sư huấn luyện viên và hàng triệu môn sinh qua các thế hệ đã và đang theo học võ cổ truyền Việt Nam. Đến nay, võ cổ truyền Việt Nam đang được giảng dạy và tập luyện trên 45 quốc gia tại 5 châu lục.
Như đã biết, ngay từ những thời kì đầu của võ cổ truyền Việt Nam, khí công đã được chú trọng rất nhiều. Một người luyện võ lâu năm không chỉ cần sức khỏe dẻo dai mà còn tích tụ những kinh nghiệm. Võ thuật rất chú trọng đến hơi thở, một người chuyên nghiệp dù có tập luyện vất vả như thế nào nhưng nếu có hơi thở luôn đều đặn thì sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Khí công chính là hơi thở, tích tụ lâu năm từ kinh nghiệm luyện võ thuật mà đúc kết thành. Có thể thấy, khí công và ngạch công trong võ thuật cổ truyền Việt Nam vô cùng thú vị và quan trọng trong mọi thế võ của dân tộc ta.
Theo võ sư Đình Thắng, chỉ cần con người có nghị lực và rèn luyện miệt mài thì không chỉ Huệ mà bất cứ võ sinh nào cũng có thể làm. Nó cũng thể hiện cho tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam, là cái chất, là cốt cách của người Việt. Những môn võ cổ truyền Việt Nam đều giữ được cái hồn cốt đó. Cũng vì vậy mà người Việt luôn nỗ lực để tạo ra những điều phi thường chỉ bắt nguồn từ một ý chí thép. Khí công là một thuật ngữ của Trung Quốc dùng để chỉ rất nhiều hệ thống luyện tập vật lý và tâm thần để đạt được sức khỏe, luyện võ và để tự giác ngộ.
Võ đường Duy Thắng từng được ghi hình trong chương trình Chuyện lạ Việt Nam của Đài truyền hình Việt Nam. Võ sư Phạm Đình Thắng là người có nhiều năm nghiên cứu và thực hành khinh công từng chia sẻ, đến thời điểm này, khoa học chưa có cách nào giải thích hiện tượng khinh công.
Nguyễn Thị Thu Huệ đang theo học lớp 10 và mới chỉ bắt đầu nghiệp võ nhưng đã khá bén duyên với con đường đầy khổ luyện và nguy hiểm này. Theo võ sư Đình Thắng - người đã theo nghiệp võ gần 40 năm, ông sẽ còn cải thiện thành tích của cô học trò trong thời gian tới với những màn biểu diễn phi thường hơn nữa. Sắp tới sẽ là màn để ôtô 30 chỗ lăn qua người như những người đàn anh của cô từng làm được.
Chính tinh hoa võ Việt đã thu hút đông đảo các quốc gia trên 5 châu lục quan tâm và đại hội cũng là dịp quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của võ thuật cổ truyền Việt Nam với hồn khí, cốt cách của con người Việt qua từng bài võ.