Học cách sống chung với bệnh tật
Vũ Ngọc Anh sinh ra tại Hải Phòng. 8 tháng tuổi, trong lần sơ sẩy, anh bị gãy một chân, một tay. Tai nạn này không khiến gia đình lưu tâm cho đến năm lên 2 tuổi, những lần gãy xương xảy ra thường xuyên hơn - từ vết mới đến vết cũ chưa kịp lành đã gãy tiếp.
Qua thăm khám, gia đình anh đau lòng khi biết tin cậu con trai bé nhỏ mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh. Đến nay, anh phải chịu hơn 150 lần gãy xương trên khắp cơ thể.
Vũ Ngọc Anh từng trải qua hơn 150 lần gãy xương vì căn bệnh xương thủy tinh. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trái với sự buồn đau của cha mẹ, kể từ khi nhận thức căn bệnh trong người, Vũ Ngọc Anh đón nhận nó như một phần trong cuộc sống. Ngay từ khi còn nhỏ, anh quan niệm, căn bệnh là một người bạn. "Bạn bè" phải luôn ở bên và giúp đỡ nhau. Bởi vậy, chàng trai luôn cố gắng làm mọi việc theo cách tốt nhất.
Vũ Ngọc Anh - sinh năm 1987, tại Hải Phòng. Hiện anh làm việc liên quan đến lĩnh vực thiết kế web, quản lý công ty vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam tại Hà Nội và TP HCM.
Ngọc Anh là tác giả cuốn tự truyện Không thể vỡ (xuất bản năm 2014) - kể về những chuyến đi của chàng trai mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh.
Anh là người sáng lập và phát triển quỹ Xương thủy tinh Việt Nam (oifvietnam), nhằm giúp những người cùng cảnh ngộ có nơi giao lưu, gặp gỡ lẫn nhau. Đây cũng là nơi anh tư vấn và hướng nghiệp, giúp mọi người cùng tự tin, vượt qua hoàn cảnh cuộc sống.
Với những người bình thường, việc đi lại là bản năng trong quá trình phát triển. Nhưng với chàng trai này, thời gian tập đi là tháng ngày không thể quên. Anh cho biết, trong quá trình tập, chuyện gãy xương là điều không tránh khỏi. Nhưng dù đau đớn, anh vẫn luôn cố gắng vượt qua mọi trở ngại.
Câu chuyện tập đi của Ngọc Anh kéo dài đến năm lớp 7, hai chân cùng gãy khiến anh phải tạm dừng ước mơ. Kể từ đó, anh có thêm “người bạn” mới, hỗ trợ việc đi lại là chiếc xe lăn. Chàng trai kể lại, lần khiến anh nhớ nhất là lúc gãy chân nặng, phải đi viện mổ.
Ngọc Anh tâm sự: “Khi ấy, nhà tôi rất nghèo. Sau ca mổ, tôi thèm ăn sữa chua và được mẹ mua cho. Thế nhưng, vô tình tôi biết mẹ phải nhịn ăn để dành tiền mua thứ quà ấy. Nỗi đau cứa vào tim hơn tất thảy những lần tôi chịu đau thể xác. Từ ấy, tôi sợ sữa chua. Không phải vì hương vị, mà do mỗi khi nhìn thấy, cổ họng nghẹn đắng cùng hình ảnh giọt nước mắt mẹ thầm rơi”.
Sau thời gian dài ổn định, chàng trai Hải Phòng vẫn tập di chuyển bằng gối để hỗ trợ việc đi lại trong nhà. Đối với anh, ngoài việc không thể đứng thẳng và đi lại như người bình thường, anh vẫn luôn tự hào mình có thể làm mọi việc vặt trong nhà, từ tự chăm sóc bản thân đến nấu ăn, đi chợ…
Ngọc Anh tự đi chợ, phục vụ nhu cầu cá nhân hàng ngày. Ảnh: Anh Tuấn. |
Số phận không giống nhiều người, nhưng Vũ Ngọc Anh luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, yêu đời, hài lòng với những gì bản thân có được. Anh có tính cách hòa đồng, thân thiện và cách nói chuyện hài hước, đem lại sự gần gũi cho người tiếp xúc. Bởi vậy, ngày còn đi học, anh luôn được bạn bè quý mến và giúp đỡ nhiều việc.
Tuy nhiên, một số người không quen biết từng chọc, có ánh mắt dị nghị… khiến anh đôi lần thoáng buồn. Song anh luôn biết học cách bỏ qua những chuyện ấy và nghĩ về điều tươi đẹp hơn.
Nói về kỷ niệm ngày đi học, Ngọc Anh cho biết: “Tôi không có nhiều thành tích trong học tập. Nhưng điều khiến tôi nhớ mãi đến giờ là điểm 10 đầu tiên và duy nhất trong môn Thể dục với bài quay trái quay phải. Sau này, vì bị gãy xương nhiều lần nên tôi được miễn học môn này. Đôi khi, nhìn bạn bè tập luyện, tôi cũng thường ước ao. Nhưng mỗi người một số phận, tôi luôn chấp nhận điều đó”.
Từng tự mình đặt chân lên những miền đất mới
Dù mang trong mình căn bệnh đặc biệt, chàng trai sinh năm 1987 vẫn cháy trong mình niềm đam mê lớn nhất là du lịch. Anh chia sẻ: “Khi ngồi một chỗ, khát khao đi lại của bạn sẽ rất lớn. Đối với tôi, lúc nào chữ “Đi” cũng hiện ra trước mắt. Tôi luôn tìm mọi cách để đập tan điều đó. Do đó, tôi quyết định sẽ thực hiện thay vì suy nghĩ”.
"Tôi đi không nhiều, nhưng những gì đã trải qua tôi đều mong muốn chia sẻ với mọi người. Tôi hy vọng, một ngày nào đó, những kinh nghiệm tôi thu được sau những lần vượt qua khó khăn sẽ giúp ích nhiều tới những hoàn cảnh như tôi".
Anh đã biến ước mơ của mình thành hiện thực bằng cách tham gia nhiều chương trình tình nguyện để có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất mới. Rào cản lớn nhất của anh là sự cản trở từ gia đình. Thời gian đầu, mẹ anh khóc rất nhiều bởi bà không yên tâm khi để con trai một mình. Nhưng bằng ý chí và niềm đam mê mãnh liệt, anh vẫn cố gắng thực hiện đam mê.
Trong mỗi chuyến phiêu lưu đó, ngoài việc nghĩ về sự an toàn của bản thân, Ngọc Anh luôn nghĩ tới phải quay về vì có bố mẹ chờ đợi. Bên cạnh những lần đi cùng đoàn thể, chàng trai cũng nhiều lần tự thực hiện niềm đam mê một mình. Trong đó có những chuyến đi xa đến miền Tây Tổ quốc, ngao du các điểm cực…
“Trải nghiệm những chuyến đi một mình có rất nhiều điều thú vị. Ngoài việc được tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên, điều khiến tôi hạnh phúc nhất là luôn gặp được những người sẵn sàng giúp đỡ. Chưa bao giờ, tôi thấy mình cô đơn trong những chuyến đi ấy” - anh chia sẻ.
Vũ Ngọc Anh trong chuyến đi một mình tới Đất Mũi. Ảnh: NVCC. |
Không ít lần, Vũ Ngọc Anh gặp nguy hiểm trong các chuyến ngao du. Dịp đi Thái Nguyên, anh từng ngã và ngất lịm tại đường đèo mà không ai hay biết. Sau khi tỉnh dậy, anh trở về nhà và thầm cảm ơn cuộc sống còn nhiều may mắn. Sau những nguy hiểm, anh tự rút kinh nghiệm và biết sức mình tới đâu. Từ đó, ý chí kiên cường và nghị lực của chàng trai sinh năm 1987 trở thành tấm gương cho nhiều trường hợp mắc căn bệnh tương tự.
Vượt qua số phận, đối với nhiều người, Vũ Ngọc Anh là tấm gương sáng về ý chí và sự nỗ lực. Đến nay, anh đã tự đặt chân đến trên 30 tỉnh thành của đất nước. Trong tương lai, ngoài việc phát triển công việc, anh dự định sẽ hoàn thành mục tiêu chinh phục những miền đất còn lại của Tổ quốc và phát triển quỹ Xương thủy tinh Việt Nam do anh sáng lập.