Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai 21 tuổi nhập viện với vết thương thấu bụng

Cách thời gian nhập viện 30 phút, nam thanh niên bị dao nhọn đâm, có vết thương thấu bụng, chảy máu nhiều.

Các bác sĩ mổ cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân bị vết thương thấu bụng. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân là P.V.T., 21 tuổi, trú tại phường Tân An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Theo lời kể của người nhà, sau khi bị đâm, T. được sơ cứu băng ép vết thương bằng vải sạch, sau đó chuyển đến Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên bằng ôtô.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đi siêu âm và chụp X-quang ổ bụng để đánh giá mức độ tổn thương. Bệnh nhân được chẩn đoán vết thương thấu bụng và được chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp.

Kíp phẫu thuật do bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Dũng, Trưởng khoa Ngoại, trực tiếp đảm nhận. Bệnh nhân được mổ mở bụng đường trắng giữa trên và dưới rốn 15 cm.

Theo chia sẻ của bác sĩ, bên trong bụng của bệnh nhân có nhiều máu, rách mạc nối lớn, rách hỗng tràng kích thước xấp xỉ 0,5 cm. Các bác sĩ đã khâu cầm máu mạc nối lớn, khâu hỗng tràng và lau rửa sạch ổ bụng.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân tốt, hô hấp bình thường, được nằm tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại, Trung tâm Y tế.

Chấn thương bụng và vết thương bụng là cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm 10-13% tổng số mổ cấp cứu do chấn thương và vết thương nói chung.

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như tính chất của vết thương (gọn, sạch do vật sắc nhọn, bẩn - phức tạp nếu do hỏa khí…), thăm khám toàn trạng (sốc mất máu, nhiễm trùng), thăm khám qua siêu âm ổ bụng, X-quang bụng, chụp cắt lớp vi tính, tổng phân tích máu, sinh hóa máu…

Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi sơ cứu vết thương thấu bụng, cần thực hiện các bước sau:

  • Đưa bệnh nhân đến nơi an toàn.
  • Để người bệnh nằm nghiêng nếu bệnh nhân có nôn, thực hiện khai thông đường thở và hô hấp nhân tạo kết hợp ép tim ngoài lồng ngực nếu có ngừng tuần hoàn.
  • Nếu thấy có lòi tạng và mạc nối lớn ra khỏi thành bụng, tuyệt đối không cố gắng đẩy vào trong mà cần dùng bát sạch, chậu nhỏ sạch… úp lên trên và giữ kín để chuyển tới bệnh viện.
  • Các dị vật, vũ khí đâm xuyên không được rút ra mà phải để nguyên.
  • Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống.
  • Cần nghĩ đến có chấn thương bụng kín nếu có nguyên nhân sang chấn, va đập vào thành bụng, bầm tím thành bụng, bệnh nhân đau bụng, chướng bụng…

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Tiểu Huệ

Bạn có thể quan tâm