Bệnh nhân Phạm Văn Hiền (31 tuổi, ngụ TP.HCM) mua chất tẩy rửa bồn cầu không nhãn mác ở một cửa hàng về sử dụng. Trong lúc, anh Hiền dùng nước cọ rửa bồn cầu thì nước bắn vào cằm khiến anh bỏng nặng phải vào viện để chữa trị.
Ngày 6/10, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho hay bệnh nhân Hiền nhập viện vào ngày 2/10 trong tình trạng bỏng độ sâu ở vùng cằm, ngực và tay. Đáng nói, bệnh nhân bỏng kiềm (ba-zơ) không được sơ cứu ban đầu nên chất tẩy rửa ăn sâu vào mô, lớp mỡ của da khiến việc điều trị sau này trở nên khó khăn hơn.
Anh Tuấn bị bỏng khi chất tẩy bồn cầu bắn vào người. Ảnh: Phú Mỹ |
Bác sĩ Nguyễn Lê Hồng Ngọc, khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ, cho hay với trường hợp bệnh nhân Hiền là rất hi hữu. Trường hợp này, bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời song đáng tiếc anh không sơ cứu ban đầu, rửa nước sạch để tẩy trôi chất ăn mòn da.
Đặc tính của các chất tẩy rửa mang tính kiềm rất mạnh, ăn mòn hơn cả axit. Sau khi tiếp xúc với da dù được xử lý nhưng mức độ phá hủy lớp mô, mỡ vẫn diễn tiến đến 2-3 ngày sau. Nhiều bệnh nhân chủ quan không biết nên việc điều trị vết thương sau này rất khó khăn.
Đối với trường hợp anh Tuấn, bác sĩ đã xử lý ngăn chặn sự ăn mòn da. Vết thương bị bỏng chiếm diện tích nhỏ nhưng độ sâu và tính chất vết thương phải đợi mất từ 6 tháng trở lên bác sĩ mới có thể cắt lọc và phẫu thuật tạo hình cho anh
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người trong gia đình cẩn thận khi mua các chất tẩy bổn cầu, nên xem nồng độ, nhãn mác kỹ càng trước khi mua. Mỗi năm bệnh viện gặp 1-2 trường hợp tương tự, song do chủ quan nên người bệnh thường không điều trị dứt điểm khiến những vết sẹo sâu về sau rất đáng tiếc. Bệnh viện đã từng chữa 1 ca bé trai bị bỏng nguyên mông khi người nhà dội không hết chất tẩy rửa trên thành bồn cầu.
Việc đầu tiên sau khi bỏng kiềm, nạn nhân cần được rửa rước sạch trong vòng 30 phút để tẩy trôi đi các chất kiềm ở vết thương, sau đó đến ngay bệnh viện để được cấp cứu.