Nạn nhân của vụ tấn công tàn bạo (chỉ được xác định là Constantine, 29 tuổi) từ Trung Quốc sang Australia để học đấu kiếm, theo Next Shark.
Mark Holgate - thầy dạy đấu kiếm của Constantine - kể lại vào ngày 22/2, học trò của mình đang đi trên đường phố Adelaide thì một người đàn ông đột nhiên đến gần và lăng mạ anh bằng lời lẽ phân biệt chủng tộc.
“Hôm nay, tôi rất tức giận và xấu hổ khi là người Australia. Ba ngày trước, một học trò người Trung Quốc của tôi đã bị tấn công một cách hèn hạ vì nói một ngôn ngữ khác ở ngoài đường”, Holgate viết tại trang cá nhân.
Theo Holgate, kẻ lạ mặt yêu cầu Constantine nói tiếng Anh. Tuy nhiên, chàng trai 29 tuổi vẫn nói tiếng mẹ đẻ và bị hành hung dã man.
Vụ tấn công khiến Constantine bị tổn thương nặng ở vùng mắt và xương gò má. Holgate cho hay chàng trai có nguy cơ mất thị lực nếu không sớm trải qua cuộc phẫu thuật tạo hình tốn kém.
Chàng trai Trung Quốc bị hành hung vì nói tiếng mẹ đẻ ở xứ sở chuột túi. Ảnh: Mark Holgate. |
“Hãy chăm sóc những người bạn châu Á của các bạn. Virus corona chỉ là cái cớ khuấy động các vụ bạo lực xuất phát từ tâm lý phân biệt chủng tộc”, giáo viên đấu kiếm nói.
Holgate đã mở một trang gây quỹ GoFundMe nhằm giúp Constantine trang trải chi phí điều trị. Đến nay, số tiền quyên góp được là 6.300 USD, vượt mục tiêu ban đầu 6.000 USD.
“Constantine gặp chút khó khăn khi không phải công dân Australia. Chúng tôi đã báo cảnh sát, nhưng phải chờ đợi rất lâu mới nhận được tiền bồi thường. Tiền quyên góp sẽ dùng để trang trải chi phí điều trị và phục hồi của cậu ấy”, Holgate cho hay.
Anh nói thêm kẻ tấn công Constantine đã bị cảnh sát bắt giữ khi trở lại hiện trường vụ án.
“Người đàn ông 24 tuổi ở Noarlunga Downs bị cáo buộc gây ra vụ tấn công và làm thiệt hại tài sản”, một phát ngôn viên của cảnh sát cho hay.
Người này đã nộp tiền bảo lãnh và sẽ xuất hiện tại Tòa án sơ thẩm ở thành phố Adelaide vào ngày 30/3.
Ngày 27/2, Holgate cho hay Constantine được phẫu thuật thành công và đã xuất viện.
“Cậu ấy vẫn còn khá đau đớn, nhưng được chăm sóc tốt và đã xuất viện. Cậu ấy cũng biết ơn những lời khích lệ và lòng tốt của mọi người. Lòng trắc ẩn của các bạn đã giúp Constantine hiểu rằng người Australia quan tâm đến mình và nhận thấy cách anh ấy bị phân biệt đối xử thật đáng ghê tởm. Cảm ơn mọi người rất nhiều”,Holgate nhắn nhủ.
Theo SCMP, dịch bệnh đã tạo ra tâm lý kỳ thị ở khắp nơi trên thế giới. Nếu trước đây, người Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung trên khắp thế giới đều bị xúc phạm, phân biệt đối xử. Thì giờ đây, khi số ca mắc bệnh tại Italy tăng cao mỗi ngày, người dân ở đất nước hình chiếc ủng lại thấy bất ngờ khi đến lượt mình bị người khác lảng tránh.
Dịch bệnh đã tạo ra tâm lý kỳ thị ở khắp nơi trên thế giới. Đáng ra, sự sợ hãi chỉ nên thể hiện ở tư duy phòng bệnh, thay vì đề phòng tất cả những gì có thể liên quan tới dịch bệnh này.
Từ châu Á tới châu Âu, châu Mỹ, các chính trị gia, chuyên gia đều nhận định tâm lý kỳ thị hay chia sẻ thông tin giả làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh.
Michael Ryan - giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp về Sức khỏe thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - nhấn mạnh không nên có sự kỳ thị nào liên quan đến dịch virus corona chủng mới.
“Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo không có sự kỳ thị nào liên quan đến căn bệnh này. Điều đó không cần thiết và không mang lại ích lợi gì”, ông Ryan nói trong một cuộc họp về dịch bệnh tại trụ sở WHO.