Mới đây, trên trang cá nhân, Hồ Đăng Chinh (27 tuổi, TP HCM) chia sẻ bài viết về chuyến du lịch Myanmar cùng bạn bè với chi phí thấp, nhưng vẫn vui chơi, ăn uống thoải mái, thu hút gần 1.000 like (thích) từ cộng đồng mạng.
Đăng Chinh cho biết, anh có sở thích khám phá những vùng đất mới. Chàng trai có bảng thành tích đáng nể khi tới thời điểm này đã đi hết 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam, chinh phục được 4 cực tổ quốc và đặt chân đến được 9/10 quốc gia Đông Nam Á.
Hồ Đăng Chinh trong chuyến hành trình đến Myanmar. Ảnh: NVCC. |
Bài viết của Đăng Chinh trên trang cá nhân:
"Myanmar mấy năm nay không còn xa lạ gì với người Việt Nam khi nổi lên như 1 địa điểm bình yên, cảnh đẹp và con người hiền lành, thân thiện. Nhân chuyến đi gồm 2 nam, 9 nữ, mình xin chia sẻ kinh nghiệm làm sao để đi hết 5 ngày 4 đêm mà chỉ tốn có 280 USD (hơn 6 triệu đồng) cho 1 người, bao gồm cả vé máy bay.
Chi phí thấp nhưng không có nghĩa là sử dụng dịch vụ kém, ngược lại ăn uống no nê, đi xe bus 5 sao và ngủ khách sạn 3 sao.
1. Đầu tiên, và quan trọng vô cùng: Vé máy bay. Hiện Việt Nam có nhiều hãng máy bay với các mức giá khác nhau. Mình may mắn chọn được một hãng khuyến mãi với chi phí 100 USD/người (2,2 triệu đồng) khứ hồi.
Cả đi lẫn về đều không bị trễ chuyến. Cho nên, ai đã nung nấu ý định đi Myanmar thì hãy chốt ngày và đặt vé ngay để có giá 100 USD như trên.
2. Đi lại: Ở Myanmar, phương tiện đi lại phổ biến là taxi. Nhưng tuyệt nhiên không có tiết mục chạy theo km tính tiền như Việt Nam. Uber lại là chuyện viễn vông nơi đây. Nên hãy gọi taxi, đặc biệt là phải trả giá, ở mức thấp nhất có thể.
Đó là đi lại nội bộ, còn đi lại giữa mấy thành phố lớn, thì nên đi xe JJ. Xe rộng rãi, thoải mái, được phát gối kê cổ, chăn mền, đồ ăn, trà cà phê trong suốt chuyến đi, y như đi máy bay. Giá vé là 18 USD (gần 400.000 đồng) từ Yangon đi Mandalay hoặc Bagan. Không hề rẻ nhưng chất lượng hoàn toàn tương xứng với giá tiền.
Có bạn hỏi đi máy bay thì sao. Mình chưa trải nghiệm cái này vì giá vé máy bay hơi cao, 100 USD cho 45 phút bay từ Bagan về Yangon. Đi xe thoải mái hơn, 21h khởi hành, ngủ 1 giấc 6h sáng hôm sau đã có mặt tại bến xe.
3. Ở: Giá khách sạn ở Myanmar khá đắt, đặc biệt trong mùa cao điểm tháng 10 trở đi đến tháng 3 năm sau. Nên lên Agoda đặt trước, hoặc tự viết email hỏi giá, trả giá để có giá tốt nhất.
Hôm mình đi chọn một khách sạn 3 sao ở Bagan luôn (Royal Bagan hotel), giá sau khuyến mãi là 49 USD (1 triệu đồng) cho 1 phòng 2 người, có ăn sáng và miễn phí hồ bơi. Khách sạn sạch sẽ, đẹp, nhân viên thân thiện.
4. Ăn: Đồ ăn Myanmar rẻ vô cùng. Ăn 1 bữa trưa no căng bụng, ở 1 quán vừa vừa, tốn có 40.000 đồng/1 người. Ăn sang chảnh 1 chút thì vô nhà hàng, mà cũng chỉ có 100.000-150.000 đồng/1 buổi.
Rẻ là 1 chuyện, nhưng dễ ăn hay không là chuyện khác. Cá nhân mình nghĩ đồ ăn Myanmar giống Việt Nam đến 70%. Tuy nhiên nêm nếm thì nhiều gia vị hơn nên mặn và dễ ngấy. Một số món hay bỏ nước dừa và lạnh.
Chùa vàng Shwedagon ở thủ đô Yangon. Ảnh: NVCC. |
5. Chơi: Có 3 nơi ở Myanmar mà bạn phải đi, là Bagan, Mandalay và Inle. Không may là cả ba nơi này đều nằm về phía Bắc cách Yangon hơn 500 km và lại cách xa nhau nữa nên muốn đi cả 3 nơi này, tốt nhất là chuẩn bị 1 tuần cho lịch trình. Mình đi chỉ 5 ngày, nên phải hi sinh Inle cho lần sau. Và mình cho đây là quyết định đúng khi Mandalay và Bagan hoàn toàn làm mãn nhãn mình.
Có lưu ý nhỏ. "Đặc sản" của Myanmar là đền, chùa, hoàng hôn và bình minh. Nên nếu ai ưa chuộng những nơi sôi động, hiện đại, hay cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thì có lẽ Myanmar không phải nơi phù hợp cho bạn. Ở Myanmar, đặc biệt là Bagan, phải sống chậm, trút hết mọi ưu phiền và tìm kiếm sự bình yên, Bagan sẽ là 1 nơi tuyệt vời nhất có thể.
Quay trở lại, Yangon là thủ đô cũ của Myanmar, là thành phố lớn nhất đất nước này. Đến Yangon, thì phải đi chùa, mà lớn nhất là chùa vàng Shwedagon. Nên đi chùa này từ tầm 16h, ngắm hoàng hôn nhuộm vàng những mái chùa, rồi lên đèn lung linh lộng lẫy.
Đi chùa thì nên chậm rãi, quan sát cách người dân nơi đây đắm mình trong đời sống tâm linh Phật giáo hết sức thú vị. Muốn đi chùa này thì phải tốn 8 USD (175.000 đồng) hoặc 8.000 kyats cho người nước ngoài. Nên trả bằng tiền Myanmar sẽ tiện hơn. Yangon còn có cái chợ Bogyke Aung San, chuyên bán vàng bạc và đồ lưu niệm. Nằm gần China Town nên có thể kết hợp tham quan. Và nhắc lại câu châm ngôn khi mua gì cần gì: "Nhớ trả giá".
Myanmar, càng đơn giản càng tốt. Không cần hoa mỹ, hoành tráng hay rườm rà. Chỉ cần bạn hưởng thụ theo cách của riêng bạn, thì Myanmar sẽ là một thiên đường không dễ tìm kiếm.
Đăng Chinh cũng chia sẻ một vài lưu ý dành cho mọi người có dự định đến Myanmar:
- Đổi tiền thì mang theo USD. Đến sân bay thì đổi USD sang kyats (currency của Myanmar). Xem quầy nào tỉ giá tốt nhất thì đổi, không cần vào trung tâm cho mệt. Giữ lại 1 ít USD vì 1 số nơi có thể trả bằng USD.
- Nên mua 1 sim điện thoại để dễ dàng liên lạc với mấy nơi đưa đón ăn ở.
- Nên đặt trước trên mạng các dịch vụ và trả giá hết mức có thể. Khách sạn thì Agoda có nhiều. Còn xe JJ thì tìm trên Facebook và book ngay trên đó luôn, mấy bạn này dễ thương cực kỳ.
- Trước khi sử dụng dịch vụ gì thì nên hỏi giá trước, nếu thích có thể trả giá để có được giá tốt nhất.
- Nếu có sức khỏe, nên đi xe đêm để tiết kiệm thời gian. 3/4 đêm ở Myanmar mình đều ở trên xe.
- Myanmar trễ hơn Việt Nam 30 phút. Internet thì không phổ biến nên qua đó có thể cai nghiện mạng xã hội một thời gian.
- Uống bia Myanmar tầm 35.000 đồng/1 chai.
- Tắm sẽ là vấn đề đau đầu, khi mà di chuyển suốt trên xe. Do đó, hãy tìm chỗ tắm ngay khi có thể (ví dụ như thuê khách sạn theo giờ, tắm ở nhà tắm xe JJ ở bến xe...).
- Một trong những khoảnh khắc đắt giá là hoàng hôn ở cầu U Bein hay bình minh ở Bagan. Nên đi sớm vì người chen chúc nhau.
- Đi xe JJ ban đêm, nhớ mang theo áo lạnh, hoặc áo dài tay vì xe mở máy lạnh lớn.
- Đường xá ở đây hay kẹt xe.
- Đi chùa ở Myanmar buộc phải bỏ tất cả giày dép, kể cả vớ tất ra nên khuyến khích mang theo 1 túi đựng giày.
- Nên mua thử 1 cái Longyi (trang phục truyền thống của Myanmar) chỉ vài chục ngàn và bôi phấn Thanaka lên mặt để được thử cảm giác là 1 người Myanmar chính gốc là như thế nào.
Chàng trai Sài thành có hành trình nghỉ dưỡng thoải mái tại Myanmar với chi phí thấp. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với Zing.vn, Đăng Chinh cho biết, mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng biệt. Mục đích duy nhất của anh là hỗ trợ thông tin cho những bạn sắp và muốn đi Myanmar.
"Mình không và chưa hề có ý định câu like (thích) hay thương mại hóa, vì hơn hết, mình muốn trang cá nhân không phải nơi mua bán" - anh khẳng định.
Theo chàng trai 27 tuổi, trào lưu chia sẻ kinh nghiệm du lịch là một việc làm đáng hoan nghênh, vì có tính cộng đồng và hỗ trợ lẫn nhau. Những thông tin dù ít hay nhiều, cũng định hình những việc bạn cần làm và tránh để có thể có 1 chuyến đi trọn vẹn nhất.
Bên cạnh đó, Chinh nhận định, thông tin chỉ mang tính chất tham khảo vì tại mỗi thời điểm, mục tiêu của chuyến đi và nhu cầu của người đi hoàn toàn khác nhau và thay đổi liên tục.
Về các ý kiến của dân mạng cho rằng, đa số các chia sẻ kinh nghiệm đều có phần nói quá, với chi phí rẻ như vậy khó mà thực hiện một chuyến đi thoải mái.
Đăng Chinh thẳng thắn bày tỏ: "Hơn ai hết người viết cần có chuẩn mực trung thực và người đọc cần có chuẩn mực tỉnh táo. 283 USD cho 1 chuyến đi 5 ngày đã đắt hơn những người bạn mình từng đi. Có người đi 7 ngày chỉ mất chưa đến 8 triệu đồng. Nên đây cũng không phải hình mẫu hay bản sao tiết kiệm mà bạn cần dập khuôn làm theo".