Được biết đến sau bộ ảnh “Daydreamers” (“Những kẻ mộng mơ” – bộ ảnh về người đồng tính gây sốt), chàng trai H’Mông Sùng A Lùng (sinh năm 1993, Lai Châu) khiến nhiều người bất ngờ về khả năng thể hiện cảm xúc cũng như cái hồn của nghệ thuật ảnh.
Anh là một diễn viên múa nổi tiếng, từng đạt huy chương vàng hội thi các trường nghệ thuật toàn quốc (năm 2010), từng được những người đầu ngành đánh giá là “hòn ngọc quý hiếm trong làng múa”… Nhưng trước khi chạm tay tới vinh quang ấy, chàng trai dân tộc đã trải qua vô vàn khó khăn.
Tuổi thơ gian khó
Nhìn làn da trắng, gương mặt thư sinh, vóc dáng chuẩn, chẳng ai ngờ được Sùng A Lùng lại là chàng trai dân tộc H’Mông lớn lên giữa vùng rừng núi nghèo nàn, khắc nghiệt. Sùng A Lùng sinh ra tại bản Chản Phàng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu, chỉ cách biên giới 3 cây số.
Đó là một bản nghèo, xung quanh là núi rừng, đất đá lởm chởm, sương muối phủ kín. Cuộc sống gia đình A Lùng cũng như người dân nơi đây rất khó khăn, một vụ lúa chỉ đủ ăn mấy tháng, thời gian còn lại phải ăn ngô, sắn, rau rừng…
Sùng A Lùng - chàng trai dân tộc H'Mông đam mê múa. |
Tuổi thơ của chàng trai gắn liền với nương rẫy, núi đồi. 3 tuổi, Lùng đã lẫm tẫm theo mẹ lên nương, 4 tuổi đã địu em sau lưng đi nhặt những hạt thóc rơi vụn trên ruộng đồng. Lùng kể, mùa nắng thì cháy da, mùa mưa thì lúc nào người cũng ướt sũng bởi cậu là anh trai cả trong nhà có 5 anh em nên phải phụ cha mẹ kiếm cái ăn.
Lớp 1, Lùng học tại bản. Hết lớp 1 chỉ biết nói đúng hai từ “không biết”. Lớp 2 anh được chuyển lên xã học. Trường học cách bản mấy quả đồi nên anh và các bạn phải dựng lều ở tại đó.
Lùng kể: “Mỗi tuần mình về thăm nhà một lần. Chơi với em được hơn một ngày rồi lại trèo đèo, lội suối, cuốc bộ qua mấy quả núi về trường với 10 bát gạo sau lưng. Hàng ngày, ngoài giờ học, mình và các bạn vào rừng lấy củi, hái rau, bắt chuột, bẫy chim… Ngoài gạo bố mẹ cho, đồ ăn chúng mình phải tự kiếm. Mùa đông mới gọi là khổ. Lạnh lẽo, mưa bão đủ kiểu. Có lần bão thổi tung mái lều, suýt chết vì có cục đá ở đâu rơi ngay cạnh đầu”.
Lùng và các bạn đã trải qua suốt 4 năm học trong điều kiện khắc nghiệt như thế. Lớp 6, anh được xuống huyện học nội trú nên cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn. Không chỉ học văn hóa tốt, Lùng còn có năng khiếu đặc biệt về múa.
Năm lớp 8, Lùng đạt giải nhất huyện bộ môn múa, năm lớp 9 đạt giải nhất tỉnh và được tuyển thẳng vào trường Đại học Văn hóa – nghệ thuật quân đội.
Vượt qua khó khăn, Lùng trở thành diễn viên múa đương đại chuyên nghiệp. |
Được học môn nghệ thuật mình đam mê trong một môi trường tốt, A Lùng nỗ lực không ngừng. Mọi thứ của Thủ đô đều lạ lẫm với chàng trai dân tộc H’Mông, nhưng anh đã nhanh chóng hòa nhập bởi, đó là con đường duy nhất giúp anh vượt qua cái đói, nghèo.
Qua hai năm học múa chuyên nghiệp, Lùng đã được tuyển vào làm tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Học thêm ba năm chuyên ngành múa hệ trung cấp, anh chính thức trở thành nghệ sỹ múa chuyên nghiệp. Cái tên Sùng A Lùng hay “chàng trai H’Mông múa giỏi” đã quá quen thuộc với những người trong làng múa. Sự thành công của Lùng khiến cả gia đình và vùng quê sinh ra cậu bất ngờ.
Trong khi cuộc sống và công việc tại Thủ đô đang ổn định, Lùng lại quyết định bỏ ngang để vào Sài Gòn lập nghiệp. Lùng bảo: “Mình yêu Hà Nội nhưng Sài Gòn hợp với mình hơn. Dù con đường phía trước đầy gian nan, nhưng nếu ai đã trải qua nhiều chông gai như mình rồi thì chẳng khó khăn nào khuất phục được nữa”.
Ăn ngủ cùng vũ điệu
Con trai học múa không nhiều, con trai dân tộc miền núi đam mê múa còn hiếm hơn. Tài năng của Lùng được thầy cô đánh giá như “bông hoa quý nở bung giữa rừng”.
Lùng tâm sự: “Mình đến với múa cũng tự nhiên lắm. Hồi học ở huyện, mình là đứa con trai duy nhất trong lớp xung phong tham gia đội múa. Trong các buổi văn nghệ một mình mình là nam múa với một nhóm bạn nữ. Sau đó đi thi, đạt giải và được tuyển thẳng và trường Văn hóa nghệ thuật. Tự nhiên mình đam mê múa lúc nào không hay”.
Dù có năng khiếu bẩm sinh nhưng khi bắt đầu học múa chuyên nghiệp, Lùng gặp nhiều khó khăn. Phải tập những động tác như ép người, xoạc chân khiến anh đau đến khóc thét, rồi ngày hôm sau không thể đi nổi. “Nhưng những cái đó đâu có là gì so với việc phải ăn ngủ ở rừng, lên nương làm rẫy… Dần dần rồi mình cũng quen, việc lập luyện dễ dàng hơn” – Lùng chia sẻ.
Sùng A Lùng được gọi là chàng trai “ăn ngủ cùng vũ điệu”, bởi ở bất kỳ đâu anh cũng có thể múa. Múa đi chung với cuộc sống của Lùng, giúp anh vượt qua nhiều khó khăn, thậm chí vực anh dậy trong những lúc thất vọng đến cùng cực. Lùng bảo, con đường đi từ bản nghèo đến với anh vất vả, lởm chởm quá nên giờ anh quý trọng từng điệu múa như chính cuộc sống của mình.
Sùng A Lùng là một chàng trai đồng tính. Điều đó càng khiến anh trở nên “dị biệt” trong mắt nhiều người. Lùng tâm sự: “Hồi còn nhỏ xíu, mình thích một bạn con trai. Chẳng hiểu sao mình luôn có cảm giác lạ khi ở gần bạn ấy. Nhưng lúc đó không biết như vậy là đồng tính hay gì. Lớn lên rồi, mình cũng có những rung cảm đặc biệt như thế”.
Bố mẹ Lùng là người dân tộc, không biết khái niệm “đồng tính” nên vẫn giục con trai lấy vợ, sinh con. Lùng chỉ lấy lý do còn trẻ, còn muốn phiêu lưu để trì hoãn. Với cộng đồng, Lùng can đảm công khai và sống thật với giới tính của mình. Nhưng với gia đình, Lùng bảo, cậu cần thời gian.
Nhận lời tham gia làm mẫu cho bộ ảnh “Daydreamers” (Những kẻ mộng mơ), Sùng A Lùng khẳng định cuộc sống được tái hiện trong bộ ảnh chính là những gì anh luôn mơ ước. Lùng muốn có một gia đình nhỏ hạnh phúc bên người yêu và đứa con trai bé bỏng. Chính niềm mơ ước rất thật ấy giúp anh có được biểu cảm chân thật và bộ ảnh đã lấy được cảm xúc của người xem.
Cuộc sống được tái hiện trong bộ ảnh chính là điều Sùng A Lùng luôn mơ ước. |
Từ một chàng trai dân tộc H’Mông, suốt tuổi thơ “ăn sương nằm gió” với núi rừng, Lùng đã trở thành diễn viên múa đương đại chuyên nghiệp. “Là một người bình thường, kiếm tìm hạnh phúc đã khó. Là một người đồng tính, hạnh phúc còn khó hơn gấp bội. Nhưng rồi nếu dám yêu, dám là mình thì sẽ đặt chân đến bậc thềm của hạnh phúc” – Sùng A Lùng vẫn tin như vậy.