Ngày 21/5, thông tin từ Phòng khám chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, cho biết đơn vị này đã điều trị và tẩy xổ ra sán dây cho Võ Văn H. (22 tuổi, TP.HCM). Hai tháng gần đây, bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu. Thường ngày, H. có thói quen ăn thịt tái.
Trước đó 2 ngày, trong khi thay đồ, người này phát hiện các đoạn nhỏ giống thịt, mềm, màu vàng nâu rơi ra ngoài. Lo sợ mình mắc bệnh, H. tìm kiếm thông tin và quyết định đến bệnh viện thăm khám.
Với triệu chứng đốt sán bò ra ngoài nêu trên, kết quả xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán dây (bệnh lợn gạo Cysticercus Cellulosae), bệnh nhân được cho dùng thuốc xổ. Kết quả, chàng trai 22 tuổi đi ngoài ra con sán dây có màu vàng nâu, dài hơn 1 m.
Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân dương tính với ấu trùng sán dây lợn. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, phòng khám quốc tế Ánh Nga, TP.HCM, chuyên khoa ký sinh trùng, cho biết loại sán này có ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở những vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt.
Sán dây dài từ 2-3 m (thậm chí 8 m), đầu nhỏ, hơi tròn, đường kính khoảng 1 mm, có bộ phận nhô lên, có 2 vòng móc (22- 32 móc) và 4 giác ở 4 góc.
Khi nhiễm sán dây, ở da, các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay và có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào.
Sán dây sẽ biểu hiện như một u nang trong não hoặc có thể gây nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt, thậm chí đột tử.
Ở mắt, nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, kết mạc, thủy tinh thể, gây giảm thị lực hoặc mù tùy theo vị trí của ấu trùng. Chúng cũng có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, khiến bệnh nhân ngất xỉu.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm sống như thịt lợn, thịt bò, thịt dê, nem chua (nguy cơ nhiễm bệnh sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
Quản lý phân tươi, đặc biệt ở vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Người dân nên giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, không nuôi lợn thả rông.
Người có sán dây trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò giết mổ lợn (heo). Nếu nghi ngờ mắc bệnh phải đến các cơ sở y tế, các phòng khám chuyên khoa để điều trị.