Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai con sán dây dài 2 m trong cơ thể bệnh nhân Thái Lan

Theo thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, các bác sĩ vừa gắp 2 con sán dây dài 2 m trong cơ thể một bệnh nhân mang quốc tịch Thái Lan.

Bệnh nhân nam 40 tuổi, quốc tịch Thái Lan, ngụ tại Bình Dương đã đến Phòng khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, để khám bệnh với tâm trạng rất lo lắng.

Theo bệnh nhân mô tả, thỉnh thoảng anh thấy ở hậu môn có từng đoạn dẹp, màu trắng, dài khoảng 3 đến 4cm ra ngoài theo phân, ngay cả những lúc không đi cầu cũng phát hiện thấy những đốt như vậy.

Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm sán dây trưởng thành và được chỉ định tẩy xổ sán theo quy trình của Viện Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM. 

san day dai 2 m ky sinh trong co the anh 1
Hai con sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Sau uống thuốc khoảng 3 giờ, bệnh nhân đi cầu lần thứ nhất thu hồi được 3 - 5 đốt sán, 15 phút sau bệnh nhân đi cầu lần thứ 2 ra 2 con sán dây, một con dài khoảng 2,5m và một con dài khoảng 1,5m.

Theo bác sĩ Trần Thanh Long, đây là một trong những trường hợp ít gặp, nhiễm cùng lúc 2 sán dây trưởng thành. Sau khi tẩy, xổ và hoàn thiện các bước theo quy trình, bệnh nhân được hẹn tái khám sau 3 tháng.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên ăn uống thực phẩm nấu chín, đảm bảo an toàn vệ sinh. Đối với bệnh sán dây, để tránh mắc bệnh, người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt heo, thịt bò, thịt dê, nem chua... (nguy cơ nhiễm bệnh sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán).

Nếu nghi ngờ mắc bệnh phải đến các cơ sở y tế, các phòng khám chuyên khoa để điều trị. Người có sán dây trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75o C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.

Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

 - Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Thiếu niên thiệt mạng vì sán xơ mít làm tổ trong não Các bác sĩ phát hiện trong não của thiếu niên có quá nhiều trứng sán làm tổ, gây ra tình trạng co giật. Bệnh nhân tử vong sau 2 tuần cấp cứu.

https://suckhoedoisong.vn/hai-con-san-day-dai-2m-ky-sinh-trong-nguoi-dan-ong-n157577.html

Theo Nguyễn Vũ / Sức khỏe và Đời sống

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm