Sinh ra với đôi mắt lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng do không may ngã từ trên giường xuống và bị những mảnh vỡ từ ly sữa thủy tinh mà Vinh cầm trên tay đâm vào mắt đã khiến Vinh trở nên mù lòa từ lúc 19 tháng tuổi.
Tuy không nhìn thấy ánh sáng nhưng Vinh đã tự khai sáng cuộc đời mình bằng việc “học càng giống người bình thường càng tốt”.
Nguyễn Thành Vinh cặm cụi tự học bên máy tính. |
“Bằng mọi cách tôi phải đi học”
“Những đứa trẻ đến học ở ngôi trường này em nào cũng rất thiệt thòi nên tôi yêu quý tất cả. Tuy nhiên có những em còn lười thì mình nghiêm khắc nhắc nhở để cố gắng, nhưng với những em luôn biết tự nỗ lực vươn lên thì mình không cần làm công việc ấy. Vinh là một trong số những học sinh như vậy. Em ham học, tích cực, lạc quan sống và biết nắm bắt các cơ hội để phát triển việc học của mình. Tôi rất mừng khi em có môi trường học tập tốt” - cô Hà Thanh Vân (hiệu trưởng trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu).
Đó là khẳng định của Vinh khi kể về gia đình của mình và về quan niệm “cho con học đến lớp 9 rồi để tụi nó đi làm kiếm tiền” của một số người dân sống ở ấp Xuân Khánh 1, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, Long An - nơi Vinh sinh ra và lớn lên.
Ba mẹ Vinh có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và điều đó đã từng khiến Vinh cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Vinh từng mang trong mình suy nghĩ: “Không thấy đường nhiều lúc cũng tốt, mình sẽ không phải chứng kiến những chuyện đau lòng”.
Thế nhưng bằng con đường học tập, chàng trai khiếm thị đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống và cảm thấy cuộc đời thật đáng trân trọng khi xung quanh Vinh còn rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ mình đeo đuổi ước mơ ấy.
Vinh rời gia đình và đến sống, học tập tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM từ năm 6 tuổi. Những ngày đầu tiên, cậu bé vô cùng sợ hãi và khóc rất nhiều nhưng cuối cùng đã vượt qua tất cả.
“Nơi đây đã giúp tôi biết tự lập hơn, từ việc tự chăm sóc bản thân đến việc giặt quần áo, sinh hoạt tập thể và học chữ nổi” - Vinh thổ lộ. Học ở đây đến lớp 2 thì cậu chuyển đến trường tiểu học Trí Tri để học hết cấp 1, rồi sau đó theo học tại THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10.
Sau khi học hết THPT tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5, Vinh nộp hồ sơ thi vào khoa Ngữ văn Anh của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ban đầu nhà trường không nhận. Về sau trường lại thông báo nhận thì Vinh đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Tân Tạo.
Ở ngôi trường ĐH thứ hai này Vinh cũng bị trường từ chối hai lần. Vinh thắc mắc không biết vì sao trường lại không nhận mình và với quyết tâm phải đi học ĐH cho bằng được, Vinh đã chủ động xin được gặp ban giám hiệu nhà trường để thuyết phục.
TS Trần Xuân Thảo, nguyên hiệu phó phụ trách đào tạo ĐH Tân Tạo, chia sẻ: “Cách đây hai năm, tôi nhận được tin có một em thí sinh muốn gặp ban giám hiệu để bày tỏ nguyện vọng. Tôi bảo nhân viên nhắn tin cho em ấy viết email cho tôi và ngay ngày hôm sau tôi nhận được email của em với lời lẽ khúc chiết, giọng văn rất tha thiết bày tỏ nguyện vọng muốn được học ĐH.
Đến hôm Vinh gặp tôi, tôi mới nhận ra Vinh là một học sinh khiếm thị. Khi tôi hỏi về ước mơ của em, em nói muốn được làm người có ích cho xã hội. Trong lúc em nói về những giấc mơ, tôi chợt nhận ra bức tường phía sau lưng tôi không cản được tầm nhìn của những người khiếm thị như Vinh”.
Sau khi thuyết phục được TS Thảo, Vinh chính thức trở thành sinh viên ngành ngôn ngữ Anh của ĐH Tân Tạo và đã theo học tại ngôi trường này hai năm trước khi giành được học bổng toàn phần của ĐH quốc tế RMIT.
Chàng trai mù giỏi tiếng Anh, tin học
Để đạt được học bổng toàn phần của ĐH quốc tế RMIT, Vinh đã nỗ lực không ngừng từ những ngày còn học tiểu học tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài việc học chữ nổi như bao bạn khác, Vinh còn tự học thêm tiếng Anh.
Chính nhờ khả năng nghe, nói tiếng Anh tốt nên khi Tổ chức từ thiện Loreto đến Trường Nguyễn Đình Chiểu dạy tiếng Anh cho trẻ em khuyết tật, Vinh đã để lại ấn tượng tốt cho các thành viên.
Chị Vũ Thị Quỳnh Giao - cựu thành viên của Loreto - cho biết: “Khi đến trường Nguyễn Đình Chiểu giúp các em khuyết tật tiếp cận tiếng Anh, tôi đã rất bất ngờ với khả năng tiếng Anh của Vinh. Ít có bạn nào có hoàn cảnh khó khăn mà tiếng Anh được tốt như Vinh”.
Sau khi chính thức trở thành sinh viên của trường RMIT, Vinh phải thi xếp lớp tiếng Anh vì chưa sở hữu bất kỳ bằng tiếng Anh nào. Ấy vậy mà Vinh đã thi đỗ vào lớp L7 - lớp tiếng Anh cao nhất của trường.
Vinh tự hào cho rằng: “Dù đạt được học bổng nhưng ban đầu tôi vẫn còn nhiều lo lắng lắm. Thế nhưng khi thi đậu vào lớp L7, tôi đã tự tin hơn rất nhiều. Có thể gia đình tôi không khá giả, tôi không thấy được mọi thứ xung quanh nhưng tôi tin khát vọng và sự cố gắng học tập của mình không thua bất kỳ ai”.
Lê Thị Diễm Thy, bạn học chung lớp L7 với Vinh, cho biết: “Vinh rất chủ động trong việc học. Khi có vấn đề gì xảy ra, bạn đều mạnh dạn hỏi và xin thầy gửi mail hoặc tự ghi chú lại trên máy tính. Khi học nghe, đến đoạn nào nghe không được, Vinh luôn nghe đi nghe lại để phát âm cho đúng và tra từ điển thông qua cách phát âm”.
Kết thúc lớp học tiếng Anh đầu vào, Vinh sẽ chính thức theo đuổi ngành truyền thông của ĐH RMIT. Vinh bảo nếu không được đi học chắc có lẽ cuộc đời mình sẽ mãi mãi là khoảng trời đen tối như những gì mà gần 19 năm qua đã nhìn thấy.
Vinh luôn tâm niệm: “Không gì là không thể. Quan trọng là mình phải lạc quan, bình tĩnh chọn thái độ đúng đắn để đối diện với khó khăn”.
Ngày 4/8, Nguyễn Thành Vinh đã vinh dự xuất hiện trên tạp chí Asia Life - tạp chí về cuộc sống, con người ở Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Qua ngòi bút của Brett Davis và Jade Bilowol, Vinh như một đại diện tiêu biểu cho “những người mù luôn vượt qua giới hạn của bản thân”.
Sự cầu tiến, nhiệt tình
“Suốt cuộc phỏng vấn, Vinh đã trả lời tất cả câu hỏi của chúng tôi một cách đầy đủ và tốt nhất. Đặc biệt, Vinh biết rất rõ về những gì mình muốn học, về mục tiêu sự nghiệp và con đường mình sẽ đi.
Hơn nữa, chúng tôi thấy ở anh rất rõ những phẩm chất cá nhân tích cực như sự cầu tiến, nhiệt tình và khả năng thích ứng với môi trường mới đầy thử thách cũng như kỹ năng lãnh đạo nhóm.
Chúng tôi rất vui vì đã đề nghị học bổng này dành cho Vinh vì chúng tôi tin rằng anh ấy sẽ thành công và sẽ là một người tiên phong đầy tích cực cho nhiều bạn trẻ sau này vượt qua bất kể khó khăn thử thách như thế nào trong cuộc sống”
Bà Carol Witney
(trưởng phòng hỗ trợ người khuyết tật ĐH RMIT - một trong bốn giám khảo phỏng vấn Nguyễn Thành Vinh)