Chưa tròn 3 tháng tuổi, cậu bé Lê Bảo Cường mắc chứng sốt bại liệt, từ đó không phát triển như một đứa trẻ bình thường, người gầy xọp, chân tay ngày càng teo tóp, co quắp. Đến tuổi đi học, Cường được cô em gái kém 1 tuổi cõng đến trường. Ba mất, mẹ chạy cơm từng bữa nuôi 4 đứa con vất vả, đếm từng đồng lẻ cho con nộp tiền học khiến Cường không khỏi day dứt.
Hết lớp 9, Cường quyết định bắt xe ra Hà Nội xin vào học nghề ở một công ty về linh kiện điện tử của một người quen giới thiệu. Ở nơi đất khách, thường xuyên thiếu thốn, nhưng mỗi lần đi ngang qua cầu Long Biên chứng kiến cảnh những người già nằm trơ trọi khiến anh không khỏi ám ảnh, muốn làm một điều gì đó cho những người bất hạnh. Nhưng phải có kinh tế, phải tự nuôi sống được mình rồi mới có thể đỡ đần người khác được.
Cường cùng nhóm từ thiện Thiện Chơn tặng quà cho người nghèo. |
Cường bắt xe ngược vào Nam tìm kiếm cơ hội. May mắn xin được việc làm tại Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Khi cuộc sống dần ổn định, anh bắt đầu thực hiện ước mơ thiện nguyện của mình. Ban đầu, anh tham gia các CLB thiện nguyện, có kinh nghiệm anh đứng ra lập CLB Thiện Chơn rồi thành lập chi hội ở các tỉnh, thành phố. Việc đi lại khó khăn, anh quản lý hoạt động hội chủ yếu thông qua điện thoại, mạng xã hội.
Hiện CLB Thiện Chơn có mặt ở 13 tỉnh, thành với nhiều hoạt động hướng đến các đối tượng người nghèo như chương trình như “Bếp yêu thương - Phục vụ bệnh nhân nghèo” cho bệnh nhân làng phong; học bổng cho học sinh khuyết tật; Hạt gạo Thiện Chơn hỗ trợ gạo hằng tháng cho gia đình có hoàn cảnh neo đơn hoặc mất khả năng lao động…
Không nhận quyên góp tiền
Đầu tháng 8/2015, Cường trở lại Quy Nhơn để cùng các thành viên trong hội thiện nguyện khai trương “Bếp yêu thương - Phục vụ cho bệnh nhân nghèo”, nấu 100 suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (thuộc phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn).
Anh cũng tổ chức thăm và hỗ trợ cho 5 anh em bị khuyết tật, mồ côi cha mẹ của em Nguyễn Quang Úc (ở thôn Chánh Liêm, xã Cát Tường, huyện Phù Cát), tặng mì gói, gạo, dầu ăn… từ chương trình “Hạt gạo Thiện Chơn” cho bà Đặng Thị Hợp, 63 tuổi, bị thương nặng ở chân, phải di chuyển bằng nạng chống hoặc xe lắc bán khoai lang nướng mưu sinh...
Ngay trước văn phòng Chi hội Thiện Chơn thành phố Quy Nhơn đề tấm biển “Khai trương bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo, không nhận hiện kim (tiền) chỉ nhận hiện vật”. Cường lý giải “Đó là cách để củng cố niềm tin cho mọi người. Xã hội quá nhiều lừa lọc khiến người ta dễ nghi ngờ. Mình mở bếp ăn tình thương thì chỉ cần gạo, rau, thức ăn là đủ. Trong các hoạt động khác, tất cả những khoản chi tiêu, tiền ủng hộ của mạnh thường quân đều công bố cụ thể, rõ ràng trên Facebook để tiện theo dõi.
Mẹ và những đứa em luôn ủng hộ Cường làm từ thiện. Tiệm cắt tóc Thiện Chơn do cô em gái Lê Thị Phương Ngọc đảm nhận, trích tiền hằng tháng phục vụ các hoạt động từ thiện của hội.
Anh cũng “bật mí” tháng 9 tới sẽ mở thêm một quán café để thêm phần thu nhập, kinh phí nhằm tổ chức hoạt động của hội thiện nguyện có hiệu quả hơn.