Tốt nghiệp đại học nhưng Cao Văn Tuân (30 tuổi, ở Thanh Hóa) lại bén duyên với nghề vẽ tranh gạo. Những bức tranh độc đáo, đầy tính nghệ thuật của anh được nhiều người thích thú.
Anh Cao Văn Tuân (30 tuổi) ở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có số phận kém may mắn. Lúc 3 tuổi, Tuân bị ngã từ trên cao xuống. Tai nạn bất ngờ khiến anh bị khuyết tật một chân, đi tập tễnh từ đó.
Vượt qua mặc cảm, chàng trai trẻ luôn chăm chỉ, nỗ lực trong học tập. Năm 2009, anh tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Khoa học Huế. Tuy nhiên, khi ra trường, Tuân không theo nghề mình học vì có nhiều lý do. Anh trở về quê lập nghiệp và bén duyên với nghề vẽ tranh bằng hạt gạo. Anh hiện là chủ một cơ sở tranh gạo tại thị trấn Quảng Xương.
Nói về cơ duyên với nghề, Tuân kể cách đây 6 năm, trong lần sinh nhật tuổi 24 của mình, anh được một người bạn tặng một tấm tranh gạo. "Lúc ấy, mình rất ngạc nhiên và thích thú. Bởi bức tranh rất đẹp, lại được làm bằng những hạt gạo thân thuộc, gần gũi. Trong đầu mình lóe lên ý tưởng sẽ học vẽ tranh gạo bằng được", anh nhớ lại.
Tuân đã tìm kiếm sách vở hướng dẫn và lên mạng học hỏi rồi bắt tay vào thử sức. Những sản phẩm đầu tay, anh chỉ đem tặng bạn bè, người thân. Nhận được món quà, ai cũng tấm tắc khen ngợi. Một năm sau, chàng trai mới quyết định vẽ tranh để bán khi đã cứng tay nghề.
Tuân cho hay để thực hiện được mỗi tác phẩm anh phải trải qua những công đoạn: chọn gạo, rang gạo để tạo màu, dùng bút chì phác thảo tranh, nhả keo, gắn gạo,... và cuối cùng là đóng khung. "Màu sắc của hạt gạo có được là nhờ vào việc điều chỉnh nhiệt độ khi rang chứ không phải do nhuộm… Vì thế, khi rang gạo cần chú ý đến giữ đúng nhiệt độ nhất định, phải đảo đều liên tục, xuyên suốt trong vài tiếng đồng hồ giúp màu của gạo có sự đồng nhất", anh bật mí.
Tất cả các công đoạn, đều được anh thực hiện tỉ mỉ, kỹ càng, đòi hỏi sự chuẩn xác cực cao. "Thời gian hoàn thành một bức tranh đơn giản từ 1 đến 2 ngày, nhưng với những bức tranh đòi hỏi sự cầu kỳ, kỹ thuật cao thì phải bỏ công sức nửa tháng, thậm chí hơn một tháng mới xong", Tuân chia sẻ.
Chủ đề các bức tranh Tuân thường làm là chân dung, phong cảnh, thư pháp,…và một số chủ đề khác theo khách đặt hàng như logo, nhân vật hoạt hình... Qua bàn tay tài hoa của người họa sĩ 8X, những hạt gạo như được "thổi hồn" để trở thành những bức tranh độc đáo và đầy tính nghệ thuật.
Những bức tranh gạo được nhiều khách hàng thích thú và mua để về treo trong nhà hoặc làm quà lưu niệm. Tranh của Tuân có giá từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy vào kích cỡ và độ cầu kỳ.
Mỗi ngày, anh thường xuyên tất bật với công việc ở cơ sở tranh. Anh vừa làm, vừa phải liên tục nghe điện thoại của khách gọi đến đặt hàng. Có thời điểm, anh không làm kịp tranh để bán, nhất là vào dịp lễ Tết. Công việc này hiện mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.
Cuối năm 2016, Chủ tịch Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam tặng bằng khen cho Cao Văn Tuân vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên, lao động sản xuất giỏi.
Vụ tai nạn năm 16 tuổi biến Phạm Sỹ Long (Hà Tĩnh) thành người tàn phế, song với nghị lực phi thường anh đã tập viết bằng miệng và cho ra đời 180 bài thơ cùng tập nhật ký.
Lần lượt phải cắt bỏ cả hai chân rồi sa vào con đường nghiện ngập sau tai nạn, ông Xuân đã thức tỉnh, cai nghiện rồi vươn lên thành ông chủ nhờ đôi tay của mình.