Ngồi bế cậu cháu nội vừa tranh thủ chỉ dạy vợ khâu vá lưới, ông Lê Văn Xuân (55 tuổi, quê phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) kể ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đi biển.
Lên 18 tuổi, ông Xuân đã được tuyển thẳng vào làm thợ máy ở Hợp tác xã tàu biển Hồng Hải. Hơn 6 năm sau, cuộc sống gắn liền với biển cả của ông Xuân phải bỏ ngang sau lần dẫm phải cáp dưới thuyền.
“Do bị nhiễm trùng nặng nên tôi phải cắt bỏ chân trái. Chân phải sau đó cũng đã phải cắt bỏ do bị viêm tắc động mạch, đau nhức khắp cơ thể sau vụ tai nạn đáng tiếc đó”, ông Xuân nhớ lại.
Vợ chồng ông Xuân ngồi vá lại lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: P.H. |
Đánh mắt sang nhìn vợ với một nụ cười đầy hạnh phúc, ông Xuân rơm rớm nước mắt cho biết cơ thể ông trở nên đau nhức sau vụ tai nạn. Để giảm đau, ông sử dụng một loại thuốc có chất gây nghiện có tên morphine. Một người đàn ông trụ cột trong gia đình bỗng chốc trở thành người tàn phế, phụ thuộc vào vợ con khiến ông càng thêm chán nản rồi sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay.
Cuộc sống gia đình vốn chật vật từ khi ông Xuân mất đi khả năng lao động của mình nay càng chồng chất thêm khó khăn. Mọi tài sản trong nhà lần lượt ra đi để đáp ứng nhu cầu nghiện ngập của ông Xuân.
Hơn một năm chìm đắm trong ma túy, chứng kiến cảnh vợ con cật lực mưu sinh kiếm từng bữa cơm qua ngày, ông Xuân bắt đầu gượng dậy, lên kế hoạch tự cai nghiện tại nhà để làm lại cuộc đời.
Vợ chồng ông Xuân và đứa cháu nội. Ảnh: P.H. |
“Do không còn tiền để vào trung tâm cai nghiện nên tôi bảo vợ mình đứng lên lưng, trói vào cột nhà, thậm chí là cấu véo vào người mỗi lúc lên cơn để tôi có thể quên đi cơn thèm thuốc”, ông Xuân kể và cho biết không ít lần tỉnh dậy thì thấy vợ con mệt nhoài, đồ đạc trong nhà bị đảo lộn lên khiến ông thêm quyết tâm hơn. Rồi ông cũng cai nghiện thành công trong ngỡ ngàng của mọi người.
Bà Hồ Thị Linh (vợ ông Xuân) cho biết, sau khi dứt ra được khỏi “cái chết trắng”, ông Xuân liền bàn bạc với vợ con vay vốn mua thuyền để làm lại từ đầu. Nghe tin ông Xuân sắm tàu đi biển, nhiều người từ ngạc nhiên rồi hoài nghi, chế giễu.
“Người bình thường đầu tư chưa chắc đã làm được huống chi không có chân mà mua thuyền đi đánh cá”, bà Linh nói và cho biết không những can ngăn mà còn tạo nhiều động lực, ngày ngày cõng chồng ra tận bến thuyền khi thấy ông Xuân thể hiện quyết tâm của mình.
Sự quyết tâm đó cũng được đền đáp, sau 3 năm vươn khơi, ông Xuân đã trả hết nợ nần, tích cóp được một chút vốn để sửa sang lại nhà cửa cho vợ con. Thế nhưng khi cuộc sống bắt đầu trở nên dư giả, người đàn ông này lại nghiện trở lại, bỏ bê công việc. Toàn bộ tài sản tích cóp bao nhiêu năm trời lênh đênh trên biển lại một lần ra đi.
“Thời gian này, dù còn nghiện nhưng tôi cũng rủ thằng em trai chung vốn mua con thuyền 100 triệu để ra khơi. Ai ngờ lại gặp nạn rồi ra đi vĩnh viễn trên chính con thuyền này. Cái chết của em trai khiến tôi cắn rứt lương tâm và quyết định bằng mọi giá phải cai nghiện ma túy để cật lực làm ăn”, ông Xuân buồn bã kể.
Hình ảnh bà Linh cõng chồng lên thuyền chuẩn bị ra khơi đã quá quen thuộc với bà con trong vùng. Ảnh: P.H. |
Ám ảnh và luôn tự dằn vặt bản thân về cái chết của người em trai, ông Xuân cứ thế lao vào công việc suốt ngày đêm. Sự quyết tâm và bằng kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Xuân đã chứng tỏ cho mọi người thấy bản thân không hề thua kém những ngư dân lành nghề khác.
Năm 2006, người đàn ông tật nguyền này quyết định dồn tất cả vốn liếng đầu tư một con tàu công suất 200 mã lực với giá 1,7 tỷ đồng để ra khơi.
Ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương, cho biết dù tật nguyền nhưng ông Xuân đã chứng tỏ được một nghị lực phi thường, xứng đáng là một tấm gương cho nhiều người.
Từ một người nghiện ngập, hiện ông trở thành một chủ thuyền lớn, tạo việc làm thường xuyên cho 15 thuyền viên với thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng, và hàng chục lao động thời vụ.