Nhiều người biết đến anh Nguyễn Văn Quang (42 tuổi, ở thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) với cương vị giám đốc một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Giá đắt cho thời nông nổi
Động lực để Quang trở thành tấm gương về làm ăn kinh tế là câu chuyện bất ngờ, thú vị về hành trình cuộc đời mà đến giờ anh mới bộc bạch.
“Mấy công nhân mới vào làm việc, còn ít tuổi nên chưa có kinh nghiệm. Các em làm được chút đã hỏng máy, tôi lại phải dậy sớm sửa để lấy máy sản xuất”, anh Quang đưa nguyên bàn tay dầu mỡ nói với chúng tôi.
Xưởng cơ khí của gia đình anh Quang. |
Nhìn cơ ngơi, nhà xưởng khang trang, với những cỗ máy trị giá hàng chục tỷ đồng, nhiều người thắc mắc anh Quang học cơ khí ngày nào mà vận hành máy, lại còn biết sửa chữa? Câu hỏi như gợi lại những chuỗi ngày vươn lên từ quá khứ lầm lỗi.
Năm 1990, tính khí ngông cuồng khiến Quang trở thành cái tên mà bất kể nhóm thanh niên xã khác nghe thấy đã sợ. Quang không hay đánh nhau nhưng liều, sẵn sàng làm tới mà không cần biết hậu quả thế nào. Những đêm đi chơi, Quang luôn mang trong người khúc côn hoặc dao nhọn để khi cần rút ra đánh.
Một lần Quang bị đám thanh niên xã lân cận cho một trận đòn thập tử nhất sinh, sẵn tính lì lợm, ngổ ngáo, Quang vác mã tấu “nghênh chiến” và làm một đối thủ tử vong. Quang bị tòa tuyên 10 năm về tội giết người.
“Khi đó, nghe thấy đi tù ở Trại giam số 5, tôi bủn rủn và lo sợ lắm. Vì trong thời gian tạm giam, tôi được biết trại đó lao động vất vả, cán bộ rất nghiêm”, anh Quang kể.
Ở Trại giam số 5, ban đầu Quang làm ở phân trại đập đá, đóng gạch. Công việc này khổ cực với những người như Quang, bởi dù xuất thân từ nông thôn nhưng chưa bao giờ anh làm việc nặng nhọc. Đôi bàn tay Quang tứa máu vì khuân vác, đập đá.
Đôi tay bỏng rát, xương khớp tê nhừ nhưng tối không được ngủ và không thể ngủ, một phần vì các “đại ca” trong đó bắt nạt, một phần vì trằn trọc đếm từng ngày không biết bao giờ hết 10 năm đây. "Mặc dù biết lao động cực khổ ải, nhưng tôi vẫn muốn trời sáng nhanh để còn ra lao động, phải lao động mới được nhìn thấy trời xanh, thấy cây cỏ thiên nhiên mới bớt căng thẳng”- anh Quang nhớ lại.
Từ một thanh niên ngổ ngáo, Quang đã lành tính hơn khi đối mặt với 4 bức tường giam. Hàng năm trời, Quang chỉ biết đến lối mòn cùng các phạm nhân khác đi từ phòng ra núi, không đập đá thì đóng gạch.
Vào mùa hè còn đỡ, mùa đông, nhiều phạm nhân như Quang phải lội nước ngập ngang thân để vớt đất sét từ dưới thùng lên nhào làm màu đóng gạch.
Làm “kỹ sư” máy trong trại
Lao động vất vả, ăn uống có phần chưa quen, Quang hốc hác, đôi bàn tay bong tróc. Mỗi lần người mẹ vào thăm, nhìn con chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng mà động viên gắng lao động, cải tạo tốt để sớm trở về.
“Hai Tết đầu tiên ở Trại 5, mẹ tôi đều vào thăm. Đường sá vất vả, mẹ già vào thăm nhiều, vừa không có tiền, vừa mất thời gian, tôi nói với mẹ từ lần sau không phải vào nữa, con sẽ cố gắng lao động, phấn đấu để nhanh được trở về” , anh Quang kể.
Lao động chăm chỉ, rèn luyện phấn đấu từng ngày, từ công việc nặng đến nhẹ như đóng gạch, đập đá, đào ao, cho đến cắt hoa tỉa cành, làm vàng mã… Quang đều rất thuần thục. Ý thức cao, tập trung rèn luyện, lại khéo tay nên Quang được giám thị cho đi sửa máy trộn gạch ở phân trại khác.
Quang sửa ngon ơ, máy hoạt động êm ái. Do chăm chỉ lao động phấn đấu, Quang được ưu ái trở thành “chuyên trách” những cỗ máy cơ khí trong trại giam. Cứ chỗ nào máy móc hư hỏng, cần bảo trì bảo dưỡng là giám thị lại điều Quang đến khắc phục. Lâu dần, Quang như “kỹ sư” máy trong trại.
Trại có trên 5.000 phạm nhân cải tạo nhưng phân trại nào cũng biết Quang. Vì thành tích lao động xuất sắc, Quang liên tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Tháng 1/1996, Quang được đưa vào danh sách xét đặc xá của Chủ tịch nước.
Ngày trở về, Quang không báo cho mẹ hay người thân đến trại giam đón. Khi chia tay ban giám thị, Quang cảm ơn những ngày được cán bộ rèn luyện, cải tạo rồi bắt thẳng xe về thôn Rùa trong sự bất ngờ của gia đình và làng xóm.
“Mẹ và người làng nghĩ tôi trốn trại, bà đã khóc bảo tôi ra trình công an xã đi rồi mẹ đưa trở lại trại chứ làm thế này là vi phạm pháp luật. Tôi cười và trấn an mẹ bình tĩnh. Mẹ nghe xong òa lên khóc, anh em cũng xúm vào ôm tôi và đi làm cỗ mừng ngày trở về”- anh Quang kể.
Tấm gương với người trẻ
Lần đầu tiên sau những năm lầm lỗi Quang mới được tận hưởng một đêm trọn giấc tại nhà mình. Sáng ra, anh đi quanh nhà, rồi đi khắp làng xem bà con lao động. Những câu hỏi sẽ làm gì, tìm việc ở đâu cứ quẩn quanh trong đầu Quang.
Nhớ lại lời quản giáo, khi trở về Quang nên chọn nghề cơ khí sẽ “dễ kiếm ăn” bởi anh nhanh trí và khéo tay. Rồi anh quyết định gắn với nghề cơ khí vốn là truyền thống của làng anh.
Trong phân xưởng ồn ã tiếng máy dập, máy uốn sắt thép, ông Phạm Thành Ủy - Trưởng Công an xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai nói ban đầu nom Quang vất vả với đống phế liệu đồng nát mà thấy ái ngại. Ban Công an xã vẫn luôn động viên nhưng nghĩ trong bụng việc này không dễ, mà chúng tôi sợ khó khăn quá Quang sẽ bỏ nghề, lại vi phạm thì khổ.
"Nhờ sự chăm chỉ, hăng say tìm tòi lao động, giờ Quang có cả cơ ngơi đến chúng tôi cũng chẳng dám nghĩ đến" - vị trưởng công an xã nói.
Xưởng cơ khí của anh Quang nhận gia công đủ mọi thứ, từ cửa sắt, bản lề cho đến mắc áo, ai đặt cái gì cũng làm, không chê việc, chọn việc. “Tôi làm tất cả những gì khách cần. Tôi nghĩ phải đi từ cái đinh, con ốc vít mới thành cỗ máy được và không chọn việc như thế, công nhân xưởng tôi mới tăng thu nhập” - anh Quang cho biết.
Có được chút vốn liếng từ nghề cơ khí, anh Quang nghĩ cách giữ được thu nhập cho công nhân. Anh chạy khắp nơi tìm công trình hợp tác, rồi liên hệ doanh nghiệp khác làm phụ kiện, phụ tùng thiết bị…, cứ thế công việc quanh năm nhộn nhịp.
Hiện hàng chục công nhân của xưởng anh làm không hết việc. Anh nhận những thanh niên trẻ không công ăn việc làm, yêu nghề cơ khí đến chỉ bảo, dạy nghề sửa máy. Các em vừa học được nghề, có tiền lương 4 - 5 triệu đồng, có người cao hơn nhờ ăn theo số lượng sản phẩm.
Trong những lúc lao động hoặc chỉ bảo thợ trẻ, anh bảo thường kể về quá khứ lầm lỗi của mình như bài học để các em tránh vấp phải. "Tôi thường bảo không gì bằng là được lao động bằng chính sức của mình. Tôi cũng luôn dạy 4 đứa con như vậy. Tôi lao động không phải ham giàu có mà cố gắng để báo hiếu cha mẹ”.
Trong câu chuyện về cuộc đời hoàn lương, anh Quang luôn nói về tuổi trẻ nông nổi, dại dột, chứ không nói về việc ngày nay làm giám đốc thế nào.
Ngày 31/8 vừa qua, anh Quang được Công an thành phố Hà Nội trao tặng giấy khen về thành thích công tác xã hội và lao động.