Dấu ấn mà Thanh tạo nên không hẳn là giải thưởng. Điều quan trọng nhất mà chàng trai trẻ phần nào chứng minh, đó là thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng sánh với nhiều tay nghề “thợ cả” tầm thế giới.
Từ mê game đến mê IT
Trở về từ Brazil sau cuộc thi Tay nghề thế giới, Nguyễn Duy Thanh có lịch trình khá kín khi vừa phải hoàn tất thủ tục sau đợt thi, vừa phải vào TP HCM ngay sau đó để gặp gỡ thầy cô, bạn bè của ĐH Công nghiệp TP HCM.
Thanh cho biết, em sẽ được nhà trường sắp xếp một buổi giao lưu với sinh viên để chia sẻ kinh nghiệm về toàn bộ hành trình dự thi của mình.
Lần đầu tiên sau 4 năm tham dự hội thi tầm thế giới, Việt Nam mới “rinh” được giải về. Dẫu là huy chương đồng, song với Duy Thanh, đó là sự nỗ lực vô cùng lớn, bởi không dễ dàng gì để “đấu” với các đối thủ mạnh đến từ nhiều nước.
Chân dung chàng trai trẻ lần đầu tiên giành giải tại hội thi tay nghề thế giới. |
“Em rất tự hào, lẫn bất ngờ nữa! Chỉ biết làm hết sức, và lúc nào cũng muốn nhận được kết quả cao nhất!” – Duy Thanh chia sẻ.
Ít ai biết, để đạt được thành quả này, Thanh đã có một nền tảng theo học ngành CNTT từ bé, mà theo em chính là xuất phát từ việc mê… chơi game.
“Hồi bé, lần đầu được nhìn thấy chiếc máy tính, mắt em sáng rực, thấy các trò chơi với các loại cấu hình hấp dẫn, thông minh, lại càng mê! Má cho tiền ăn quà là lại 'tranh thủ' vào hàng game chơi” – Thanh nhớ lại.
May mắn đến với Thanh khi em đỗ ngành CNTT của ĐH Công nghiệp TP HCM. Đang là SV năm thứ ba của trường, quá trình học tập vẫn đang tiếp tục, và giải thưởng này trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh để Thanh có thể đạt được ước mơ trong tương lai của mình.
Tuy nhiên, dấu ấn mang tính quyết định cho sự thành công của chàng trai trẻ là trước khi lên đường sang Brazil dự thi, em may mắn được tập đoàn Samsung tài trợ khóa học 13 tháng trải nghiệm tay nghề tại trung tâm đào tạo kỹ năng ở chính xứ sở Kim chi với môi trường học việc chuyên nghiệp đến tuyệt vời theo lời em.
Một ngày học bắt đầu từ hơn 7h sáng với các động tác khởi động, có 20 phút để họp và báo cáo kết quả làm việc ngày trước. Sau đó từ 7h20 trở đi, tất cả bắt tay vào học tập, đào tạo, làm các bài test thử nghiệm. Cứ như vậy, lịch trình kéo dài đến 17h.
Buổi trưa, học viên chỉ có 1 tiếng đồng hồ cả ăn trưa và nghỉ ngơi. Đến tối, chủ yếu là tập trung ôn luyện, nhiều đêm ôn luyện đến tận 23h là chuyện “như cơm bữa”.
Duy Thanh chia sẻ: “Với nghề IT, đó phải là chuỗi kỹ năng tổng hợp, từ thuyết trình, giao tiếp, phân tích dữ liệu. Đây được gọi là kỹ năng mềm mà khi ở VN chúng em ít khi được học, bởi phần lớn thời gian là học tập đơn thuần. Những kỹ năng này đôi khi rất đơn giản, như 10 phút đầu ngày để họp và định nghĩa lịch trình làm việc. Điều này vừa đòi hỏi tư duy, tổng hợp, sự nhanh nhạy, lại giúp mình “lên dây cót” quyết tâm cho một ngày với nhiều thử thách mới”.
Duy Thanh nhận được sự động viên khích lệ lớn của ĐH Công nghiệp TP HCM, nơi em đang theo học. |
“Tay nghề nước mình không thua kém ai!”
Thành quả mà Duy Thanh mang về - tấm huy chương đồng đầu tiên của VN sau nhiều năm tham gia hội thi tay nghề thế giới, với em là dấu mốc rất quan trọng. “Cuộc sống của em sau khi đoạt giải đang thay đổi theo hướng tích cực. Nó như là động lực rất mạnh mẽ để em hoàn thiện chương trình học ở ĐH, sau đó theo đuổi các cơ hội lớn hơn đối với ngành CNTT” – Thanh khẳng định.
Với em, IT vẫn là ngành “hot”, nhưng để trụ được giữa thời điểm cạnh tranh khốc liệt hiện nay thì bản thân người làm nghề phải có đột phá. Sự đột phá đó phải được thể hiện trước hết bằng cách viết các phần mềm trước, những phần mềm có tính ứng dụng cao. và quan trọng hơn là luôn luôn kiên trì đến cùng, không nản chí.
Theo Thanh, tay nghề trẻ Việt Nam với sự thông minh và kỹ năng của mình có thể không thua kém ai. Tuy nhiên, để thành công, thế hệ trẻ làm nghề vẫn thiếu môi trường đào tạo và làm việc chuyên nghiệp.
Sự chuyên nghiệp này phải thể hiện rõ ở quá trình học tập, đào tạo tại trường. Nam sinh thẳng thắn: “Học ngành IT ở trường ĐH có 3 năm rèn dũa, em thấy đã hơn 2 năm chỉ để học lý thuyết rồi, 1 năm để thực hành và 3 tháng thực tập không hề thấm vào đâu so với nhu cầu của tụi em, rõ ràng tỷ lệ học lý tuyết vẫn quá áp đảo!”.
Duy Thanh sẽ tiếp tục theo đuổi việc lập trình các phần mềm và thực hiện theo quy trình chuẩn, từ phân tích yêu cầu, lập kế hoạch đến kiểm thử, phân phối bảo trì.
Ngay sau khi về nước, chàng trai trẻ tài năng nhận được sự cổ vũ khích lệ rất kịp thời của nhà trường, đơn vị hỗ trợ học bổng và cả bạn bè đồng môn. Đặc biệt, hai em còn được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trực tiếp tặng quà, thăm hỏi về chính nghề "thợ cả".
Với những bạn đồng môn, Nguyễn Duy Thanh chia sẻ, nếu có đam mê, hãy tiếp tục phát triển đam mê đó, và nên có đột phá để "ghi tên" mình.
"Với IT, càng luyện tập thì kiến thức mới sẽ đến, chạy chương trình mà lỗi thì sẽ hiểu tại sao bị lỗi chương trình và sẽ không lặp lại lỗi đó nữa. Kiến thức và sự tích lũy cứ thế được dày lên nhờ quá trình thực hành, luyện tập!" - Duy Thanh nói.