Học để làm lại cuộc đời
Sau khi học xong phổ thông, Tín (ngụ tổ dân phố 12, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thi vào ngành công nghệ thông tin trường đại học Bách khoa Đà Nẵng được 12 điểm. Không đủ điểm đỗ nên phải ôn thi lại, thời gian đó, do cậu ham chơi, đi theo bạn bè hư nên dính vòng tù tội.
Một ngày đầu tháng 5/2012, người bạn thân của Tín được người yêu nhờ đưa đi bán xe để mua lại xe mới. Người bạn đó bàn với Tín trộm số tiền này để tiêu xài. Theo kế hoạch, khi bán được xe, chàng người yêu lấy tiền bỏ vào cốp xe của mình rồi đưa bạn gái vào siêu thị. Sau đó anh ta ra hiệu cho Tín mở cốp lấy tiền.
Có được chìa khóa, Tín lén lút mở cốp xe lấy 42 triệu đồng đem về nhà cất giấu. Không khó khăn để lần ra kẻ trộm, Tín bị công an bắt, tòa tuyên 18 tháng tù giam tội Trộm cắp tài sản.
Nén cảm xúc, Tín nhớ lại ngày trước khi bị bắt đã làm hồ sơ thi lại đại học. Những ngày đầu trong nhà giam, cậu nghĩ sau vấp ngã này, phải vượt qua tất cả để làm lại cuộc đời, nhưng làm bằng cách nào thì chưa rõ.
Tín tâm sự lần đầu ba mẹ vào thăm, ba nhìn em rồi khóc không nói nên lời, còn mẹ thì động viên cố gắng vượt qua khó khăn này. Ngày mới vào trại, Tín cũng thấy chán nản cuộc đời. Dần dần, sau những đêm nằm trằn trọc, suy nghĩ và nhớ lại ánh mắt đau đớn của ba, cậu bảo thương ba quá nên quyết phải thi đậu Đại học.
Nguyễn Hoàng Tín bảo dù khó khăn đến mấy cũng sẽ cố gắng học để lấy được tấm bằng đại học. |
Dần dần cậu bắt đầu nhớ những con số mà mình từng được học, thèm những trang sách quen thuộc, rồi nung nấu quyết tâm theo đuổi con chữ tới cùng. Khi ba mẹ tới thăm lần thứ 3, Tín nhờ mẹ xin giám thị mang vào cho ít sách để học bài. Trại giam kỷ luật nghiêm ngặt, không cho mang vào vở, bút, máy tính và những dụng cụ học tập khác.
Thế rồi, hằng đêm khi những bạn tù đều ngủ, trại viên trẻ bắt đầu học bài, lấy lại những kiến thức đã được thầy cô truyền giảng từ những năm học THPT. Tín kể việc học khá khó khăn vì ngày nào em cũng chỉ được đọc chứ không thể làm toán được.
Đôi lúc nằm gần những người bạn tù khó tính, những người này cứ cạnh khóe bảo đi tù rồi mà học với hành gì. Có khi giở sách sột soạt cũng bị gây sự dọa đánh. Nhưng bù lại vì đang bị giam không đi làm, tối khuya có ánh điện ngoài hành lang hắt vào nên Tín có nhiều thời gian học. Giam ở đây gần 2 tháng thì trại viên này được chuyển đi cải tạo ở Bình Điền. "Chuyển trại, em phải nhổ sắn, cạo mủ cao su, vát gỗ…. nên việc học ở trong tù trong thời gian này bị gác lại”, Tín kể.
Sụt tới 12kg vì cật lực học
Tín mãn hạn tù, trở về nhà, làng xóm nhìn với vẻ e ngại. Thậm chí ba của người bạn thân trước đây Tín hay sang nhà chơi, nay gặp cậu xem như không hề quen biết. Ngay lúc đó trong đầu Tín lại cháy bỏng quyết tâm: “Mình đã mang tiếng đi tù, giờ chỉ còn cách thi đậu Đại học mới chuộc lại lỗi lầm của mình trước đây”.
Chị Lê Thị Thanh Hương (42 tuổi, mẹ của Tín) bảo bản thân mù chữ nên rất muốn con học đến nơi đến chốn để thoát khỏi cảnh nghèo. Do vậy khi Tín mới ra tù, vợ chồng chị động viên con đi học liền.
Nhiều người trong xóm cứ nói “đi tù về học làm chi nữa, nếu nhà có phúc lớn, có may mắn đậu, học ra ai mà nhận nó làm việc”, rồi họ khuyên tôi nên cho Tín đi học nghề là được rồi. Nhưng thấy con vẫn thích học, mẹ Trí càng động viên quyết liệt.
Về nhà, Tín chỉ nghỉ ngơi và chuẩn bị sách vở 1 tuần liền bắt tay vào việc học. Trước đây, Tín học khối A, nhưng khi đi tù về em lại chuyển sang học khối B vì cảm thấy môn Lý sức học yếu.
Môn Toán, cậu được người anh con bác giới thiệu học một thầy, Tín được thầy thương, ưu tiên cho học chung cùng một đứa cháu. Thầy giáo tốt bụng biết được hoàn cảnh, nghị lực của chàng trai nên không lấy tiền học phí.
Môn Hóa, thanh niên có 1 tiền án nhờ người bạn cũ là sinh viên năm thứ ba Đại học Y dược Huế dạy kèm ở nhà. Tiền học thêm môn Hóa cậu cũng không mất, thi thoảng mời “thầy” 1 li chè hay li nước mía thôi.
Còn lại môn Sinh, Tín cũng nhờ một người bạn cũ là sinh viên ngành Quảng trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Huế giúp. Hàng ngày, Tú trông coi vật liệu xây dựng giúp ba ở Phú Bài, rồi đạp xe 5km về kho để bạn dạy. Học từ tối đến 11h đêm, Tín về nhà ôn luyện tiếp.
Một may mắn khác là Tín có người em gái cũng đang ôn thi Đại học nên tài liệu, đăng ký thủ tục thi cử, bài vở được em gái hướng dẫn một cách tận tình. Chàng trai quyết tâm học ngày học đêm không ngừng nghỉ. “Học đến nỗi không biết trời nắng hay mưa, quên ăn, là thường”, Tín nhớ lại. Lúc ra tù cậu nặng 68kg, đến lúc đi thi chỉ còn lại 56kg.
Niềm vui xen lẫn nỗi buồn
Ngày đi thi Đại học, con cái mọi nhà được cả xóm cả làng quan tâm ríu rít chăm sóc động viên, Tín thì len lén đi thi, không dám chuyện trò với ai, sợ mọi người dèm pha điều tiếng. Hết ngày thi, Tín lao vào đi phụ thợ hồ cùng với người anh họ ở thành phố để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một tháng ấy, cậu kiếm được 3,5 triệu đồng.
Nhà rất nghèo nhưng cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh và chăm lo cho Tín |
Niềm vui vỡ òa khi giấy báo điểm thi bay về. Những ngày này, gia đình em luôn nhộn nhịp người đến thăm và chúc mừng khi hay tin không chỉ Tín, mà cả hai người con trong gia đình đều đỗ đại học. Nguyễn Hoàng Tín đã thi được 16,75 điểm, đỗ vào khoa Hóa trường đại học Khoa học Huế; còn em gái Nguyễn Thị Thu Uyên đỗ cùng lúc 2 trường đại học Khoa học Huế và đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Một người chú của Tín tâm sự: “Năm nay các cháu tôi dự thi tới 6 đứa, nhưng cả gia đình ai cũng cầu mong cho Tín đậu là quan trọng nhất, những đứa còn lại không chưa được cũng không buồn nhièu, vì còn cơ hội khác.
Ông Nguyễn Hoàng Khương (43 tuổi, cha của Tín) tiếp lời em trai bảo, nhà có hai con đi thi đại học, nhưng ông ưu tiên đi cùng Tín để kịp thời động viên tinh thần cho cháu, còn con gái gửi chú đưa đi.
Bước qua những lỗi lầm của quá khứ, Tín khuyên chân thật với những bạn bè cùng trang lứa rằng, trước khi làm bất cứ một việc gì cần phải suy nghĩ thật kỹ bởi hậu quả của một việc xấu không đơn thuần chỉ bản thân mình hứng chịu, mà còn là gánh nặng của cả gia đình mình.
Những ngày này, Tín phụ giúp mẹ thu hoạch lúa vụ hè thu. Lau những giọt mồ hôi cho con sau một ngày nặng nhọc với công việc đồng áng, chị Hương kể biết rằng con mình đã hiểu được giá trị của thành quả lao động.