Trực tiếp quản lý, giáo dục phạm nhân Hằng, Đại úy Cao Thị Hồng Vân, cán bộ quản giáo phân trại II, Trại giam Đồng Sơn, cho biết: “Phạm nhân Hằng đã lớn tuổi, hoàn cảnh cũng quá đặc biệt so với nhiều phạm nhân khác, nhưng chị không tỏ ra bi quan, chán nản.
Chị là một trong số những người có tay nghề giỏi ở xưởng may, luôn phấn đấu, nỗ lực cải tạo tốt để được sớm trở về với cộng đồng. Dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay, chị Hằng là một trong số 120 phạm nhân có quá trình phấn đấu, cải tạo tốt được lãnh đạo Trại giam Đồng Sơn đề nghị xét đặc xá…”.
Còn phạm nhân Hằng tràn đầy niềm hy vọng, khi có tên trong danh sách phạm nhân mà lãnh đạo Trại giam Đồng Sơn đề nghị lên Hội đồng đặc xá Trung ương thông qua và Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá. Vì thế, chị nhẩm tính từng ngày trôi qua và chờ đợi…
Phạm nhân Hằng tâm sự: “Ra tù, tôi sẽ theo cái nghề may, cái nghề tôi đã được học trong thời gian cải tạo và làm lại cuộc đời. Mở một tiệm may nhỏ ở gia đình để kiếm sống bằng chính đôi bàn tay lao động của mình để nuôi mẹ già trong những ngày cuối đời. Mong xã hội đừng kỳ thị, rũ bỏ những người đã từng lầm lỗi như tôi…”.
Trong lá đơn xin đặc xá, phạm nhân Hằng viết trong nước mắt hối hận: “Chồng mất sớm, chỉ còn lại mẹ già. Hoàn cảnh nghèo khó, do thiếu nhận thức nên tôi đã sa vào con đường lầm lỗi. Qua 3 năm cải tạo tại trại, bản thân tôi đã nhìn nhận được sự sai lầm mà tôi đã gây ra, chính vì thế bản thân tôi luôn cố gắng hết mình để cải tạo, lao động tốt, mong sớm trở về với xã hội, chăm sóc mẹ già.
Đứa con trai duy nhất của tôi cũng vì nghiệp ngập mà sa ngã, phạm tội và bị bắt vào trại cải tạo. Nhưng đau xót hơn, nó còn bị nhiễm HIV giai đoạn cuối và đã qua đời cách đây không lâu. Nay ở nhà còn mỗi mẹ già neo đơn sống dựa vào những người hàng xóm láng giềng bát cơm, bát cháo, khi tối lửa tắt đèn.
Bản thân nay là một phạm nhân nhưng chữ hiếu luôn đứng trong đầu đạo lý làm người, vì thế nghĩ cảnh mẹ già tuổi đã 90 không có người chăm sóc, chỉ biết trong chờ bản thân tôi hết thời hạn trở về bên mẹ lúc tuổi già, sức yếu…”.
Phạm nhân Đặng Thị Hằng. |
Đầu năm 2007, con trai của phạm nhân Đặng Thị Hằng là Nguyễn Quý Phi (30 tuổi), bị lực lượng công an bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, sau đó lãnh án tù và thụ lý án tại Trại giam Đồng Sơn. Vào trại giam chưa được bao lâu thì Qúy bị chết vì căn bệnh thế kỷ đã vào giai đoạn cuối.
Nói về đứa con hư hỏng này, phạm nhân Hằng buồn bã: “Nó nghiện ma túy gần 10 năm, gia đình tôi vì thế mà khánh kiệt tài sản. Những năm tháng buôn gánh rau, cân cá ở chợ để chắt bóp từng đồng, đều bị nó lấy mua ma túy sử dụng.
Không chỉ nghiện, nó còn bị nhiễm HIV bởi những lần “đói thuốc” nó liều lĩnh ra khu vực bãi kim tiêm của người nghiện nhặt hàng chục ống tiêm đã sử dụng dồn lại cho đủ liều thỏa cơn nghiện. Rồi thân thể nó tàn tạ nhanh chóng bởi căn bệnh thế kỷ và cơn “đói thuốc” hành hạ nó từng ngày, từng giờ khiến nó héo hắt dần”.
Phạm nhân Hằng day dứt rằng nếu ngày trước chị quyết ngăn cản con bằng biện pháp mạnh, báo với công an địa phương để đưa Phi đi cai nghiện sớm thì có lẽ chị vẫn còn con. Đằng này, chị chiều chuộng nó, để mặc nó lấy tiền, lấy tài sản bán lao vào sử dụng ma túy nên mới ra nông nỗi.
Thậm chí, không nỡ nhìn Phi vật vã vì “đói thuốc”, chị đã liều ra khu vực Bến xe TP Vinh (Nghệ An) tìm mua 10 tép heroin đem về phân thành 12 tép bán lại cho các con nghiện lấy lời cho Phi sử dụng ma túy. Và, với hành vi phạm tội đó, chị đã phải lãnh nhận bản án 84 tháng tù. “Nói gì thì sự việc cũng đã xảy ra rồi. Cũng vì ân hận việc làm sai trái của mình mà tôi quyết tâm cải tạo tốt để làm lại cuộc đời”, giọng của phạm nhân Hằng như nghẹn lại.
Ngày trở về dành cho những phạm nhân cải tạo tốt trong dịp đặc xá nhân kỷ niệm 68 năm Quốc khánh 2/9 đã đến rất gần. Cũng như các phạm nhân cải tạo, học tập tiến bộ tốt tại Trại giam Đồng Sơn được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Hằng nôn nao chờ đợi ngày trở về với gia đình và cộng đồng. Chị đã rũ bỏ quá khứ tội lỗi. Với những gì tốt đẹp đã được giáo dục, cải tạo ở Trại giam Đồng Sơn cùng với ý chí, nghị lực của bản thân, chị Hằng sẽ trở về trong sự cảm thông của gia đình và cộng đồng để làm lại cuộc đời.