Nghệ thuật siêu nhỏ là một thú chơi kén người và để làm được những siêu phẩm tí hon là cả quá trình dài miệt mài khổ luyện. Đam mê môn nghệ thuật đòi hỏi sự kiên trì và bàn tay khéo léo này, Trần Giang Nam (sinh năm 1979, hiện là giáo viên dạy mỹ thuật - kiến trúc tại quận 10, TP.HCM) đã kỳ công sáng tạo nên hơn 300 tác phẩm tuyệt đẹp, bé tí hon về xe, con người, động vật...
Trần Giang Nam. |
Nhìn những "đứa con tinh thần" vô giá này của Giang Nam, hẳn ai cũng phải mắt tròn mắt dẹt vì chúng quá tinh xảo.
Đối với nghệ thuật siêu nhỏ, những chi tiết mắt thường không thể thấy đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cảm giác vô cùng nhạy bén để đụng đâu trúng đó. Đây không phải thứ tài năng sẵn có mà phải do rèn luyện lâu dài. Giang Nam cảm thấy may mắn vì suốt những năm tháng ấu thơ giúp mẹ luồn kim se chỉ đã giúp anh thành thạo kỹ năng này.
Ngoài ra, quãng thời gian học tập tại hai trường Huấn luyện bay và Kỹ thuật không quân tại Nha Trang và ngành Mỹ thuật công nghiệp tại Đại học Kiến trúc cũng giúp anh hiểu về các chi tiết máy móc cũng như khiếu thẩm mỹ về hội họa.
Chiếc Vespa có kích thước 7 mm. |
Thầy giáo dạy mỹ thuật siêu khéo tay này chia sẻ, để hoàn thành được một tác phẩm ưng ý phải tốn khá nhiều thời gian có khi đến vài tháng trời. Những sản phẩm chưa làm bao giờ thì thời gian hoàn thiện có thể lên tới… 3 năm.
Mê sưu tập xe, anh tạo ra nhiều phiên bản tí hon về xe: BMW, Vespa hay Harley Davison... Việc lắp ráp và hoàn thành những sản phẩm có nhiều chi tiết là một “cực hình”. Sản phẩm gần như hoàn thiện nhưng lỡ tay sơ ý hay trong một phút mất tập trung có thể làm hỏng toàn bộ tác phẩm.
Sản phẩm điêu khắc trên đầu que tăm |
Anh kể: “Từng có một khách hàng đặt mình làm chiếc BMW thu nhỏ. Chiếc xe gần hoàn thành nhưng khi gắn logo lại mình làm không chuẩn nên đã làm ảnh hưởng đến phần còn lại. Giải pháp cuối cùng là… miễn cưỡng làm lại từ đầu”.
Giang Nam còn mô phỏng các loài động vật nhỏ như muỗi, bọ… tinh vi đến mức từng có người tưởng muỗi thật và… giơ tay đập.
Có thể nói, yếu tố quan trọng nhất với người theo đuổi môn nghệ thuật tí hon này là phải có niềm đam mê bất tận. Nếu không yêu thích sẽ không đủ kiên nhẫn ngồi hàng giờ, cặm cụi với những chi tiết bé như que tăm và dùng kính lúp mới có thể quan sát. Hơn nữa để gom đủ kinh nghiệm thực hành, đủ tự tin bắt tay vào thực hiện những tác phẩm như hiện nay cũng là một hành trình mà với anh phải đánh đổi bằng 10 năm mày mò, thực hành.
Mô hình chùa Một cột. |
Đam mê với nghệ thuật siêu nhỏ và mong muốn tìm ra những "truyền nhân", Trần Giang Nam từng mở lớp luyện vẽ, có rất nhiều bạn theo học, tuy nhiên vì tính kén chọn cũng như đòi hỏi cao của bộ môn này mà đến nay vẫn chưa có người hoàn thành trọn vẹn.
“Tôi không giấu nghề. Ai tới học cũng đều cố gắng truyền đạt nhưng thường họ học làm xong một con muỗi là chạy mất dép vì… cực quá”, Nam cười và thành thật tâm sự. Có lẽ với bộ môn này, ngoài chuyện tay nghề còn đòi hỏi nơi người theo đuổi một cái duyên.
Việc sáng tạo ra những siêu phẩm tí hon cũng giúp anh nghiệm ra nhiều triết lý sống. Mọi việc không thể giải quyết hấp tấp, vội vàng, mà cần từ từ giải quyết từng bước một. “Thành công không đến một sớm một chiều, may mắn không mỉm cười với người lười biếng” – đó là câu mà Nam thường nói với học viên của mình.
10 năm gắn bó với đam mê, Trần Giang Nam đã sáng tạo ra hơn 300 sản phẩm với kích cỡ chỉ vài milimet. Điều làm nên sự khác biệt giữa tác phẩm của Giang Nam với những siêu phẩm tí hon trên thế giới là tính thủ công cao, ít bị phụ thuộc vào máy móc kỹ thuật.
Sản phẩm càng nhỏ càng đòi hỏi trợ giúp của công nghệ cao và thời gian sáng tác lâu có khả năng gây hại cho sức khỏe. Anh rất tự hào vì mình là người có khả năng sáng tác cao mà vẫn giữ được tinh thần minh mẫn và thể lực tốt. Giang Nam cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm về các dòng xe để phục vụ thú vui của dân chơi cũng như thỏa mãn sở thích cá nhân của mình.