"Xin kính chào quý bạn và các vị" là câu nói quen thuộc mở đầu các clip đánh giá sản phẩm công nghệ của Vật Vờ (Trần Xuân Vinh, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp khoa Quản trị Marketing, Đại học Thăng Long, Hà Nội).
Lý giải về tên gọi thú vị của mình, 9X nói: "Ban đầu, bạn bè rủ nhau đặt theo vần, tôi lấy tên là Vinh Vật Vờ. Về sau, Facebook giới hạn số lần đổi tên nên nickname Vật Vờ gắn bó với tôi đến tận bây giờ. Tôi thấy nó cũng khá hợp với bản thân. Thân hình tôi gầy nên ai gặp cũng bảo trông vật vờ, gió thổi là bay".
Từng nhận "gạch đá" từ người xem
Vật Vờ cho biết, anh từng làm thuê cho một cửa hàng điện thoại lớn tại Hà Nội. Với sở thích mày mò và khám phá tính năng mới của các thiết bị di động, Vật Vờ được giao nhiệm vụ làm clip đánh giá thiết bị, so sánh hiệu năng giữa các máy... rồi đăng tải lên YouTube, giúp người dùng có lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Sở hữu chất giọng nam trầm, đôi lúc dùng tiếng địa phương, chàng trai người Thanh Hóa đã nhận không ít "gạch đá" từ người xem, bị nhận xét là quê mùa, hay bình luận tiêu cực mang tính phân biệt vùng miền. Tuy nhiên, điều đó không làm Vật Vờ
nhụt chí. Anh quyết tâm rèn luyện, tạo ra những clip đậm chất riêng.
"Đôi lúc, có sản phẩm được cộng đồng đánh giá tốt, chia sẻ trên nhiều diễn đàn thì bị kênh khác sao chép. Nhìn đứa con tinh thần bị lấy đi, tôi không đành lòng và gửi thông báo đến YouTube. Khi clip được gỡ xuống cũng là lúc bên kia gửi thư mắng tôi sống không có đức, nhỏ mọn" - anh tâm sự.
Khởi đầu gian nan là thế, song nhớ lại, Vật Vờ chỉ mỉm cười. Chàng trai xem đó như yếu tố giúp anh vượt qua chính mình, thay đổi và xây dựng thương hiệu bản thân.
Các clip đánh giá của Vật Vờ thường mang nhiều nét hài hước, gần gũi với người xem. Ảnh cắt từ clip. |
Vừa học vừa làm khiến sức khỏe Vinh không được đảm bảo. Có thời gian, anh sốt nặng do viêm xoang. Tháng 8/2014, 9X quyết định dừng việc đánh giá điện thoại, chuyên tâm vào học hành.
"Tôi không có ý định lập kênh YouTube riêng, nhưng có người bạn mở cửa hàng thời trang, nhờ tôi quay giúp các clip quảng cáo. Bên cạnh đó, do nhớ nghề, tôi đánh giá một vài sản phẩm, không ngờ được mọi người ủng hộ nên tiếp tục duy trì và phát triển" - Vinh kể.
Nguyễn Anh Duy (26 tuổi, TP HCM) - người thường xuyên xem các clip của Vật Vờ - nhận xét: "Thường các đoạn video đánh giá công nghệ rất kén người xem do tính chất khô khan. Song đối với Vật Vờ, sản phẩm của anh mang nhiều thông tin gần gũi, cộng với sự dí dỏm của anh khiến người xem không nhịn được cười".
Đến nay, kênh YouTube của Vật Vờ sở hữu gần 170.000 người theo dõi, hơn 50 triệu lượt xem. Bên cạnh việc đánh giá các sản phẩm điện thoại, anh còn bình luận về game, ứng dụng bổ ích trên hệ điều hành di động.
"Bóc tem siêu phẩm rất sướng tay"
Nếu theo dõi các clip của Vật Vờ, tín đồ yêu công nghệ dễ dàng nhận thấy, chàng trai này thường có trên tay sớm những di động mới ra mắt. Vật Vờ cho biết, đa số sản phẩm anh đánh giá đều được mượn từ cửa hàng.
"Nhiều bạn trên mạng nói tôi thích mượn cái nào cũng được là không đúng. Một số sản phẩm chỉ có 1-2 máy, cửa hàng phải để lại bán. Đôi lúc, tôi cũng mượn từ người quen, phóng viên..." - anh nói.
Những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm việc của Vật Vờ là khoảng thời gian đầu sáng tạo, làm các clip đánh giá. Vì không có phòng thực hiện nên chàng trai phải mượn bàn trang điểm của chị dâu, căng tản sáng ở trên rồi chiếu đèn quay video, khiến lên hình nhìn trông màu vàng bợt và mờ.
Chàng trai Thanh Hóa tham gia một sự kiện công nghệ. Ảnh: FBNV. |
Một lần, anh vô tình làm vỡ máy ảnh mượn từ bạn, phải đi sửa hết 500.000 đồng. Đi học về 18h, 9X lại bắt tay làm clip đến 21h mới ăn tối. Theo anh, tự thực hiện các khâu nên khá vất vả, nhưng vì thích nên anh vẫn làm.
Cầm trên tay các siêu phẩm từ những thương hiệu nổi tiếng, Vật Vờ cho hay, anh cảm thấy khá hứng thú khi có dịp chia sẻ về chúng đến những người có cùng sở thích, đam mê. Để làm clip theo đúng thắc mắc, yêu cầu của người dùng, Vật Vờ phải thường xuyên hỏi ý kiến mọi người trên trang cá nhân.
"Tôi hay nói vui rằng, được "bóc tem" các siêu phẩm di động không còn gì "sướng tay" hơn" - chàng trai sinh năm 1993 hài hước nói.
Chàng trai Thanh Hóa khẳng định, anh luôn công tâm, đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Để thông tin đến gần đại đa số người dùng, ngoài các tên tuổi lớn, những điện thoại thương hiệu Việt, hay giá rẻ phổ biến cũng được Vật Vờ “cho lên sóng”.
Dù điện thoại đắt tiền hay bình dân, theo Vật Vờ, người dùng vẫn quan tâm nhất là các tính năng nổi bật, hiệu năng, thời lượng pin và quan trọng hơn là thân thiện, có nhiều cải tiến mới. Ví dụ có hai sản phẩm cùng giá, nhiệm vụ của Vật Vờ là so sánh, chỉ ra ưu nhược điểm, xem máy nào tốt hơn.
Sẽ tìm công việc khác ổn định hơn
Kênh YouTube Vật Vờ có lượng người đăng ký khá lớn, nhưng doanh số từ đây chỉ đạt mức 100 USD/4 tháng. Vinh cho biết, công việc hiện tại giúp anh thỏa đam mê công nghệ là chính, kiếm tiền chưa phải là ưu tiên hàng đầu.
"YouTube ở Việt Nam lượng click vào quảng cáo khá ít và chỉ số cũng thấp. Kênh của tôi hiện có treo banner nhằm tăng thu nhập, nhưng chỉ đủ bù lại máy móc, còn duy trì lâu dài chắc không ổn.
Tôi thích công nghệ, làm theo đam mê, đến lúc bản thân không thích nữa sẽ đi kiếm công việc khác ổn định hơn" - 9X chia sẻ.
Hình ảnh hài hước của Vật Vờ. Ảnh: FBNV. |
Ngoài vì sở thích, công việc đánh giá điện thoại còn mang lại cho chàng trai Thanh Hóa nhiều trải nghiệm, thêm bạn bè mới trên khắp các tỉnh thành, sự quan tâm theo dõi của người dùng. Theo đó, hàng ngày, Vật Vờ nhận khoảng hàng chục tin nhắn nhờ tư vấn mua sắm điện thoại.
Trong cuộc sống, Vật Vờ luôn quan niệm, tiền là quan trọng nhưng những trải nghiệm khác cũng rất quý giá. Lời khuyên của chàng trai 22 tuổi dành cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp trên mạng: "Hãy làm vì đam mê và xác định mục tiêu rõ ràng. Chớ vội nghĩ đến việc kiếm thật nhiều tiền, mà hãy xây dựng vững chắc thương hiệu".
Hỏi - đáp nhanh cùng Vật Vờ:
- Bạn sở hữu bao nhiêu chiếc điện thoại?
- Tôi cũng không nhớ rõ nữa (cười).
- Sự hài hước, pha nhiều trò trong các clip có phải là cách bạn cố làm khác những diễn dàn, trang mạng... để thu hút sự chú ý?
- "Bựa" và vui là bản chất sẵn có của tôi. Hồi mới làm, tôi cố kiềm chế vì sợ nhận "gạch đá". Tuy nhiên, khi những câu nói đùa được mọi người yêu thích, tôi bắt đầu dùng nhiều hơn.
Theo tôi, làm clip hay phải luôn chân thật, thể hiện mình là ai, đúng cá tính. Nếu giả tạo, làm trò để câu khách thì khó được đón nhận.
- Trong quá trình đánh giá điện thoại, có trường hợp nào bạn làm hư máy và xử lý ra sao?
- Thường sau khi đánh giá xong, tôi sẽ trả lại nơi mượn. Đôi lúc vọc vạch quá nên làm hỏng, phải đền tiền. Nhiều lúc cũng xót xa lắm nhưng đành chịu, mua lại rồi sử dụng. Gần đây nhất, tôi chơi dại khi thử cắm ngược chiếc bút cảm ứng vào điện thoại, nhưng may mắn là hàng mẫu nên được công ty thu lại sửa chữa.
- Thần tượng của bạn là ai?
- Tôi thần tượng Marques Brownlee, cũng sinh năm 1993 và được coi như blogger trẻ tuổi đánh giá sản phẩm di động tốt nhất thế giới.
- Bạn có tham vọng gì trong tương lai?
- Tôi đang nỗ lực để trở thành một Marques Brownlee của Việt Nam, blogger công nghệ số một Việt Nam.