Chiếc bàn nhỏ trong góc phòng là nơi Nguyễn Nhật Khiêm (24 tuổi, Đắk Lắk) bày biện khung thêu bằng gỗ nhỏ, vải, những cuộn chỉ đủ sắc màu… Mỗi ngày, anh dành hàng tiếng đồng hồ ngồi đây, tỉ mẩn đưa từng mũi kim để hoàn thiện bức tranh thêu 100% thủ công.
Từ phong cảnh, tả thực, đến chân dung, các tác phẩm ra đời dưới bàn tay khéo léo của Khiêm khiến ai lần đầu chiêm ngưỡng cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Xuất phát điểm là một người không biết may vá, sau gần 3 năm tự mày mò, chàng trai sinh năm 2000 đã có hơn 50 bức tranh thêu tay.
“Gần như mỗi tác phẩm đều là độc bản”, Khiêm chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Bỏ việc văn phòng vì quá mê thêu thùa
Năm 2022, Nhật Khiêm tìm việc làm thêm tại nhà để có thu nhập. Chàng trai thử sức từ vẽ chì, màu nước, acrylic, vẽ pixel, vẽ trên lá đến làm hoa khô, móc amigurumi (móc len và nhồi bông hình động vật dễ thương), móc trang sức… Sau cùng, anh thấy hứng thú hơn cả với bộ môn thêu.
Khiêm mua dụng cụ về tập tành và bị thu hút đến mức xin nghỉ công việc văn phòng để theo đuổi đam mê. Không qua trường lớp, “thầy” của anh chính là các video hướng dẫn kỹ thuật thêu trên mạng xã hội.
Những ngày đầu, Khiêm loay hoay không biết chọn vật liệu nào tốt và phù hợp với người mới toanh như mình. Anh chỉ đành mua đại nhiều loại để trải nghiệm và đánh giá.
“Chăm tập thể thao nên người đô con, mình cầm trên tay chiếc kim nhỏ xíu mà gần như không có cảm giác gì. Cộng thêm bắp tay to, việc giơ lên để học thêu 8-12 tiếng/ngày khiến mình đau mỏi”, chàng trai 24 tuổi nhớ lại.
Động vật thường xuất hiện trong tranh thêu của Nhật Khiêm. |
Chưa kể, đôi bàn tay thô cứng của Khiêm khiến mũi kim đi chưa khéo léo, đâm chi chít vào ngón tay đến phồng rộp, tróc da. Biết chuyện, nhiều người xung quanh chàng trai châm chọc, nói anh dại dột mới bỏ việc để “làm trò của con gái”.
Đáp lại, Khiêm chỉ cười và không ngừng cố gắng. Sau một tuần, anh thêu xong tác phẩm đầu tay là bức nàng tiên cá Ponyo, lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình Cô bé người cá Ponyo (Nhật Bản).
Khi có một số lượng nho nhỏ tranh thêu, Khiêm chụp ảnh chia sẻ lên trang cá nhân để khoe với mọi người. Không ngờ, nhiều người không chỉ khen các tác phẩm đẹp và có hồn, mà còn hỏi mua khiến chàng trai Đắk Lắk ngạc nhiên.
Tuy vậy, trong một năm đầu tập trung rèn luyện tay nghề, Khiêm từ chối bán tranh. Khi cảm thấy đôi tay đã đủ mềm mại và khéo léo, có thể tạo ra sản phẩm chỉn chu, đẹp mắt, anh mới nhận yêu cầu đặt hàng từ những vị khách đầu tiên.
Nhật Khiêm thường mất 10-20 ngày để hoàn thành một tác phẩm. |
“Con trai mà làm nghề nữ tính”
Sau gần 3 năm, Nhật Khiêm đã có hơn 50 tác phẩm thêu thủ công. Tất cả hình được phác thảo 100% bằng tay, thêu dựa trên ảnh chụp hoặc hình vẽ minh họa, điều chỉnh theo phong cách của Khiêm, yêu cầu từ khách hàng và tông màu giới hạn của chỉ thêu.
Trung bình, Khiêm mất 10-20 ngày để hoàn thiện một bức tranh. Giá sản phẩm tùy thuộc kích thước và độ phức tạp của họa tiết, từ 3 triệu đồng trở lên. Mức trung bình là 8 triệu đồng.
Mỗi tháng, Khiêm có thể làm xong 2-3 sản phẩm chất lượng cao, mang về thu nhập hàng chục triệu đồng. Có thể kiếm tiền từ công việc yêu thích, anh không bận tâm với một số lời trêu chọc từ người lạ như “Con trai mà làm nghề nữ tính”, “Làm việc này rồi khi nào có tiền cưới vợ”...
Mọi người thường nhận xét tranh thêu của Khiêm có nét riêng, đẹp sống động nhờ cách chuyển màu sắc liên tục nhưng mềm mại và hài hòa. Khách của chàng trai thường là người yêu thích, có thú vui sưu tầm tranh thêu tay. Họ không tiếc tiền và công chờ đợi để cầm trên tay sản phẩm ưng ý.
Khiêm chủ yếu thêu tranh tả thực, phong cảnh. Chủ đề anh yêu thích là chân dung phụ nữ nhưng vẫn chưa có nhiều dịp để thực hiện.
Từ tranh phong cảnh đến chân dung, Nhật Khiêm đều thổi hồn vào từng tác phẩm của mình. |
Tác phẩm kỳ công nhất cho tới nay của Khiêm là hình chú sư tử dũng mãnh được hoàn thành sau 10 ngày, mỗi hôm hơn 10 tiếng. Anh tỉ mỉ chuyển nét và màu để tả chính - phụ, xa - gần, điều chỉnh quang độ để lột tả khí chất của “chúa tể thảo nguyên”.
Ngoài tranh trên vải, chàng trai còn thêu trên lá cây khô và một số chất liệu khác.
Theo Khiêm, nếu muốn đến với nghề thêu, tố chất quan trọng là phải kiên trì và nỗ lực, có khả năng tự học, phát hiện lỗi sai. Anh đánh giá khâu xác định tông màu và hướng chỉ của tranh là lâu và quan trọng nhất, sai sẽ rất khó sửa.
Để tiếp cận được với nhiều bạn trẻ, Khiêm sử dụng những hình ảnh quen thuộc như nhân vật hoạt hình, hình vẽ dễ thương, hiện đại, gần gũi. Không chỉ mua tranh, không ít người sẽ thấy hứng thú và học thêu.
Chàng trai gợi ý người mới tập thêu nên chọn chỉ cotton airo, vải linen hoặc cotton ít nhăn, kim bén và bền, ít hoen rỉ, giá đỡ khung thêu xoay 360 độ để có thể thêu hai tay nhanh hơn, giấy scan, giấy tan trong nước, bút vẽ nhiệt…
“Chỉ cần bản thân nghiêm túc nghiên cứu và thực hành các mũi thêu, phát hiện khuyết điểm rồi khắc phục, mình tin rằng ai cũng có thể thấy thêu thùa không khó”, chàng trai Đắk Lắk bày tỏ.
Ngoài tranh trên vải, Nhật Khiêm còn thêu trên lá cây khô và một số chất liệu khác. |
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.