Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai thôi công việc ổn định, thi lại vào sư phạm đạt 29,45 điểm

Nhận ra niềm khao khát được đứng trên bục giảng, trở thành giáo viên dạy Văn, Thành quyết định từ bỏ công việc mình đã làm 3 năm qua để thi lại đại học sư phạm.

Thành luôn khao khát đứng trên bục giảng dạy Văn. Ảnh: NVCC.

Phạm Văn Thành, sinh năm 1998, vừa trở thành tân sinh viên ngành Ngữ văn của ĐH Sư phạm Hà Nội. Đây là lần thứ hai chàng trai quê Bắc Giang nhận giấy báo trúng tuyển đại học.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp trường THPT Lục Ngạn số 2, vì chưa có định hướng rõ ràng, Thành quyết định thi và đỗ vào Học viện An ninh Nhân dân theo mong muốn của gia đình.

Trải qua 4 năm học tập và rèn luyện, Thành tốt nghiệp, trở về công tác tại địa phương. Dù vậy, Thành vẫn có niềm đam mê với văn học. Mỗi khi rảnh rỗi, Thành thường hỗ trợ các em khóa dưới ôn tập, chia sẻ kiến thức văn trên các nền tảng mạng xã hội và tham gia những cuộc thi viết do ngành mình tổ chức.

Trong 3 năm công tác tại địa phương, Thành dần nhận ra khao khát được đứng trên bục giảng dạy Văn. Không ít lần đấu tranh với những trăn trở và nỗi sợ về sự phán xét của người khác, cuối cùng, Thành quyết định dừng công việc đang làm để thi đại học lần nữa.

“Thời điểm đó, bố mẹ mình không đồng ý. Nhiều người cũng khuyên mình nên tiếp tục gắn bó với nghề. Thậm chí, không ít người nói mình quá mạo hiểm, nếu không thi đỗ thì sao. Nhưng mình quyết định lắng nghe bản thân, theo đuổi ước mơ dù có phần hơi muộn màng”, Thành nói.

Quyết tâm là vậy nhưng không ít đêm, Thành thức trắng suy nghĩ về tương lai. Bản thân cậu cũng nhận thấy hành trình mình đi “rất đơn độc”. “Mình có nản lòng, nhưng những phút giây đó không quá lâu. Mình tin bản thân chọn đúng hướng, được sống với đam mê và trên hành trình chinh phục đam mê ấy”, Thành nhớ lại.

Suốt quá trình tập trung ôn thi lại, Thành luôn tự nhủ về mục tiêu và số điểm mong muốn. Dù không hướng tới một danh nghĩa cụ thể như thủ khoa, á khoa, Thành vẫn đặt mục tiêu đạt tới điểm số trọn vẹn là 30.

Để động viên bản thân, Thành lập một tài khoản mạng xã hội, đăng những khoảnh khắc ôn thi, cài đặt chế độ chỉ mình tôi. Cậu cũng đến gặp cô giáo từng dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh để xin vào học, đồng thời nộp đơn xin học thêm môn Ngữ văn, Địa lý của các thầy cô ở trường cấp 3 cũ và đăng ký một số lớp online.

Thành chia lịch học theo tuần, tháng và nghiêm túc thực hiện. Cậu cho rằng sự kỷ luật, kiên trì là yếu tố giúp bản thân giữ vững quyết tâm.

Ngoài ra, chính ước mơ trở thành thầy giáo dạy Văn đã giúp Thành vượt qua khó khăn của một người gần 8 năm không còn đụng vào kiến thức phổ thông.

nganh su pham van anh 1

Thành trở thành tân sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thành đạt tổng điểm xét tuyển 29,45, trong đó môn Lịch sử và Địa lý đều đạt 10; Ngữ Văn 9,25 và 0,2 điểm ưu tiên. Nhờ vậy, Thành đã “chạm tay” tới giấc mơ trở thành tân sinh viên ngành Ngữ Văn của ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Khi biết điểm, mình tự hào và hạnh phúc. Bố mẹ cũng rất mừng, không còn hoài nghi nữa, luôn ở bên, động viên mình cố gắng”, Thành nói.

Ngày quay lại giảng đường, Thành cảm nhận rõ sự gần gũi, yêu thương, là nơi mình muốn thuộc về. Trong lễ khai giảng, Thành vinh dự đứng lên chia sẻ về câu chuyện theo đuổi ước mơ văn khoa của mình.

Trong khi bạn bè đồng trang lứa đã ổn định công việc, thậm chí lập gia đình, còn bản thân bắt đầu lại ở ngưỡng cửa đại học, Thành cũng phần nào áp lực. “Mình từng đi làm và có lương. Khi quay lại học, mình không muốn phụ thuộc vào gia đình nên sẽ đi gia sư, nhưng mục tiêu quan trọng nhất vẫn là tập trung học”, Thành nói.

Dù bận rộn, Thành vẫn duy trì thói quen chia sẻ kiến thức về văn chương trên kênh tiktok và về lịch sử trên một fanpage.

Cũng từ khi cởi mở chia sẻ câu chuyện của bản thân, Thành nhận về nhiều tâm sự của những người không quen biết, liên quan đến áp lực và việc thất bại trên hành trình theo đuổi ước mơ. Thành thú thật, bản thân không biết con đường mình đi có đúng hay không, cũng không biết mình có thể làm được không.

“Mình chỉ biết bỏ qua mọi khó khăn, định kiến, biến tất cả áp lực thành động lực và cố gắng hết mình vì mục tiêu, kiên trì, bền bỉ, kỷ luật với nó.

Mình tin rằng, khi một cánh cửa khép lại, sẽ luôn có một cánh cửa khác mở ra. Khi bản thân khao khát một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp mình đạt được. Vũ trụ sẽ luôn lắng nghe một trái tim ngoan cường”, Thành nói.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Tỷ phú Elon Musk: 'Giáo dục đại học được đánh giá quá cao'

Tỷ phú Elon Musk mới đây lại nói về giá trị của tấm bằng đại học và gây ra cuộc tranh luận nảy lửa trên nền tảng mạng xã hội X.

https://vietnamnet.vn/chang-trai-bac-giang-tu-bo-cong-viec-on-dinh-thi-lai-vao-su-pham-2333698.html

Thúy Nga / Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm