![]() |
Từ nhỏ, Nguyễn Hải Âu (sinh năm 1992) đã đam mê các chương trình về thế giới tự nhiên như "Em yêu khoa học", "Thế giới động vật"... Bên cạnh đó, khi nhìn thấy các sinh vật thần thoại trong phim ảnh, anh luôn thắc mắc: "Nếu xuất hiện ở ngoài đời, chúng sẽ trông như thế nào?". Lên đại học, Hải Âu phần nào có cơ hội giải đáp thắc mắc ấy khi học môn điêu khắc và biết đến các nghệ nhân tạo hình nước ngoài trên mạng. Anh bắt đầu mua đất nặn, làm theo hướng dẫn trên mạng để cho ra các tác phẩm đầu tiên. |
![]() ![]() |
Sau khi tốt nghiệp, Hải Âu làm công việc thiết kế nội thất, vẫn tranh thủ dành thời gian cho sở thích nặn tượng. Đến năm 2017, anh quyết định nghỉ hẳn việc văn phòng, gắn bó với những mô hình tượng toàn thời gian. "Ban đầu, tôi chỉ tạo sản phẩm vì sở thích, nhưng khi thấy mọi người yêu thích và đặt hàng, tôi nhận ra đây không chỉ là một bộ môn nghệ thuật mà còn có giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển lâu dài", anh nói với Tri Thức - Znews. |
![]() |
Đối với chàng trai TP.HCM, mỗi tác phẩm là một hành trình sáng tạo đầy thử thách, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác trong từng khâu. Anh thường thực hiện theo các bước: tìm tài liệu, nghiên cứu đặc điểm nhân vật; thiết kế phác thảo ý tưởng; đánh giá mẫu để chọn nguyên vật liệu phù hợp; tạo khung cốt, định hình dáng khối; hoàn thiện các chi tiết nhỏ; tô màu và xử lý bề mặt để hoàn thiện tác phẩm. Tùy vào từng tác phẩm, anh sử dụng loại đất phù hợp như: đất polymer nung, đất Thái tự khô, đất sáp dầu, keo đất AB… Mỗi chất liệu có đặc tính riêng, phục vụ cho từng phong cách và yêu cầu khác nhau. |
![]() ![]() |
Những sinh vật, tạo hình vốn thường chỉ thấy trong phim ảnh được Hải Âu thể hiện sống động ngoài đời bằng tượng. Thời gian để anh hoàn thiện một tác phẩm phụ thuộc vào kích thước, độ chi tiết và mức độ phức tạp của sản phẩm. Có những mẫu chỉ mất vài giờ, cũng có mẫu kéo dài cả năm trời. |
![]() |
Tác phẩm tốn công sức và tâm đắc nhất gần đây của Hải Âu là "Phượng Hoàng ngũ sắc". Anh mất gần 8 tháng từ nghiên cứu, thiết kế, thi công đến hoàn thiện màu sắc. "Đây là một tác phẩm đòi hỏi độ chính xác cao, sự kiên nhẫn và kỹ thuật xử lý màu cực kỳ phức tạp", anh cho biết. |
![]() ![]() |
Theo Hải Âu, Phượng Hoàng ngũ sắc không chỉ là một tác phẩm điêu khắc mà còn mang ý nghĩa tái sinh, may mắn và thịnh vượng. Sản phẩm được làm ra với mục đích tái hiện loài chim Phượng trong truyền thuyết sao cho chân thực, sinh động nhất có thể, vừa mong muốn ngụ ý mang lại điềm lành, sự cát tường, may mắn, mạnh mẽ cho vị chủ sở hữu. |
![]() |
Bởi độ công phu và đòi hỏi óc sáng tạo, các sản phẩm của Hải Âu có giá dao động vài triệu đến vài chục triệu đồng tuỳ vào độ phức tạp, chất liệu và kích thước. Tác phẩm đắt nhất anh từng bán có giá 120 triệu đồng, một sản phẩm mang tính sưu tầm nghệ thuật, đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian dài để hoàn thiện. "Mỗi tác phẩm không đơn thuần là một món đồ thủ công, mà là tinh hoa sáng tạo và tâm huyết của tôi. Vì vậy, giá trị của chúng không thể chỉ đo bằng vật chất, mà còn nằm ở công sức, kỹ thuật và cảm xúc mà tôi gửi gắm", anh nói. |
![]() ![]() |
Chàng trai TP.HCM bày tỏ nhiều người nghĩ nghề tạo hình đất sét là một bộ môn nhỏ lẻ, song thực tế nó mang lại rất nhiều giá trị, cả về nghệ thuật lẫn kinh tế. Nếu đi đúng hướng và có sự đầu tư bài bản, đây có thể trở thành một ngành nghề chuyên nghiệp và có tiềm năng phát triển lâu dài. |
![]() ![]() |
Ban đầu khi theo đuổi nghề, Hải Âu từng đối mặt nhiều thách thức như áp lực từ gia đình, người thân lo lắng về sự ổn định của công việc; kinh phí để duy trì nghề, đặc biệt là giai đoạn đầu khi chưa có thu nhập ổn định. Anh cũng phải tự tìm kiếm khách hàng bởi bộ môn này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện tại, anh tự hào đã dần vượt qua khó khăn và từng bước xây dựng con đường của riêng mình. Ngoài tạo hình nhân vật thủ công, anh còn là giảng viên cộng tác với Trường Đại học Văn Lang. |
![]() |
Với Hải Âu, tạo hình đất sét không chỉ là một bộ môn nghệ thuật mà còn là một hình thức sáng tạo mạnh mẽ, giúp tái hiện thế giới tưởng tượng một cách chân thực và đầy cảm xúc. "Đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng, không chỉ trong nghệ thuật trưng bày mà còn mở rộng đến các ngành như điện ảnh, hoạt hình, thiết kế đồ chơi và quảng cáo", anh đánh giá. |
Theo tác giả James Suzman, Đông Á được coi là khu vực đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thực trạng nhân viên làm việc quá sức. Những con số đáng báo động về "văn hóa 996" ở Trung Quốc, hiện tượng "karoshi" (làm việc đến chết) tại Nhật Bản... được đề cập trong cuốn sách Lịch sử việc làm khiến chúng ta phải giật mình.