Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai Việt được săn đón trên đất Mỹ chia sẻ bí quyết thành công

Sở hữu thành tích "khủng" và là nhân vật được các "ông lớn" ở thung lũng Silicon săn đón, Khúc Anh Tuấn có nhiều chia sẻ hữu ích cho các bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin.

N

hắc đến Khúc Anh Tuấn, nhiều người không khỏi trầm trồ và ngạc nhiên trước bảng thành tích của chàng trai này. Ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên, Tuấn đã đi gần 10 nước chỉ để tham gia các cuộc thi về lập trình.

Ở tuổi 28, chàng trai quê Hải Phòng đã có 5 năm làm việc ở Facebook và hiện là nhân viên của Uber. Năm 2011, Tuấn xuất sắc vượt qua các lập trình viên nổi tiếng toàn cầu, giành vị trí thứ hai Facebook Hacker CUP 2011. Anh cũng 2 lần lọt top 25 cuộc thi Google Code Jam được tổ chức tại trụ sở Google.

Trong thời gian làm việc với những "ông lớn", Tuấn đã có không ít đóng góp đáng kể, được người dùng đón nhận như tính năng tip cho tài xế Uber, đăng ảnh, status, chơi game trên Facebook...

khuc anh tuan hackathon anh 1
Khúc Anh Tuấn đã có 5 năm làm việc tại Facebook.

Cải tiến giúp đăng ảnh lên Facebook nhanh gấp 2 lần

- Năm 2011, anh là người Việt Nam đầu tiên giành giải nhì tại cuộc thi lập trình của Facebook, giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào?

- Giải thưởng đem lại sự tự hào không chỉ cho riêng tôi. Một số bạn bè thỉnh thoảng có nhắc lại giải thưởng này. Riêng cá nhân, giải thưởng còn mở ra cơ hội phỏng vấn và làm việc tại Facebook, cũng như các công ty công nghệ lớn ở Mỹ.

- 5 năm làm việc ở Facebook, 2 năm làm việc ở Uber, anh có những trải nghiệm gì khi làm việc với các "ông lớn" của quốc tế?

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào năm 2012 khi cổ phiếu Facebook được lên sàn chứng khoán. Tối trước đó, rất nhiều nhân viên ở lại công ty để chờ đến sáng hôm sau lúc sàn chứng khoán mở cửa.

Trong lúc chờ đợi, mọi người tổ chức một kỳ hackathon trong công ty. Bản thân tôi cũng có ý tưởng nhưng không thể hoàn thành trong một đêm. Ý tưởng này sau đó được một nhân viên thực tập làm và sản phẩm đến bây giờ vẫn hoạt động.

- Anh đối mặt như thế nào với những áp lực trong công việc?

- Tôi luôn tìm tòi, học hỏi để bản thân làm việc hiệu quả hơn trong tương lai. Với những áp lực ngay trước mắt, quan niệm của tôi là nếu mình không thể hoàn thành công việc đúng hạn nên lùi kỳ hạn sang một ngày khác hợp lý hơn.

Có lẽ vì tính lạc quan đó nên tôi từng nhận được thiệp cảm ơn từ một đồng nghiệp. Anh ấy cho rằng sự lạc quan của tôi đã giúp anh thấy bớt áp lực hơn trong công việc.

khuc anh tuan hackathon anh 2
Chàng trai từng làm việc ở mảng Game, Photos & Composer tại Facebook.

- Tên tuổi của Tuấn gắn liền những sản phẩm mang tính ứng dụng cao và được nhiều người biết đến, đâu là cảm hứng để anh bắt tay vào thực hiện chúng?

- Nguồn cảm hứng trực tiếp đến từ bạn bè khi tôi có thể khoe với mọi người là làm những sản phẩm họ dùng hàng ngày. Thỉnh thoảng, tôi còn khiến mọi người ngạc nhiên với các tính năng ẩn trong những sản phẩm đó.

Ngoài ra, khi nhìn vào số liệu từ người dùng, tôi thấy vui nếu sản phẩm giúp mọi người chia sẻ ảnh trên Facebook nhiều hơn hay đi Uber đến đích nhanh hơn.

- Sản phẩm nào anh tâm đắc nhất?

- Tôi từng có cải tiến giúp mọi người trên Facebook tải ảnh lên nhanh gấp đôi. Lúc đầu, việc này không có trong kế hoạch cá nhân cũng như bất kỳ ai khác trong nhóm.

Trong lúc làm một sản phẩm khác, tôi phát hiện ra rằng cách ứng dụng Facebook tải ảnh lên chưa được tối ưu và đã sửa lại. Cải tiến này giúp người dùng có được trải nghiệm tốt hơn trên Facebook.

Sinh viên mới ra trường lương hơn 3 tỷ/năm

- Người ta thường tò mò về thu nhập của những lập trình viên khi làm việc với những công ty lớn như Facebook, Uber, anh có thể tiết lộ về điều này?

- Thung lũng Silicon có hàng trăm nghìn công ty công nghệ lớn nhỏ. Với những công ty hàng đầu, tổng thu nhập một năm dành cho sinh viên mới ra trường khoảng 150.000 USD (hơn 3,4 tỷ đồng).

Từ 30% đến 40% số đó sẽ phải nộp thuế lại cho nhà nước và tiểu bang. Những kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm, thu nhập có thể lên đến 400.000 USD/năm (hơn 9 tỷ đồng).

- Từ bỏ Facebook, Uber, sắp tới lại bắt tay làm việc cho một công ty mới, anh có thể chia sẻ lý do mình thường xuyên "nhảy việc"?

- Điều này khá bình thường ở thung lũng Silicon vì tính trung bình, một kỹ sư ở đây chuyển công việc chỉ sau 2 năm. Với nhiều người, mỗi lần chuyển việc là một lần được tiếp xúc công nghệ, sản phẩm mới. Sau một thời gian nữa, tôi sẽ vào công ty phù hợp nhất và tập trung nhiều hơn vào một thế mạnh riêng.

- Những cơ hội trong công việc thường đến với anh như thế nào?

- Rất nhiều cơ hội đến từ việc tôi quan sát cách làm việc của mọi người xung quanh, tìm ra thứ còn thiếu hoặc có thể cải tiến và thực hiện nó, dù đó không phải công việc được giao.

khuc anh tuan hackathon anh 3
Làm lập trình viên ở thung lũng Silicon mang đến thu nhập khá và môi trường lý tưởng để phát triển.

- Sắp tới anh sẽ về Việt Nam, anh có dự định gì trong 3 tháng này?

- Tôi dành thời gian cho gia đình, bạn bè và đi du lịch ở Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tham gia làm giám khảo cho Zalo Hackathon.

- Anh Tuấn có ý định về Việt Nam làm việc không? Có phải những cơ hội phát triển của lập trình viên trong nước không cao như ở nước ngoài?

- Tôi chưa có ý định về Việt Nam trong thời gian ngắn tới đây, chủ yếu do thói quen. Cá nhân tôi thấy có nhiều bài toán công nghệ ở Việt Nam chưa được giải quyết tốt và gần đây cũng có rất nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập với sự giúp đỡ về vốn và nhân lực từ nước ngoài. Việt Nam hoàn toàn có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.

- Theo anh, điều gì ở những lập trình viên Việt Nam được các "ông lớn" đánh giá cao, điều gì cần cải thiện?

- Khá nhiều lập trình viên Việt Nam có kỹ năng tư duy thuật toán tốt. Điều này đến từ môi trường học và thi ở Việt Nam. Đây là kỹ năng nhiều lập trình viên ở Mỹ thiếu và phải luyện tập nhiều để có thể được các "ông lớn" tuyển dụng. Các bạn ở Mỹ thường có ưu điểm ở sự tự tin, tự lập trong công việc và kỹ năng làm việc theo nhóm.

- Kinh nghiệm để vượt qua vòng phỏng vấn của anh là gì?

- Chuẩn bị đầy đủ và luyện tập những phần mình còn yếu. Trong lúc phỏng vấn, cần chú ý diễn đạt suy nghĩ một cách mạch lạc và luôn sẵn lòng thảo luận các vấn đề mở rộng.

Tôi từng đóng vai trò nhà tuyển dụng ở các công ty mình đã làm và thấy nhiều ứng viên chỉ tập trung vào trả lời câu hỏi ban đầu mà không chú ý đến những gợi ý của nhà tuyển dụng để đi vào những chủ đề xa hơn.

Về Việt Nam làm giám khảo cuộc thi 'Zalo Hackathon'

- Cảm xúc của anh khi là giám khảo của cuộc thi  "Zalo Hackathon" sắp tới?

- Tôi rất vui khi có cơ hội giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm cùng những bạn tham gia cuộc thi. Đây cũng là cơ hội để tôi tìm hiểu nhiều hơn về các hướng đi công nghệ trong nước.

- Anh Tuấn từng là gương mặt quen thuộc khi tham gia nhiều cuộc thi về lập trình, chinh chiến trong những đấu trường quốc tế đã giúp cho anh có thêm kinh nghiệm gì?

- Các kỳ thi quốc tế giúp tôi quen với việc tập trung cao độ trong một môi trường áp lực. Đồng thời, tôi cũng học được cách đặt mục tiêu và luôn phấn đấu với mục tiêu đề ra.

- Anh đã chuẩn bị gì cho việc làm giám khảo?

- Tôi có tìm hiểu về các chủ đề trong cuộc thi lần này và đọc về các ứng dụng đã thành công và có ứng dụng thực tiễn trước đó.

khuc anh tuan hackathon anh 4
Không chỉ là giám khảo Hackathon, Anh Tuấn sẽ chia sẻ với những thí sinh về trải nghiệm của mình khi làm việc ở thung lũng Silicon.

- Cuộc thi này có ý nghĩa như thế nào đến những lập trình viên trong nước?

- Hackathon là hoạt động hay được tổ chức ở các công ty công nghệ lớn ở thung lũng Silicon. Cuộc thi này sẽ tạo điều kiện để các lập trình viên có thể tự thành lập nhóm làm việc nhỏ, học hỏi công nghệ mới và làm ra những sản phẩm độc đáo. Rất nhiều sản phẩm thực tiễn của Facebook và Uber đến từ các kỳ thi hackathon trong công ty.

- Lời khuyên của anh dành cho những thí sinh nếu muốn chiến thắng?

- Các thí sinh cần xác định rõ ràng hướng của sản phẩm bằng cách kết hợp sự sáng tạo của mình với các nhu cầu thực tế. Sau giai đoạn định hướng, sự hoàn thiện của sản phẩm cũng như việc áp dụng công nghệ cao một cách khéo léo sẽ là những yếu tố ghi điểm.

Startup được chú ý bởi 5 Shark, chọn về đội Shark Khoa

Hai cô chủ xinh xắn của dự án khởi nghiệp Tipsy Art được chú ý bởi cả 5 Shark, và 4 người muốn chọn đầu tư. Cuối cùng, startup này chọn về đội Shark Khoa.

Kim Cương

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm