Sinh năm 1987, bị mắc bệnh xương thủy tinh, từng bị gãy xương đến 150 lần, nhưng chàng trai can đảm Vũ Ngọc Anh không vì thế mà bị khuất phục. Lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội, từng làm nhiều nghề để kiếm sống từ buôn bán và sửa chữa điện thoại, máy vi tính, làm những công việc liên quan đến Internet, mạng xã hội. Hiện tại, Ngọc Anh quản lý một công ty trung gian, phát triển Quỹ Xương thủy tinh Việt Nam, quản trị một diễn đàn về công nghệ thông tin. Đặc biệt, Ngọc Anh vừa ra mắt cuốn sách "Không thể vỡ", ghi lại hành trình vượt khó để tự lập và đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất mới trên chiếc xe lăn.
Hành trình đã bắt đầu có sự xáo trộn ngay từ ngày đầu tiên. Và mọi việc đang bị xáo trộn một cách không đáng có. Nhưng có như vậy cuộc hành trình này mới có những điều đáng ghi nhớ, đáng để kể sau này.
Thôi tiếp tục đơn thân độc “xe lăn” trên “những nẻo đường phù sa”…
Đi để ta biết thêm yêu cuộc sống này…
Để những trải nghiệm thực tế nó khác xa trên tivi hay trên báo chí như thế nào.
Xuống Cà Mau ngay trong ngày, và quá muộn để đi Đất Mũi, một trong những mục tiêu tiếp theo cần đến.
2 ngày chỉ ngủ đc 2 tiếng trả giá bằng việc nằm xuống giường phát là ngủ ngay như lợn. Xuống xe dính 1 nhát vào chân, chảy máu và hình như sưng lên. Không thấy làm sao cả nên an tâm ngủ tiếp.
Tôi đến Cà Mau bằng một sự cố đó là việc cái chân bị va chạm và chảy máu. Cái chân mới gãy xong, tháo bột chưa đầy 3 tháng là thằng nhóc nhiều tuổi đã lon ton đi rồi, bệnh tật đâu cản được bước chân tôi cơ chứ. Về đến chỗ nghỉ ngơi mới thấy là chỗ đầu xương nhô ra bị xước và chảy máu, ở chỗ gãy thì sưng lên, nhưng chỉ là phần cơ. Không sao cả. Leo lên giường ngủ 1 giấc ngắn nhưng sâu.
Sáng hôm sau đi Đất Mũi.
Đoạn đường xuống bến tàu cao tốc khá là gồ ghề với người ngồi xe lăn, nó không khó như Thái Nguyên nhưng chỉ điều khiển xe bằng một tay và 1 chân ở thời điểm hiện tại thì hơi khó đi lại một chút. Đến cổng bến thì có một ông bác trạc ngũ tuần chạy ra và hỏi:
- Con đi đâu, Năm Căn hay Đất Mũi?
- Dạ Đất Mũi ạ.
- 6:40 tàu chạy. Mới 6h. Ra ăn cơm rồi đi con. Vì đến đó tàu chạy mất 3 tiếng lận. Đi mình thôi đó hả?
Tôi ra ăn cơm và ngồi nói chuyện với bác, bác kể ngày xưa bác chạy tàu to rồi chỉ vào cái xà lan chở hàng và nói tàu phải to bằng đấy chạy mới đã, hồi đó Đất Mũi chưa khai thác du lịch như bây giờ, còn hoang sơ lắm, rồi bác dặn dò chuyện đi lại dưới đó như thế nào, xe ôm ra sao. Hỏi han và ngồi tám với bác đến giờ tàu chạy.
Lên tàu bằng cách bước chậm chậm từ trên bờ xuống dưới mũi tàu. Tôi không phải là người giỏi giữ thăng bằng cho nên suýt ngã xuống dưới, may có người giữ được áo lại nên không mất đà nữa. Đi bằng đầu gối xuống cửa ra vào. Tụt xuống sàn và bắt đầu tìm chỗ ngồi thích hợp, trong đầu còn nhớ như in lời ông bác khi nãy nói “đi xe ngồi đầu đi tầu ngồi cuối” cho đỡ xóc.
Tàu chạy được khoảng 1:30′ thì cô thu tiền vé đi thu tiền. Cô nói mình “què chân” nên “tui” chỉ lấy 100k thôi, vé bình thường là 130k. Tôi cười và cảm ơn cô. Ngồi bên cạnh là một bà chị đang là giáo viên dạy cấp 3 môn Vật lý đưa con về thăm ngoại ở Chà Là. Tôi với chị nói dăm ba câu hỏi thăm xã giao trên đoạn đường, chị nói khi nào về Cần Thơ muốn gặp thì alo cho chị. Tôi vâng dạ và lưu số điện thoại của chị vào máy.
Đến Đất Mũi, bà cô bán vé lúc nãy hỏi:
- Leo lên được không tui nói người cõng lên bờ nhé.
- Dạ để ra ngoài xem thế nào rồi đã cô.
Ra ngoài thì đội ngũ xe ôm đã trực sẵn ở đó, một anh thanh niên nhiệt tình lao đến kéo lấy tôi và xốc lên lưng, “tui giúp xuống cho dễ, đi làm chi cho cực vậy”. Người dân ở đây bình dị vậy đó, nhẹ nhàng vậy đó. Cái cảm giác “khách” không có ở đây thì phải.
- Chú ơi về Đất Mũi đi như thế nào ạ?
- 50k đi và về, chở em đi rồi khi nào em về em gọi tụi tui xuống đón em.
- Dạ con còn cái xe lăn, bây giờ chú đi trước rồi con bám theo xe, chú đi từ từ tới nơi được không?
- Được, nhưng sẽ lâu đó nghen.
Một anh xe ôm khác xen vào:
- Nhưng lên dốc cầu kéo làm sao được. Xếp xe lại anh chở đi, cho xe lên phía trước chạy được.
- Cu, lấy 1 xe rảnh chở cái xe lăn này cho ảnh đi, giúp người ta chút chứ chạy vầy nguy hiểm lắm
Giọng của một người khác nói xen vào tiếp.
Vậy là tôi được giúp bằng cách đó. “Anh xe lăn” có riêng một tài xế chở anh ấy. 9 tháng sau vụ tai nạn gãy chân thì đây là lần ngồi xe máy lại đầu tiên. Vẫn hơi sợ sợ khi có xe đối diện chạy ngược chiều hoặc né nhau.
Đến điểm tham quan, cô bé bán vé không có tiền trả lại nên cho tôi nợ 1 chai nước suối và cái vé:
- Nhỡ may anh chạy mất thì sao?
- Em ngồi canh cổng thế này anh chạy sao được cơ chứ.
Việc đầu tiên của tôi là tìm đến địa điểm GPS 0001. Thực hiện 1/5 của cuộc hành trình “không thể vỡ” mà tự tôi đặt ra. Sau khi lên dốc và xuống dốc tôi tìm thấy điểm GPS 0001. Cảm giác như vỡ oà khi tôi đã làm được điều mình mơ ước. Lê đôi chân bằng những bước nhẹ nhàng của đầu gối, tôi quỳ và tiến vào cột mốc. Ngồi trước nó, dựa vào nó để… thở và để tận hưởng cái cảm giác “sung sướng” này.
Tôi không hiểu cảm giác lúc đó của mình như thế nào nữa. Tôi muốn nhấc máy lên gọi cho ai đó để khoe ngay lập tức. Nhưng rồi lại thôi, quay ra tự sướng với thành quả của mình. Đây là phần dễ nhất trong cuộc hành trình của tôi, và tôi chưa thấy có gì đáng tự hào cả. Nhẹ nhàng quá, hoặc do tôi đặt ra mục tiêu cho mình quá lớn.
Sau khi chán chê và nói nhảm ở cột mốc xong thì tôi tìm đường ra “mũi tàu”. Mũi tàu là một tượng đài có hình con tàu đang dương buồm ra khơi mà mọi người hay được nhìn thấy khi google về Cà Mau. Xong xuôi đâu đấy tôi men theo đường ra biển cho đến khi không đi được nữa thì quay lại, cái cảm giác được làm những gì mình thích, ko gò bó thật là tuyệt vời, tôi nghĩ cảm giác này để lại ấn tượng nhiều nhất là dư âm.
Tôi tiếp tục muốn thử thách bản thân mình bằng việc leo lên chòi quan sát.
Các bậc thang ở đây có sỏi, và điều đó ảnh hưởng rất lớn tới việc đầu gối của tôi có đau hay ko khi đặt chân xuống. 1 bước, 2 bước, 3 bước và những bước đi tiếp theo nhói lên theo từng bước chân mình. Tôi không biết tại sao mình lại “hành xác” như thế này nữa.
Leo lên đến bậc cuối cùng của chiếu nghỉ thứ nhất. Bậc cuối rất cao so với bước chân của tôi. Nếu tôi đứng bằng đầu gối, nó cao đến bụng, ước chừng phải 30-40cm. Do cái chân mới gãy nên tôi không làm được gì với nó từ việc dùng nó để đẩy xe lăn hay trụ, phải để chân còn lại làm hết những nhiệm vụ đó. Tôi bắt đầu bò lên đúng nghĩa. Bò và trườn mình để qua bậc cuối đó, trong suốt dọc cầu thang tôi phải bò như thế thêm 2 lần.
Lên được tới nơi mất 15 phút, người bình thường đi chắc chả đến 3 phút. Nhưng tôi là vậy, lâu như vậy thì cảm giác tận hưởng mới thích thú.
Lên đến nơi tôi ngồi dựa vào lan can và nghỉ, gió ở đây rất to, nếu đứng ko vững nó sẽ đẩy ngã tôi ngay lập tức. Tôi “vãn cảnh” nhưng luôn luôn phải chú ý từng bước chân của mình. Cái đầu gối đang bắt đầu phản lại tôi bằng những bước đi đau điếng.
Sau khi chán chê với những gì đã làm, tôi bắt đầu đi xuống tưng bước một nhẹ nhàng bằng…. mông. Phải, bằng mông chứ ko phải bằng cái gì khác. Tôi tụt từng bậc và lấy mông mình làm phanh. Chiếc quần jeans 3 ngày không giặt có tác dụng ghê gớm khi giảm được ma sát rất nhiều. Những bậc cuối cùng để về lại với con chiến mã 4 bánh thân yêu dễ dàng hơn nhiều khi có lũ nhóc người địa phương đứng cổ vũ phía trước mặt. Nó thấy tôi từ lúc leo lên, và lúc tôi đi xuống là lúc bọn nhóc bắt đầu lẽo đẽo đi theo…
1/5 của cuộc hành trình đã kết thúc, một ngày như bao ngày khác nhưng có một điểm đặc biệt nhất đó là tôi đã gạch đi trong checklist của mình một dòng:
Mũi Cà Mau, toạ độ GPS 0001.