Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng Việt kiều vào đề Văn: 'Tiền bạc chỉ làm thêm rắc rối'

Chàng trai Việt Kiều Trần Hùng John xuất hiện trong đề thi văn khối D năm nay từng đi bộ xuyên Việt với ví rỗng và từng suýt chết vì bị sốt rét.

Chàng Việt kiều vào đề Văn: 'Tiền bạc chỉ làm thêm rắc rối'

Chàng trai Việt Kiều Trần Hùng John xuất hiện trong đề thi văn khối D năm nay từng đi bộ xuyên Việt với ví rỗng và từng suýt chết vì bị sốt rét.


Trần Hùng John sinh năm 1989. Anh lớn lên ở Mỹ, bố mẹ đều là người Việt. Năm 2010, khi vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, ĐH Berkeley, Mỹ, chàng trai trẻ này đã lên kế hoạch cho một chuyến đi.

Hai năm sau anh quyết định đi bộ xuyên Việt khi không mang tiền theo người. Cuốn sách John đi tìm Hùng là sản phẩm của chuyến đi kéo dài 80 ngày này. Anh cho biết, động lực giúp anh thực hiện chuyến đi là câu danh ngôn: “Đừng nói với tôi bạn giỏi như thế nào, hãy kể cho tôi nghe bạn đã đi được những đâu”.  Anh quan niệm: "Những trải nghiệm có thể làm thay đổi một con người".

Và thế là chàng trai trẻ lên đường vào ngày 10/5/2012. Chuyến đi của anh kéo dài 80 ngày, qua khoảng 20 tỉnh trong cả nước. Từ ngày 21/4, anh tiếp tục chuyến đi xuyên Việt lần 2 hai của mình, chuyến đi dự kiến kéo dài trong 40 ngày.

"Khá nhiều người hiểu nhầm mục đích chuyến đi đó của tôi. Tôi không đi với mục đích chứng minh lòng tốt của ai cả. Ở đâu cũng có cả người tốt và người xấu. Sự thực đó không cần ai chứng minh", anh nói.

 
 John Hùng Trần và mẹ.

Anh kể lại: “Tôi mang theo một ba lô, một cái lều, một cái mũ và một chai nước (cả mũ và chai nước đều bị mất trên đường), cùng một túi đeo ngang bụng. Trong ba lô mang theo ba bộ quần áo, bộ sơ cứu, một bật lửa, một con dao, kem chống nắng, bản đồ, sổ tay, sạc điện thoại, một đôi giày, dép tông, bàn chải đánh răng và đèn pin”.

Anh không đem theo tiền trong người vì nghĩ rằng tiền bạc luôn làm mọi việc thêm rắc rối: “Nếu mang theo tiền thì tôi sẽ không thể kiềm chế và thuê một phòng tại khách sạn hoặc ăn trong nhà hàng thay vì xin được đồ ăn cùng người khác”.

Chàng Việt Kiều trong trang phục truyền thống của dân tộc.

Trong hành trình của mình, một lần anh bị sốt cũng là lần đầu tiên anh sợ chết và tự trách bản thân: “John, mày tự gây ra cho mày thôi. Mày không thuộc về nơi này. Đây không phải đất nước của mày đâu. Mày là người Mỹ. Mày đang cố chứng tỏ cái gì cơ chứ? Giờ thì hết rồi. Cả hành trình và đời mày”.

Đã từng đi trong 7 ngày liền không có thức ăn, chỉ có nước uống, John Trần Hùng được người dân cho tiền để tiếp bước trên đường. Anh đã cảm nhận được lòng tốt của những người dân quê mà mình gặp.

"Tôi đã có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời và cả những điều tồi tệ nữa mà tôi có kể lại trong cuốn sách của mình. Người Việt Nam rất hiếu khách và hào hiệp, nhiều người đã giúp tôi trên đường đi. Tôi đã thực sự yêu thích công việc gặt lúa, cấy lúa, đánh cá... Tôi được làm việc cùng mọi người, và rồi sau một ngày dài thì được về nhà nghỉ ngơi. Nhưng cũng có những kỷ niệm không mấy vui vẻ như có lần bị dọa cho vào tù, có lần tưởng như suýt chết vì ngộ độc, và còn có vài người nói những điều không hay về tôi", chàng trai trẻ nói về hành trình xuyên Việt đầu tiên của mình.

Clip John đi tìm Hùng và mong ước của chàng Việt kiều trẻ yêu Việt Nam.

Bài học lớn nhất về "thầy bói xem voi"

Trong đề thi Văn khối D đại học năm nay, có câu hỏi chia sẻ quan điểm của chàng trai Việt kiều này: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước thì tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã vẽ sẵn”.

Trần Hùng John tham gia gặt lúa cùng những người dân lao động.

Trong suốt chuyến trải nghiệm xuyên Việt của mình, John Trần Hùng đã có nhiều suy ngẫm về người Việt. Anh nói: “Ở Việt Nam, tôi hiểu rằng làm những thứ khác thường sẽ dễ bị coi là điên rồ nhưng đó lại là cách duy nhất”.

Anh chia sẻ về những điều chưa hài lòng: “Thành thực mà nói tôi không thích môi trường làm việc tại Việt Nam. Mọi thứ rất chậm, chưa chuyên nghiệp và hầu như không ai thấy cần phải khẩn trương. Nhiều nơi có hẳn 2 tiếng nghỉ trưa. Tôi từng làm việc ở những nơi mà nhân viên làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần và nghỉ trưa chỉ có 30 phút. Tôi muốn làm việc chăm chỉ, nhanh chóng và hoàn thành công việc sớm để nghỉ ngơi chứ không phải vừa làm vừa chơi. Công việc là công việc và mọi người đều nên được đối xử công bằng, chuyên nghiệp”.

Hòa nhập cùng đời sống người dân Việt Nam.

Những bài học lớn anh nhận được cũng chính từ chuyến đi trải nghiệm Việt Nam này: “Tôi có được rất nhiều bài học về cuộc sống. Nhưng bài học quý nhất là từ thầy Vốn ở đại học Huế. Thầy kể với tôi truyện ngụ ngôn nổi tiếng về thầy bói xem voi. Rất nhiều thứ trong cuộc sống chỉ phụ thuộc vào cách nhìn, cách nghĩ của chúng ta, đừng trông mặt mà bắt hình dong, nhất là ở Việt Nam”.

Anh chia sẻ về ví dụ điển hình, người nông dân rất vất vả, nhưng để hiểu, bạn phải tận mắt nhìn, tận tay trải nghiệm và cùng cảm nhận với họ. Trên đường đi, anh đã gặt lúa, cấy lúa, làm đất, cùng nhiều việc khác nữa. Phải cố gắng gặt lúa từ 5h sáng đến 5h chiều, có lúc cảm thấy thấy toàn thân mệt mỏi, buồn nôn, thậm chí suýt ngất. Nhưng anh không cho phép mình dừng lại. Nếu bác nông dân không nghỉ, anh cũng không nghỉ. Và khi về nhà thì thức ăn còn không đủ, phải ngủ trong điều kiện nóng bức, không có quạt, không có điện với một chiếc giường đầy người.

Những ngày này anh đang ở Mỹ sau hai năm lăn lộn tại Việt Nam.

Đối với John Hùng Trần, chuyến đi không phải để cho thế giới biết rằng Việt Nam cũng có người tốt như bao nơi khác, nó cũng không phải là cuộc kiểm tra thể lực bằng việc đi bộ mà mục đích của chuyến đi là để tôi có thể trải nghiệm cuộc sống của người Việt Nam. John Trần Hùng nghĩ là mình đã thực sự làm được điều đó.

huỳnh anh (Tổng hợp)

Theo Infonet

huỳnh anh (Tổng hợp)

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm