Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp chàng trai Mỹ đi xuyên Việt không cần tiền

John Hùng Trần tốt nghiệp trường Đại học Berkeley, một trong top 50 trường đại học danh tiếng của Mỹ, trở về Việt Nam, John được biết đến như chàng MC đẹp trai ăn nói có duyên của các chương trình như: Góc nhìn Việt Nam, Một ngày làm người Việt…

Gặp chàng trai Mỹ đi xuyên Việt không cần tiền

John Hùng Trần tốt nghiệp trường Đại học Berkeley, một trong top 50 trường đại học danh tiếng của Mỹ, trở về Việt Nam, John được biết đến như chàng MC đẹp trai ăn nói có duyên của các chương trình như: Góc nhìn Việt Nam, Một ngày làm người Việt…

Và mới đây nhất, John được nhắc đến rất nhiều qua dự định của anh: thực hiện chuyến đi từ Hà Nội vào Sài Gòn mà không mang theo tiền, chỉ sống bằng lòng tốt và sự thân thiện của mọi người để quảng bá cho du lịch Việt Nam.

John trong một chương trình truyền hình ở Đài VTC10

- Cơ duyên nào khiến anh trở về Việt Nam?

- Trước đây, mình từng có 4 tháng học ở ĐH Hà Nội theo kiểu trao đổi, giao lưu sinh viên. Sau đó thì mình trở lại Mỹ một năm để lấy nốt tấm bằng đại học. Tốt nghiệp đại học, mình cảm thấy rất nhớ Việt Nam nên lại trở về một lần nữa. Và lần này thì mình thấy mình rất gắn bó với Việt Nam.

- Trở về Việt Nam, lại làm MC cho những chương trình rất có uy tín, anh thấy công việc MC có khó không?

- Theo ý kiến cá nhân của mình thì làm MC rất dễ. Ai cũng có thể làm MC mà! (Cười). Làm MC điều quan trọng nhất là bạn cứ là chính bạn thôi, không cần phải màu mè, giả tạo hoặc gượng gạo, kị nhất là cố biến thành một người khác. Chính điều đó khiến cho bạn cảm thấy gò bó và không thoải mái. Mình thấy một nhược điểm khá lớn của MC Việt Nam đó là sự thiếu tự nhiên. Tại sao xem các chương trình truyền hình ở nước ngoài thì thấy MC truyền hình của họ rất tự nhiên còn ở Việt Nam thì không được như vậy…

John trong tà áo dài truyền thống của Việt Nam

Nếu ở Mỹ bạn phải học hành cực kỳ bài bản về báo chí, phải có bằng cấp và phải đi lên từ những chương trình rất bé sau đó mới đến chương trình lớn thì ở Việt Nam không phải vậy. Ở đây, ai cũng có thể làm MC. Các tiêu chuẩn làm MC ở Mỹ cũng khắt khe hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ở bên đó, mình xin mãi có ai cho mình làm MC đâu (cười vui vẻ).

- Vậy thì đây hẳn là tin vui cho các bạn trẻ Việt Nam rồi vì nghề MC hiện nay đang rất hot trong giới trẻ?

- Nếu bạn trẻ nào có đam mê theo nghề MC thì tốt nhất các bạn nên có bản sắc của riêng mình, hãy cứ là chính mình. Nếu mình đau thì mình kêu đau, mệt thì kêu mệt. Ví dụ dẫn chương trình thực tế, John dẫn về Vovinam, cũng bị đánh đau, bầm dập lắm. Lúc đó John kêu đau quá, đau quá rất tự nhiên thôi. Còn một số bạn MC thì lại cứ cố để… cười.

- Làm MC các chương trình truyền hình, John có kỉ niệm nào đặc biệt?

- Kỉ niệm thì nhiều lắm. Mình làm MC cho VTC10 chủ yếu là các chương trình thực tế. Có lần mình đi làm về ong, cũng bị ong đốt, rồi làm về rắn… Nhớ nhất là lần dẫn thực tế một chương trình võ Vovinam, John cũng có trải nghiệm đau đớn khi tập luyện môn võ này đấy.

John đi chơi với trẻ em trong hoạt động tình nguyện

- Chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam khác chương trình thực tế bên Mỹ thế nào theo ý kiến của John?

- Theo mình nghĩ thì ở bên Mỹ, họ làm chương trình có độ thoáng và độ mở hơn, làm cũng tự nhiên hơn. Tính tự nhiên là điều rất quan trọng đấy. Ở đó, họ chỉ có khung kịch bản thôi, còn ra hiện trường tiếp theo thế nào thì lại là để ở ngoài hiện trường phát triển tiếp. Còn các chương trình ở Việt Nam thì phần lớn dựa theo kịch bản rất nhiều, bắt nhân vật làm cái nọ làm cái kia… Rồi dần dần khiến cho người ta thấy đây là chương trình sắp đặt và hơi có sự giả tạo chứ chẳng còn mang tính chất thực tế nữa.

- John học truyền hình như thế nào? Mỗi lần ra sân khấu có bị run không?

- John là người ngoại đạo nên chủ yếu xem nhiều và học hỏi là chính. John hay xem các chương trình truyền hình của nước ngoài để học hỏi. Còn để nói cho tự nhiên, giản dị mà không bị run thì John thường trò chuyện với mình trước. John sẽ tự hỏi mình: “Xin chào John, hôm nay có gì vui không? Bạn vẫn khỏe chứ?”. Và mình cứ thể trò chuyện thôi… Như thế không run mà lại khiến cho câu chuyện của mình dẫn dắt sắp tới được tự nhiên. Nếu mình buồn thì mình cũng sẽ nói: “Xin chào John, chuyện gì làm cậu buồn thỉu thế kia?”. Đó cũng chính là liệu pháp tốt cho mình.

John rất thích thú các hoạt động tình nguyện ở Việt Nam.

Chuyến du lịch xuyên Việt nhờ lòng tốt

- John này, bạn có thể chia sẻ một chút về dự định gần nhất của bạn được không?

- Dự định sắp tới của mình là thực hiện một chuyến du lịch xuyên Việt mà không mang theo tiền, chỉ đi bằng lòng tốt và sự giúp đỡ của mọi người thôi. John muốn cho những người nước ngoài mà cụ thể gần ngay John là bạn bè của John hiểu rằng đất nước và con người Việt Nam rất thân thiện chứ không như những gì họ nghĩ. Bạn bè mình thường có cái nhìn thiếu thiện cảm với du lịch Việt Nam. Thật mà! Chính điều đó khiến mình nung nấu ra ý tưởng trên…

Tuy nhiên có một số phiền toái không đáng gặp khiến cho John khá là mệt. Nhiều bạn email đến xin đi cùng với John, nhiều người cho số điện thoại liên lạc đề nghị giúp đỡ John khi John đi đến tỉnh đó thì cứ gọi cho họ…

Thế nhưng John nói với họ: Nếu bạn muốn đi xuyên Việt thì tại sao bạn không đi một mình? Bạn cứ đi thôi, sao phải đi với John? Còn với những bạn gọi điện thoại liên lạc với mình thì mình nói thẳng thắn là: có nhiều người muốn giúp đỡ mình nhưng cũng có không ít người chỉ muốn PR tên tuổi mình thôi và sự giúp đỡ đó là không thật lòng, không thể hiện sự thân thiện với người Việt Nam.

Hiện giờ thì John chỉ có thể nói thế thôi. Vì đầu tháng 6 khi John đi, John sẽ thường xuyên viết blog và cập nhật hình ảnh trên mạng xã hội cho cả nhà.

- Vậy John đã chuẩn bị gì cho chuyến đi này?

- Đầu tiên thì John chuẩn bị thể lực. Mấy hôm nay mình đều tập để rèn sức khỏe cho chuyến đi. Nói thật là một chân của mình vì tập luyện quá sức mà giờ đang hơi bị đau (mặt nhăn).

- Khi thực hiện chuyến đi này, có ai khuyên can John không?

- Có chứ, đa phần mọi người đều nói là John điên. Thế nhưng John nghĩ là John vốn thích các chương trình thực tế. Có đi sâu đi sát như thế này thì John mới hiểu Việt Nam thêm. Trước đó thì John có đi du lịch nhưng thường là đi du lịch đầy đủ tiện nghi và đi ở những chỗ đẹp nổi tiếng. John muốn hiểu đất nước quê hương của John sâu sắc hơn nữa, ghi lại những hình ảnh John gặp trên đường - một Việt Nam tự nhiên nhất trong mắt John.

- John có kỳ vọng gì vào chuyến đi này?

- John không kỳ vọng gì cả. Nói chung tất cả mọi thứ John để mở. Khi mình kỳ vọng là khi mình bó hẹp tầm nhìn của bản thân mình vào một chỗ, còn khi mình mở rộng ra thì cả thế giới cũng mở ra, mình sẽ sẵn sàng để đối mặt với nhiều thứ xảy ra trên chặng đường hơn. Có thể có người tốt nhưng cũng có người xấu, có người giúp đỡ mình nhiệt tình nhưng có người lại không tin tưởng hoặc thờ ơ chẳng hạn…

- John dự định chuyến đi này sẽ kéo dài bao lâu?

- Cái này John không dám chắc vì chưa đi thì chưa thể biết điều gì xảy ra được và cũng không biết chuyến hành trình này sẽ kéo dài bao lâu. Có điều chắc chắn khi khởi hành là John phải đi bộ rồi (Cười).

Chia sẻ, chia sẻ và chia sẻ nhiều hơn

- Là một người trẻ trở về Việt Nam, John có ấp ủ kế hoạch nào giúp đỡ quê hương?

- John nghĩ có một số người trở về Việt Nam, kiếm rất nhiều tiền rồi lại bỏ Việt Nam mà đi nhưng John thì không thể làm thế. Về Việt Nam, mình sẽ giúp đỡ Việt Nam bằng hành động. Hiện nay John và một số người bạn của mình sẽ cùng làm một dự án có tên Teach tôi.

Teach tôi sẽ chủ yếu cung cấp các video, bài học, cũng như các tài nguyên giới thiệu, giải thích về nhiều chủ đề khác nhau. Bạn có muốn biết làm thế nào để học tiếng Anh tốt? Bạn có hứng thú với việc tạo dựng và điều hành công ty riêng của mình cùng sự giúp đỡ của các giáo sư và chuyên gia? Hay bạn muốn trở thành một cầu thủ bóng đá giỏi hoặc đối với các bạn nữ, trở nên xinh đẹp hơn với những thủ thuật trang điểm từ các chuyên gia nước ngoài?

Teach tôi sẽ đem đến cho các bạn tất cả những điều đó và hơn thế nữa. Trong tương lai, chúng mình còn giúp các bạn tương tác và giao tiếp với những người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam cũng như người Việt. Chúng mình muốn tạo ra một cộng đồng trực tuyến để mọi người có thể chia sẻ, dạy và học cùng mọi người. 

Tóm lại thì đó là một kênh video dạy mọi người trực tuyến về tất cả các vấn đề và mọi người cũng có thể tự quay clip của mình up lên trang để dạy lại cho mọi người về những điều mình biết! Dự án này hoàn toàn miễn phí và chúng mình đang trong giai đoạn tích lũy nguồn video, dịch thuật tài liệu chuyển ra tiếng Việt…

John cùng mẹ của mình ở bên Mỹ

- Trong cuộc sống, tiền bạc với John có quan trọng?

- Tiền bạc với John quan trọng chứ! Ở bên Mỹ, từ năm 13 tuổi John đã đi làm thêm để tự mua những gì mình thích, tự đáp ứng nhu cầu cho bản thân. Và 18 tuổi đi học đại học thì John như phần nhiều các bạn sinh viên Mỹ khác là tự đóng học phí, tự trang trải chi phí cuộc sống.

John đã làm rất nhiều các công việc khác nhau để kiếm tiền. Tiền là thứ cực kỳ quan trọng. Thế nhưng khi về đến Việt Nam thì mình nhận ra thật ra có thứ khác còn quan trọng hơn tiền. Người ta vẫn có thể sống hạnh phúc nếu ít tiền. Chỉ cần ở đó có sự quan tâm và chia sẻ lẫn nhau. Vì từng là một người lao theo guồng quay của cuộc sống kiếm tiền cho nên John rất hiểu sự sẻ chia, tình cảm và tinh thần quan trọng với John đến mức nào.

- Điều gì khiến một người từng coi tiền là số một lại có thể thay đổi suy nghĩ?

- Vì khi trở về Việt Nam, mình được chứng kiến rất nhiều những số phận không may. Mình thường đến trại trẻ mồ côi làm tình nguyện, chơi với các em ở đó. Ở bên Mỹ mình cũng đi làm tình nguyện nhưng những hoạt động tình nguyện đa phần là hời hợt, chỉ mang tính chất hình thức. Còn về Việt Nam thì mình tình nguyện bằng cả tấm lòng của mình, thật sự thương cho những em bé ấy! Hồi còn học ở đại học Hà Nội, mình rất hay đi tình nguyện với bạn mình. Đó cũng chính là lí do khiến mình tốt nghiệp đại học xong là muốn quay trở lại Việt Nam.

John cùng bạn bè

Suy nghĩ của mình thay đổi không phải vì một điều gì đó gây ra cú sốc hoặc dấu ấn đáng nhớ mà nó cứ từ từ, hàng ngày ngấm vào mình, làm thay đổi mình.

- Anh nghĩ sao nếu như có một ngày bạn gái anh bỏ anh đi, chỉ vì anh không có tiền, “yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”

- John nghĩ là mình sẽ nói lời "bái bai" và chúc cho cô ấy hạnh phúc. Vì mình nghĩ nếu cô ấy yêu mình vì tiền thì mình không nuối tiếc người như vậy nếu họ bỏ mình ra đi.

- John thích điều gì ở Việt Nam?

- Mình thích nhiều thứ lắm, không biết kể thứ gì.

- Trong đó có trà chanh chém gió không? Một xu hướng mới của giới trẻ đó?

- Có chứ. John thích trà chanh và cũng tụ tập chém gió cùng bạn bè. Đó là một trong những sở thích của John. Hồi ở bên Mỹ thì John chỉ có đi học, đi làm thêm rồi cuối tuần nếu rảnh, ở nhà xem ti vi là hết chứ ít khi ra đường lắm. Nhưng về Việt Nam thì khác hẳn và mình rất thích điều đó.

John với hoạt động bóng rổ yêu thích của anh

- John nghĩ sao về những ngôn ngữ của các bạn trẻ bên bàn trà chanh hiện nay? Có sử dụng khá nhiều những thành ngữ mới kiểu: “Buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián’…?

- John nghĩ là bình thường thôi mà. Ở lứa tuổi này thì các bạn hay dùng những từ như thế nhưng rồi khi đã ở một lứa tuổi chín chắn hơn, dần dần các bạn sẽ bớt những ngôn ngữ đó. Hơn nữa, nếu dùng trong văn viết và những cách giao tiếp xã giao trịnh trọng, rồi trong công việc thì ít khi các bạn dùng những từ ngữ như vậy. Còn thì ở nước nào cũng vậy thôi, luôn có những từ mà chỉ một bộ phận mới hiểu được. Thậm chí không chỉ người trẻ mà cả người già cũng vậy…

Có lẽ chấp nhận hay lên án thì là do mỗi một đất nước có nền văn hóa khác nhau.

- John có định gắn bó lâu dài với Việt Nam?

- John rất thích Việt Nam nhưng việc gắn bó lâu dài hay không thì chưa chắc chắn. Bởi vì còn tương lai chưa biết trước được điều gì. Nhưng John yêu Việt Nam theo cách mà John thích và hi vọng sẽ làm được điều gì có ích cho Việt Nam.

- Cảm ơn John và chúc bạn có chuyến đi may mắn!

 Đặng Nhung

Theo Infonet

 Đặng Nhung

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm