Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND Hà Nội khóa XV, Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính trình bày báo cáo công tác xét xử của ngành tòa án thành phố 6 tháng đầu năm.
Ông cho biết trong thời gian này, TAND hai cấp của thành phố đã thụ lý 19.700 vụ án, giải quyết gần 12.730 vụ, tăng 782 vụ so với cùng kỳ. Về chất lượng xét xử, 46 án bị hủy, giảm 11 vụ so với 6 tháng đầu năm 2017.
Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được TAND Hà Nội khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Điển hình như: Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị truy tố về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng công ty PVC. Vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị VKSND Tối cao truy tố về tội Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty PVP Land.
Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương.
Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính. Ảnh: Việt Linh. |
"Đây là những vụ án có quy mô lớn, số người tham gia tố tụng lớn, hồ sơ lên tới hàng trăm nghìn bút lục, đòi hỏi phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cả về cơ sở vật chất và cán bộ nghiên cứu. TAND Hà Nội đã thành lập các tổ công tác bao gồm nhiều thẩm phán, cán bộ có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án và thực hiện các công tác có liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải quyết", ông Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chánh án Chính cũng cho biết TAND hai cấp còn một số vụ án quá hạn (đặc biệt là án hành chính), án bị hủy, sửa. Nguyên nhân chính là số lượng các loại vụ việc TAND hai cấp thụ lý, giải quyết tăng qua các năm nhưng số lượng biên chế không được tăng. Đặc biệt là thẩm phán, một số quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn như việc thay đổi thẩm quyền xét xử đối với án hành chính...
Trong quá trình giải quyết một số vụ án hình sự, bị can, bị cáo xuất trình hồ sơ bệnh án điều trị bệnh tâm thần, do vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần và tiến hành thủ tục bắt buộc chữa bệnh, dẫn đến vụ án phải tạm đình chỉ.
Đáng chú ý, việc giám định tâm thần với các đối tượng này hiện chưa có cơ chế kiểm soát, nên còn một số trường hợp vi phạm trong hoạt động giám định. Một số kết quả giám định pháp y tâm thần chưa chính xác, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
"Điển hình như vụ án Lò Văn Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty T&D, phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế bị cáo Dân chưa từng tới khám và điều trị tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Nhưng, ông Nguyễn Xuân Lợi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện này, cấp giấy chứng nhận, xác nhận Lò Văn Dân có 2 đợt điều trị ngoại trú tại bệnh viện", ông Chính dẫn chứng.
Chánh án TAND Hà Nội thông tin thêm các cơ quan tố tụng đã ban hành kiến nghị yêu cầu bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 xử lý cán bộ liên quan.