Chảo chống dính sẽ không tránh khỏi việc lớp phủ bị bong tróc hoặc xước sau một thời gian dài sử dụng. Ảnh: Gridtechno. |
"Hãy vứt ngay đi nếu bạn thấy chảo chống dính bong tróc như thế này nhé. Vì những vụn chống dính này và tạp chất dưới lớp chống dính sẽ gây hại cho sức khỏe, thậm chí là nguy cơ ung thư".
Đây là nội dung tài khoản TikTok có tên Nhà Linh có gì đăng tải. Kênh này kêu gọi mọi người vứt bỏ chảo chống dính khi có dấu hiệu hư hỏng. Clip này đã thu về hơn 1,1 triệu lượt xem và hàng trăm bình luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Đa số mọi người đều cảm thấy lo lắng vì những chiếc chảo chống dính họ đang có sau một thời gian sử dụng đều xảy ra hiện tượng như trên.
Một số trường hợp khác lại "lạc quan" vì họ cho rằng đã là chất được cho phép sử dụng thì sẽ an toàn, chỉ cần không để những mảng bong tróc này lẫn vào thức ăn.
Chất chống dính có gây hại?
Chia sẻ với Tri Thức - Znews trước đó, Giáo sư Phạm Văn Khôi, Viện Hóa học Việt Nam, cho biết mặt trong của chảo chống dính trải một lớp hợp chất cao phân tử. Đó là politetra floetylen (viết tắt là PTFE) còn có tên Teflon.
Tiktoker kêu gọi mọi người nên bỏ ngay những chiếc chảo chống dính đã bị bong tróc. |
Lớp liên kết từ Teflon này còn tạo ra sức căng trên bề mặt nồi, chảo. Chúng làm cho dầu mỡ, thực phẩm không bị bám dính vào bề mặt, dễ dàng lau rửa, tiết kiệm thời gian, hạn chế lượng dầu mỡ khi chế biến thức ăn.
GS Khôi cho biết Teflon là một hợp chất khó hấp thu, kể cả khi đã đi vào cơ thể con người, chúng cũng tự đào thải ra. Do đó, người dân không cần lo lắng về khả năng Teflon tích tụ và gây bệnh trong cơ thể người.
Vị chuyên gia cho hay một số Teflon còn được sử dụng trong các máy móc công nghiệp khác. Những loại này không thích hợp dùng trong thực phẩm.
"Nhà sản xuất phải biết lựa chọn loại Teflon nào được phép sử dụng và an toàn cho người sử dụng. Để đảm bảo mua được nồi chảo chống dính an toàn, chất lượng, người tiêu dùng nên lưu ý chọn lựa các thương hiệu uy tín, có lịch sử lâu năm và có đầy đủ thông tin về nhãn hiệu, tránh bị nhập nhèm không rõ xuất xứ của lớp phủ chống dính", GS Khôi nói.
Ông cũng nhấn mạnh thế giới vẫn chưa có cảnh báo về việc nên ngừng sử dụng các loại chảo chống dính sử dụng hợp chất PTFE.
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng lớp chống dính phủ trên bề mặt nồi và chảo, giúp việc nấu nướng và vệ sinh dụng cụ dễ dàng hơn rất nhiều.
"Nếu những loại xoong nồi, chảo chống dính tốt, sản xuất theo đúng quy trình thì hầu như không ảnh hưởng gì cho sức khỏe, hoặc là rất ít, không đáng kể, người dân không cần phải quá lo lắng", PGS Thịnh nói.
Lưu ý khi dùng chảo chống dính
PGS Nguyễn Duy Thịnh phân tích nhiệt độ thông thường trong nấu nướng thức ăn hiện nay bằng chảo nằm dưới ngưỡng 260 độ C, không ảnh hưởng đến cấu trúc của Teflon.
Người dân tốt nhất nên chọn loại chảo tốt, có thương hiệu và xem xét việc thay chảo mới sau khi dùng 1-2 năm. Ảnh: Thekitchn. |
Tuy nhiên, làm nóng chảo chống dính trên 260 độ C có thể làm mất một số đặc tính không dính của chúng, có thể bắt đầu biến tính. Vì vậy, các gia đình cần chú ý đến nhiệt độ khi sử dụng chảo, tránh để cháy chảo hay nhiệt độ quá cao, có thể sinh ra các chất gây hại có sức khỏe.
Bên cạnh đó, khi nấu ăn, người dân hay sử dụng đồ dùng bằng kim loại như thìa, muỗng, vật liệu sắc nhọn, khiến bề mặt của chảo bị hỏng, bong lớp chống dính. Các gia đình cũng nên dùng dụng cụ nhà bếp bằng gỗ cho chảo chống dính để thời gian sử dụng chảo lâu bền hơn.
Khi nấu xong, hãy để chảo nguội mới rửa và vệ sinh bằng xốp mềm, không chà xát mạnh. Mọi người cũng nên chọn loại chảo tốt, có thương hiệu và xem xét việc thay chảo mới sau khi dùng 1-2 năm.
"Chảo chống dính đã bị bong tróc lớp chống dính nhưng người dân vẫn muốn sử dụng để xào nấu thì nên rửa sạch hoàn toàn lớp chống dính bên dưới chảo. Bạn có thể dùng một loại chất tẩy rửa kết hợp dụng cụ như miếng cọ sắt, đánh cho lòng chảo sạch, không còn lớp chống dính, đảm bảo chúng không bị lẫn vào thức ăn", PGS Thịnh cho hay.
Để con được ốm
Cuốn sách Để con được ốm giúp các bậc phụ huynh trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học. Trong sách, tác giả chỉ ra những lầm tưởng của cha mẹ khi chăm sóc con. Đó có thể là những vấn đề phổ biến, trở thành thói quen thường nhật, song thực ra là lầm tưởng tai hại với các hiện tượng sức khỏe của trẻ như: Táo bón, tắm nắng, dùng kháng sinh, chảy mũi xanh…
Những vấn đề bệnh tật cụ thể trẻ thường gặp như ho, sốt, cảm lạnh… được nêu trong sách. Với mỗi bệnh thường gặp đó, sách phân tích nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị khoa học.