Một bệnh nhi nghi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhằm chủ động trong công tác điều trị, phát hiện sớm và dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, hạn chế sự bùng phát thành dịch bệnh, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề nghị tăng cường công tác điều trị, dự phòng bệnh sởi đến các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ quan y tế trên địa bàn.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động tại các khoa, đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm, dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo kịp thời tiếp nhận điều trị người bệnh theo phân tuyến; rà soát, củng cố quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú.
Sở yêu cầu các cơ sở y tế tuân thủ thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế và các tài liệu, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế; đồng thời tổ chức tập huấn lại cho tất cả nhân viên y tế tại đơn vị.
Các cơ sở cũng cần đảm bảo công tác khám và chẩn đoán bệnh sởi kịp thời, đánh giá đúng tình trạng bệnh để phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi sởi hoặc mắc sởi, đồng thời chỉ định nhập viện bệnh sởi theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Đối với các trường hợp người bệnh sởi trở nặng, nguy kịch, các đơn vị chủ động hội chẩn với Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của TP.HCM để được hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn hoặc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến cuối để tiếp tục điều trị.
Ngoài ra, trước khi chuyển viện, đơn vị phải thực hiện hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận người bệnh và đảm bảo chuyển viện an toàn.
Các cơ sở y tế cũng cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thực hiện điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm tất cả các trường hợp sốt phát ban dạng sởi để xét nghiệm chẩn đoán xác định nguyên nhân và báo cáo đầy đủ trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm; đồng thời báo cáo nhanh về Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế những trường hợp bệnh nặng hoặc khi có bất thường.
Bên cạnh đó, mọi người tại cơ sở cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh sởi tại đơn vị, tuân thủ các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh sởi.
Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cần chủ động chuẩn bị các nguồn lực (thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế, giường bệnh,…) sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp bệnh sởi nặng từ các cơ sở y tế trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành khác chuyển đến.
Sở giao các bệnh viện phối hợp với Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của TP.HCM tăng cường công tác hội chẩn, tư vấn và hỗ trợ chuyên môn đối với các bệnh viện tuyến dưới và các bệnh viện theo hệ thống chỉ đạo tuyến.
Các bệnh viện cũng cần tiếp tục duy trì hoạt động giao ban chuyên môn định kỳ với các bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh sởi và các bệnh lý truyền nhiễm khác đang lưu hành.
Đối với HCDC, Sở yêu cầu cơ quan tăng cường công tác truyền thông về bệnh sởi, khuyến khích người dân tiêm vaccine phòng bệnh; đồng thời khuyến cáo phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để kịp thời thăm khám tại các cơ sở y tế.
HCDC cần thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi để phát hiện sớm các trường hợp mắc. Là đầu mối, HCDC cần phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên thành phố triển khai thực hiện hoạt động điều tra và giám sát trường hợp mắc sởi và nghi sởi.
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai nội dung công văn này đến các phòng khám đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn quản lý; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các đơn vị theo thẩm quyền.
Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 16 ca mắc sởi. Số ca mắc tăng nhanh từ cuối tháng 5, chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.
Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong năm 2022, nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây từ người sang người qua đường hô hấp. Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và mắt kèm, nổi ban đặc trưng. Nếu chưa được tiêm phòng, sởi rất dễ gây ra biến chưng cho trẻ như viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm não, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.