Sản phẩm trà thảo mộc giảm cân Golean Detox có chứa hai chất cấm, nguy hiểm cho sức khỏe là Sibutramine và Phenolphthalein. Đây là những thông tin được đưa ra dựa trên kết quả phân tích của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Đồng thời, Cục này đã ra thông báo khuyên người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm trà thảo mộc giảm cân Golean Detox.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ Sibutramine từng được sử dụng là chất giảm béo với cơ chế đơn giản. Hợp chất này khi vào cơ thể sẽ gây ức chế trung tâm thần kinh để mất cảm giác đói, vì thế người sử dụng không muốn ăn, dẫn tới thiếu chất dinh dưỡng nên gầy đi. Sibutramine tham gia quá trình chuyển hóa chất béo để chuyển hóa năng lượng.
Tuy nhiên, chất này tác động vào hệ thần kinh trung ương nên cũng có tác động ngược lại, làm tê liệt hệ thống thần kinh trung ương ở khu vực dẫn tới phản tác dụng. Điều đó có thể khiến người sử dụng bị hoang tưởng, bị bệnh tâm thần, tim mạch, cao huyết áp…
“Giảm béo là nhu cầu thiết thực của con người nhưng giảm béo bằng cách nào lại là vấn đề. Chúng ta cần có chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp để giảm cân khoa học mà không phải nhịn ăn hay sử dụng thuốc cũng như thực phẩm chức năng. Bởi lẽ, khi uống thuốc, chúng ta không cần nghĩ đến ăn vì không có cảm giác đói, cơ thể thiếu năng lượng, nếu vận động sẽ bị kiệt quệ nên không có tác dụng tốt. Đây là dạng quảng cáo đánh vào tâm lý chị em phụ nữ muốn giảm béo nhanh. Bởi mọi chất có tác động vào hệ thần kinh phải hết sức thận trọng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.
Về Phenolphthalein, chuyên gia này cho hay, bản thân là hóa chất chỉ thị màu, định phân axit, kiềm. Nhưng trong ngành dược Phenolphthalein được dùng bổ sung vào sản phẩm cũng có tác dụng giảm béo, phân giải chất béo. Tuy vậy, các nghiên cứu đều cho thấy sự độc hại của Phenolphthalein, nên cơ quan chức năng đã sớm có lệnh cấm sử dụng.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh còn chỉ ra thực tế trên thị trường quảng cáo các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe có rất nhiều sản phẩm lợi dụng hai từ “thảo dược”.
“Không phải tất cả thảo dược đều tốt, không phải thảo dược là không độc. Lá ngón, cà độc dược, mã tiền… là thảo dược nhưng độc. Và giữa không rủi ro và rủi ro rất gần nhau. Vì thế, người sản xuất, người bán sản phẩm cho người tiêu dùng không nên lạm dụng từ thảo dược để mập mờ cho sản phẩm của mình", ông khẳng định.
Trước đó, thông tin của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, ngày 23/10/2018, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (The Health Sciences Authority - Has) thông báo thu giữ một số sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine được bán trực tuyến tại Singapore.