Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chất lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH chỉ ở mức trung bình

Theo kết luận một cuộc khảo sát 150 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, mức độ đáp ứng công việc của sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay chỉ ở mức trung bình. Thậm chí nhiều tiêu chí còn ở mức dưới chuẩn.

Sáng 22/10, tại hội thảo Đào tạo nhân lực trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này đã được đưa ra thảo luận.

Trong đó, tham luận về việc đánh giá mức độ đáp ứng với công việc của sinh viên tốt nghiệp đại học qua ý kiến của người sử dụng lao động của Thạc sĩ Ngô Thị Thanh Tùng (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động. Đó là, sinh viên tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam chỉ đáp ứng một nửa yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Hiện nay tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm và hầu hết phải đào tạo lại đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Thời gian gần đây, ý kiến của người sử dụng lao động cũng đã được các trường đại học và các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục quan tâm, đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các trường đại học của Việt Nam chưa có những tiêu chí chung  để đánh giá năng lực của người tốt nghiệp đại học cần đạt được.

Ví dụ: ĐH Kinh tế Quốc dân trong cuộc khảo sát thực hiện năm 2005 đã đề cập đến những tiêu chí sau của người sinh viên tốt nghiệp gồm kiến thức cơ bản về chuyên môn, khả năng ra quyết định, thích nghi, làm việc dộc lập, làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, vi tính, giao tiếp và kỹ thuật lao động.

Còn ĐH Bách khoa TP.HCM cụ thể hóa năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp thành 16 tiêu chí. Tuy nhiên các tiêu chí này được sử dụng trong cuộc điều tra quy mô nhỏ về cựu sinh viên chứ không phải tiêu chí chính thức mà sinh viên của trường cần phải đạt.

Sau khi nghiên cứu, Thạc sĩ Ngô Thị Thanh Tùng đã đưa ra 16 tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng của các sinh viên tốt nghiệp đại học.

Dựa trên kết quả khảo sát 16 tiêu chí này tại 150 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nghiên cứu này chỉ ra rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đạt 8 tiêu chí ở mức trung bình. Đó là các tiêu chí như khả năng giải quyết vấn đề, nhiệm vụ chuyên môn, khả năng tổ chức và thực hiện công việc, khả năng tìm kiếm và sử dụng thông tin.

Đây là những phẩm chất được chủ doanh nghiệp coi là đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức độ đáp ứng với các yêu cầu công việc của người lao động.

Tuy nhiên, nhiều tiêu chí liên quan đến mức độ thành công và thăng tiến trong công việc như khả năng làm việc đông lập, sử dụng ngoại ngữ trong công việc,… thì người lao động chỉ đạt ở mức dưới trung bình.

Ngoài ra, trong các cuộc phỏng vấn và thảo luân, các chủ doanh nghiệp chia sẻ rất nhiều tiêu chí như sự hiểu biết về môi trường hoạt động của doanh nghiệp, khả năng chịu áp lực cao trong công việc… rất quan trọng để người lao động góp phần vào thành công của cá nhân cũng như sự phát triển của doanh nghiệp lại chưa đáp ứng được.

Đặc biệt theo đánh giá của một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, khả năng giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp đại học đang dưới mức trung bình.

Trước thực tế này, Thạc sĩ Ngô Thị Thanh Tùng cho rằng cần có những cuộc khảo sát đánh giá mức độ đáp ứng với công việc của sinh viên tốt nghiệp đại học qua ý kiến người sử dụng lao động, nhằm cung cấp thông tin cho các rường đại học, các nhà quản lý giáo dục.

Kết quả đánh giá này chính là cơ sở vững chắc để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm