Hàng trăm sinh viên UBC đã ra khỏi lớp học vào chiều 28/10. Ảnh: CBC. |
Cuộc biểu tình diễn ra sau hàng loạt chỉ trích từ sinh viên, cho rằng trường đại học cắt giảm tài trợ cho các chương trình an ninh lương thực và sinh viên đang phải vật lộn để đối phó với chi phí thực phẩm ngày càng tăng.
Nguồn tài trợ giảm 83%
Tại sự kiện do Hợp tác xã thực phẩm UBC Sprouts tổ chức, các sinh viên có mặt chỉ ra Đại học British Columbia (UBC) có tài sản hơn 2,8 tỷ USD nhưng một số sinh viên phải chật vật để sống.
“Tôi biết có những người chi tới 800 CAD (tương tự 600 USD) một tháng cho thực phẩm. Nhưng tôi đã không mua thức ăn trong khuôn viên trường chỉ vì nó quá đắt”, sinh viên Nick van Gruen cho biết.
Báo cáo của Hiệp hội Alma Mater (AMS) cho biết số lượng sinh viên đến AMS Food Bank (Ngân hàng thực phẩm - PV) tăng gần 500% so với mức trước đại dịch. Nguyên nhân là chi phí leo thang ảnh hưởng nặng nề đến đối tượng này.
Trong khi đó, UBC Sprouts thông báo nguồn tài trợ của trường đại học cho các chương trình an ninh lương thực đã giảm 83% trong năm học hiện tại so với năm 2021-2022.
Bà Gizel Gedik, đồng Chủ tịch UBC Sprouts, cho biết bà muốn trường đại học cơ cấu lại cách thức đưa ra các quyết định tài trợ.
“Việc tài trợ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của lãnh đạo UBC và sự đồng thuận được trả tiền, thay vì lợi ích các thành viên cộng đồng và sinh viên. Vì vậy, UBC Sprouts đang yêu cầu học sinh và nhân viên nói chung tham gia công tác an ninh lương thực”, bà Gedik trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Đồng Chủ tịch UBC Sprouts nói cuộc biểu tình ngày 28/10 và một bức thư ngỏ mà họ đã gửi trước đó là phương sách cuối cùng của sinh viên, buộc trường đại học tăng cường tài trợ cho các chương trình an ninh lương thực.
UBC phải đối mặt với chỉ trích khi gửi email yêu cầu các cựu sinh viên quyên góp. Ảnh: usnews. |
UBC lên tiếng
Tháng 9/2022, UBC phải đối mặt với chỉ trích khi gửi email yêu cầu các cựu sinh viên quyên góp 10 USD/người để giúp đỡ những sinh viên bị mất an ninh lương thực.
“Là một phần của gia đình cựu sinh viên UBC, bạn có thể cân nhắc một món quà trị giá 10 USD cho chương trình Chia sẻ bữa ăn của UBC chứ? Món quà của bạn sẽ mua một bữa sáng cho sinh viên và cho họ thấy rằng họ là một phần của cộng đồng”, trích lời kêu gọi của Ainsley Carry, phó chủ tịch Hội sinh viên UBC.
Email lưu ý hơn 35% sinh viên tại cơ sở Point Grey và 40% tại UBC Okanagan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Ông Eshana Bhangu, chủ tịch AMS, cho biết rất nhiều sinh viên buộc phải làm 2-3 công việc bán thời gian. Tình trạng mất an ninh lương thực không giảm, vì vậy, khi nhà trường chỉ tăng tài trợ một năm, vào năm sau, nó sẽ trở lại như trước đây.
Trong khi đó, ông Andrew Parr, Phó chủ tịch UBC về nhà ở cho sinh viên, cho biết nhà trường đang tăng tài trợ cho các chương trình an ninh lương thực của mình thêm 500.000 USD trong năm nay.
15% khoản tài trợ sẽ dành cho sinh viên tại UBC Okanagan và 85% sẽ dành cho sinh viên tại UBC Vancouver. AMS Food Bank sẽ được nhận 145.000 USD và 30.000 USD dành cho UBC Sprouts.
Chương trình Chia sẻ bữa ăn cũng sẽ nhận được thêm 210.000 USD. Trước đây, khoản tiền duy nhất của trường đại học đến AMS Food Bank là khoản đóng góp 25.000 USD từ Văn phòng Tổng thống.
Ông Parr phản bác những lời chỉ trích rằng tài trợ bị cắt giảm cho các chương trình an ninh lương thực. Ông khẳng định ngân sách đã được tăng lên bởi nguồn tài trợ cho đại dịch và nguồn tài trợ đó quay trở lại mức trước đại dịch thay vì bị cắt giảm.
“Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn vốn dài hạn để cung cấp hỗ trợ liên tục, ổn định cho các nhu cầu liên quan đến an ninh lương thực”, ông Parr nói.
Tuy nhiên, bà Gizel Gedik cho rằng nguồn tài trợ không bền vững và sẽ không kéo dài quá năm.
"Chúng tôi tin rằng số tiền này là tiền tài trợ một lần và không đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi”, bà Gedik nói sau cuộc biểu tình.
Mục Giáo dục gửi tới độc giả gợi ý những tác phẩm hay về tuổi trẻ, học đường. Đó có thể là lựa chọn phù hợp cho người yêu sách, thích khám phá cuộc sống học sinh, sinh viên xưa và nay.