Đối với giới siêu giàu sống ở một số thành phố đắt đỏ nhất thế giới như Thượng Hải và Hong Kong, giá các mặt hàng xa xỉ tăng vọt trong năm qua ảnh hưởng đến sức mua khổng lồ của họ.
Mặt khác, với những người có tiền sống ở London và New York, chi phí cho túi xách, giày dép, quần áo và đồng hồ hàng hiệu tăng cao thậm chí không theo kịp tỷ lệ lạm phát chung của quốc gia họ, theo Bloomberg.
Sự khác biệt về tăng trưởng giá cả, chính sách tiền tệ xuất hiện trong báo cáo phong cách sống và giàu có toàn cầu năm 2022 của Julius Baer Group Ltd. Trong đó, các thành phố đắt đỏ nhất thế giới được xếp hạng bằng cách phân tích chi phí bất động sản nhà ở, ôtô, vé máy bay và một số yếu tố khác.
Thượng Hải một lần nữa đứng đầu danh sách, trong khi London chiếm vị trí thứ 2 từ Tokyo - nơi xuống hạng nhiều nhất so với bất kỳ thành phố nào khác và hiện xếp thứ 8. New York đứng thứ 11 - giảm một bậc so với cuộc khảo sát năm ngoái.
Du khách ngồi bên ngoài các cửa hàng sang trọng trên đường Orchard ở Singapore. Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg. |
Các phát hiện trên nhấn mạnh rằng người giàu không đứng ngoài lạm phát. Tỷ lệ này lên tới 8,6% ở Mỹ và 9% tại Anh, ngay cả khi họ dễ dàng chống chọi hơn so với nhóm có ít tài sản hơn.
Hơn nữa, các cá nhân giàu có cũng có khả năng sở hữu cổ phiếu một cách không cân xứng. Điều này giảm xuống khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để giải quyết sự tăng trưởng giá cả.
Chỉ riêng 500 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 1,4 nghìn tỷ USD trong tài sản tích lũy của họ trong năm nay, theo Bloomberg Billionaires Index.
“Tình hình tài chính của nhiều cá nhân có giá trị tài sản ròng cao thực sự được cải thiện trong năm ngoái. Tuy nhiên, sự gia tăng đồng thời của hàng hóa và dịch vụ tạo nên chỉ số lối sống hay ‘ảo tưởng tiền bạc’ của những năm trước vẫn còn tồn tại”, theo báo cáo của Julius Baer.
Tuy nhiên, công ty khẳng định cuộc khảo sát của họ cho thấy bức tranh khá lạc quan hậu đại dịch. Những người giàu có đang chi tiêu bình thường trở lại.
Chi phí của các mặt hàng công nghệ như máy tính xách tay, smartphone trên toàn cầu tăng mạnh nhất (41%), được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch sang làm việc tại nhà và tình trạng thiếu chip toàn cầu. Việc thuê luật sư trở nên đắt hơn 33%, trong khi giá xe đạp tăng 30%. Mặt khác, giá rượu giảm 26% - nhiều hơn bất kỳ mặt hàng nào khác.
Báo cáo phân tích giá của 20 hàng hóa và dịch vụ mà các cá nhân có tài sản hộ gia đình từ 1 triệu USD trở lên thường mua sắm ở 24 thành phố trên khắp các khu vực. Dữ liệu được thu thập trong 2 vòng từ tháng 11 đến tháng 4. Moscow đã bị loại khỏi danh sách.