Toàn bộ gen virus corona đã được Viện Pasteur Paris (Pháp) phân lập thành công, theo Eurekalert. Theo đó, nghiên cứu này được dựa trên các mẫu từ các ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Pháp. Kết quả nuôi cấy giúp các nhà khoa học dễ dàng xâm nhập vào virus, từ đó mở đường cho các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.
Ngay từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên với 2019-nCoV, ngày 24/1, Viện Pasteur đã lấy mẫu thử và bắt đầu nuôi cấy chủng corona trên các tế bào Vero E6. Sylvie Behillil, Phó giám đốc Trung tâm tham chiếu quốc gia (CNR) tại Viện nghiên cứu Pasteur cho biết: "Chúng tôi quan sát thấy tải lượng virus cao trong các mẫu lấy từ bệnh nhân ở Paris. Điều này cho phép chúng tôi có nguồn mẫu để nuôi cấy ngay lập tức”.
Lớp tế bào bị virus làm hỏng qua nghiên cứu của Viện Pasteur. Ảnh: Fr24news. |
Trong hai ngày 25-26/1, chủng virus tiếp tục được nuôi cấy và theo dõi. Đến 27/1, các nhà khoa học đã phân lập thành công. "Chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ thành công nhanh như vậy”, ông Sylvie Behillil nói. Sự phát triển nhanh chóng của quá trình nuôi cấy có thể được giải thích bằng "tải lượng virus cao trong các mẫu", cùng với "chất lượng của các mẫu", Vincent Enouf, Phó giám đốc CNR nói thêm.
Đây là thành quả đầu tiên của châu Âu trong quá trình nghiên cứu virus corona, và là một bước tiến trong nghiên cứu vắc xin và lập phác đồ điều trị. Với chủng corona vừa nuôi cấy thành công, các nhà khoa học sẽ ứng dụng để phát triển huyết thanh học, phác đồ điều trị, vắc xin phòng ngừa và nghiên cứu sinh bệnh học siêu vi.
Trước đó, nhóm nghiên cứu tại Australia đã tái tạo thành công virus corona gây ra dịch viêm phổi đang hoành hành, tạo ra bước đột phá trong cuộc chạy đua chế tạo vắc xin.