Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé 2 tuổi rách đầu, lộ xương sọ vì bị chó nhà tấn công

Cháu bé 2 tuổi nhập viện với nhiều vết rách chằng chéo ở vùng hàm mặt do chó nhà tấn công. Đặc biệt, vết thương trên đầu dài đến 15 cm khiến cháu bé bị chảy máu nhiều.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhi 2 tuổi, ở Hà Nội, bị chó của người thân tấn công. Cháu bé nhập viện với nhiều vết rách chằng chéo ở vùng hàm mặt (mi dưới bên trái, gò má, môi). Đặc biệt, vết thương nghiêm trọng trên đầu dài đến 15 cm làm lộ xương sọ khiến cháu bé bị chảy máu nhiều.

Chau be bi cho tan cong anh 1
Vết rách 15 cm trên đầu cháu bé do bị chó tấn công. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh Pôn, thành viên ê-kíp phẫu thuật, chia sẻ: “Với tình trạng của cháu bé, nếu không kịp thời phẫu thuật, các vết thương rất dễ bị nhiễm trùng nặng và diễn biến khó lường khiến thời gian nằm viện kéo dài, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ".

Ê-kíp phẫu thuật đã nhanh chóng vệ sinh sạch sẽ, cắt lọc và khâu đính lại các vạt da cho bé. Sau 4 ngày điều trị, vết thương của cháu bé đã khô, sức khỏe ổn định và được ra viện.

Cách xử trí khi bị chó cắn

Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa khuyến cáo khi không may bị chó cắn, nên bình tĩnh sơ cứu theo hướng dẫn dưới đây:

- Làm sạch vết thương: Điều quan trọng hàng đầu là làm sạch vết thương do chó cắn. Vết thương phải được rửa dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương. Rửa nhẹ nhàng không nên chà xát mạnh.

- Dùng thuốc sát trùng: Để làm sạch vết chó cắn, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước oxy già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Chỉ đổ một lượng nhỏ lên vết cắn và thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc vì sẽ rất xót.

- Nâng cao vùng bị thương: Nếu bị chó cắn vào chân hay cánh tay, cần giơ cao vùng bị thương của người bị nạn lên. Việc này rất quan trọng vì khi bị chó cắn, bạn có thể bị chảy máu nhiều và cách làm này sẽ giúp cầm máu.

- Băng bó vết thương: Sau khi rửa sạch vết thương, bạn nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó lại vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên băng quá chặt vì sẽ khiến máu khó lưu thông.

Bác sĩ Nghĩa cũng khuyên khi bị chó cắn, bạn cần đến ngay cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm phòng dại và hướng dẫn cách xử trí với vật nuôi.

Ngoài những miếng rách làm mất tính thẩm mỹ và các tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe, nạn nhân còn có thể mắc dại lây từ vật nuôi sang người qua vết cắn. Đây là nguyên nhân khiến nạn nhân lên cơn dại, thậm chí tử vong nếu không được xử trí cấp cứu đúng cách và kịp thời.

Bạn cần làm gì khi bị chó tấn công? Khi bị chó cắn, điều bạn cần làm ngay lập tức là rửa sạch vết thương với xà phòng và nước, lau vết thương bằng cồn để tránh bị nhiễm trùng.

Bé trai 20 tháng tuổi gãy xương mũi, rách mặt vì bị chó nhà cắn

Khi đang chơi một mình trong bếp, bé B. bất ngờ bị chó nhà tấn công vào vùng đầu mặt.


Phương Mai

Bạn có thể quan tâm