Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cháu bé bị lột da, nhiễm trùng máu do tự ý chữa bỏng

Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn vừa cứu sống bệnh nhi Nguyễn Thúy V. (2 tuổi, Mê Linh, Hà Nội) bị biến chứng sau khi đắp thuốc nam chữa bỏng tại một bà lang gần nhà.

Chị Dung mẹ bé V. kể, cháu mở vung nồi canh mẹ vừa nấu xong, nước ở vung rớt xuống một vùng đùi. Vốn nghe tiếng bà lang cùng xóm chữa bỏng tốt, chị Dung liền mang con sang chữa. Bà lang cho thuốc mỡ để bôi và thuốc lá để đắp. Chỉ hai hôm sau, toàn thân con rộp lên, mưng nước. Lúc này chị Dung mới tá hỏa đưa con xuống bệnh viện Xanh Pôn khám.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Thống - trưởng khoa Bỏng - cho biết bé V. đến viện ngày thứ 6, 29/1 trong tình trạng rất nặng - toàn thân phồng rộp, có nước màu trắng bên trong. Ban đầu chỉ trợt ra ở quanh gối chân, sau lan sang đùi, bụng, ngực và toàn thân bị lột da… khiến trẻ đau đớn, tri giác lơ mơ.

“Qua điều tra tiền sử bệnh án, chúng tôi nghi ngờ khả năng trẻ bị dị ứng thuốc đông y. Rất có thể trong thuốc đông y mà gia đình đã chữa của bà lang có trộn thuốc tây y Paracetamol, cocticoit – hai loại thuốc giảm đau, giảm sốt mà nhiều thầy lang hay sử dụng”, ông Thống nhấn mạnh.

Ngay lập tức, bé V. được điều trị loại bỏ thuốc đông y, bù nước điện giải, tiêm thuốc kháng sinh chống viêm, tiêm thuốc bổ trợ sức đồng thời thay băng 2 lần/ngày để bôi thuốc chống nhiễm trùng. “ Rất may trẻ đến viện kịp thời, hiện qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải theo dõi thêm”, thạc sĩ Thống nói.

Không phủ nhận vai trò của đông y trong điều trị bỏng, tuy nhiên thạc sĩ Thống cho rằng, chữa bỏng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: diện tích, độ sâu, độ tuổi mắc cũng như hoàn cảnh gây bỏng.

Trên thực tế, có những tổn thương không bao giờ để lại sẹo, cũng có những tổn thương không cần thuốc cũng tự khỏi, nhiều thầy lang do không có kiến thức chữa bỏng cơ bản hầu hết chữa theo kinh nghiệm dân gian nên cứ ngỡ mình giỏi… Và họ đem bài thuốc “gia truyền” áp dụng cho tất cả các loại bỏng.

Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn có thói quen “bỏng nặng thì mới đến cơ sở y tế, còn bỏng nhẹ thì nên tìm tới “lang vườn”, “lang băm” điều trị cho tiện. Theo bác sĩ Thống, đây là việc làm hết sức nguy hại, bởi khi điều trị, tuy có thể thấy được diện tích của vết bỏng bằng mắt thường, song các “lang vườn” không được đào tạo cơ bản về chuyên khoa y tế, nên khó có thể nhận biết hết độ nông sâu, mức độ thương tổn của vết bỏng cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để mà điều trị.

Chưa kể, việc sử dụng thuốc đông y bôi, đắp lên các vết bỏng sẽ tạo lớp màng cứng mà nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của sự lành vết bỏng, thế nhưng, điều đó hoàn toàn sai lầm.

Bởi vì, sau khi màng cứng này hình thành, nó khiến tổ chức dưới da không được xử lý kịp thời dẫn đến hoại tử, mưng mủ không thoát ra được bên ngoài càng làm vết thương thêm trầm trọng.

Tại khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh pôn đã phải điều trị cho rất nhiều trường hợp biến chứng vết bỏng do trước đó tìm đến “lang vườn” điều trị bằng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Trong số này, có không ít trường hợp đã bị hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng, nhiễm trùng máu, viêm cầu thận cấp thậm chí… tử vong.

Để ngăn ngừa tình trạng này, ông Thống khuyến cáo người dân không nên chữa bỏng ở những thầy lang không có chứng chỉ hành nghề. Tránh để lại những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tốt nhất là hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện có chuyên khoa bỏng để được cấp cứu và xử lý kịp thời.

Được biết, hơn một tháng trở lại đây lượng bệnh nhân đến khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn tăng đột biến. Trong số này 2/3 là trẻ nhỏ. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2014, có 47 bệnh nhân nhi từ 1-6 tuổi điều trị ngoại trú, hiện tại khoa cũng đang phải điều trị nội trú cho 35 bệnh nhi trên tổng số 50 bệnh nhân.

http://infonet.vn/thuong-tam-chau-be-bi-lot-da-nhiem-trung-mau-do-tu-y-chua-bong-post157501.info

Theo Ngô Châu Anh/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm