Đứa cháu ngỗ ngược
Nguyễn Trọng Khương (SN 1988, ngụ xã Thành Đông, H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) từng là sinh viên trường trung cấp quân y II TP.HCM. Năm 2012, anh ta tốt nghiệp, sau nhiều lần xin việc nhưng không nơi nào nhận thì chán nản, làm bạn với rượu bia.
Trưa ngày 15/7/2012, Khương lại tụ tập với mấy người trong xóm uống rượu. Sau khi nhậu xỉn, gã trai ra đường đón xe xuống chợ Vũng Liêm chơi thì thấy chị Nguyễn Hồng Oanh (vợ của người chú họ, Khương gọi bằng thím) chạy xe máy ngang qua. Khương chặn lại và xin quá giang.
Khương lãnh 18 năm tù vì đánh chú tàn nhẫn. |
Trên đường đi thì đứa cháu ngỗ ngược dùng tay “đi du lịch” khắp cơ thể người thím. Trước hành vi bất lịch sự đó, khi đi qua ngõ nhà mình thì chị Oanh đuổi Khương xuống không cho đi nhờ nữa. Thế nhưng đứa cháu vẫn dùng lời lẽ đe dọa, ép thím phải chở mình xuống chợ Vũng Liêm, bằng không sẽ bóp cổ.
Sau đó gã trai chồm người lên phía trước vòng tay vào cổ chị Oanh khiến 2 người té xuống đường. Thấy vậy, chồng chị Oanh là Trần Trung Chánh (SN 1969) từ trong nhà chạy ra đỡ vợ dậy và cằn nhằn “nó say rượu thì cho quá giang làm gì”.
Khi trở về nhà, Khương nói với anh trai là Nguyễn Công Thiện rằng mình bị chú đánh đập chảy máu đầu. Nghe em nói vậy, anh Thiện cùng mẹ là Trần Ngọc Yến đưa Khương quay trở lại nhà chú hỏi cho rõ ngọn ngành.
Trong lúc mọi người đang nói chuyện thì Khương lấy một khúc gỗ rồi bất ngờ đánh mạnh vào đầu khiến người chú gục xuống. Được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên nạn nhân may mắn thoát chết, nhưng để lại di chứng nặng nề: vỡ sọ, dập não, tỷ lệ thương tật đến 45%.
Tại phiên xử sơ thẩm diễn ra vào đầu tháng 8, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt Khương 16 năm tù về tội giết người. Không đồng ý với mức án trên, Khương làm đơn kháng cáo. Gia đình bị hại cũng làm đơn xin tăng nặng hình phạt và truy xét trách nhiệm hình sự của 2 người anh bị cáo vì những người này có tham gia vào cuộc ẩu đả.
Vay "nóng" chữa trị cho chồng
Ngày 23/10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử. Đứng trước vành móng ngựa, Khương cúi đầu lí nhí thừa nhận mọi tội lỗi. Anh ta cho rằng hôm đó do uống quá chén nên không làm chủ được bản thân chứ trong thâm tâm không hề có ý định đánh nạn nhân. Khi được nói lời sau cùng, Khương xin lỗi gia đình chú và mong pháp luật khoan hồng xem xét cho mình mức án nhẹ.
Nhưng những lời của Khương đã bị HĐXX bác bỏ, hành vi của bị cáo là vô cùng dã man, côn đồ, chỉ vì say rượu mà đã nhẫn tâm đánh chú của mình lâm vào tình trạng chết dở sống dở. Vì thế, Tòa Phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của bị cáo và chấp nhận một phần đơn kháng cáo của người bị hại, tăng án Khương lên 18 năm tù.
Anh Chánh với cái đầu móp méo vì hộp sọ bị vỡ... |
Ngồi thẫn thờ dưới hàng ghế dành cho người bị hại, chị Oanh buồn bã. Trước đây, anh Chánh mở một xưởng mộc nhỏ, còn chị ở nhà chăm cho 3 đứa con ăn học. Gia đình 5 miệng ăn nhờ vào xưởng mộc. Tuy còn nhiều vất vả nhưng gia đình luôn hạnh phúc. Cuộc sống yên bình tưởng cứ thế trôi qua thì tai họa bỗng dưng ập xuống.
Ngày chồng vào viện, 2 bên nội ngoại thương tình cho chị vay hơn 100 triệu đồng để lo viện phí, nhưng chỉ được một tuần thì hết sạch. Nhìn cảnh chồng đau đớn trên giường bệnh với cái đầu móp méo, người vợ đành cắn răng đi vay "nóng" với mức lãi suất rất cao để chữa khỏi bệnh cho chồng.
Chị vui mừng khôn xiết khi ca mổ thay hộp sọ nhân tạo cho chồng đã thành công. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu, ít ngày sau, bác sỹ thông báo “anh Chánh bị di chứng tâm thần không thể chữa khỏi được”.
... Và phải thay bằng hộp sọ nhân tạo để duy trì sự sống. |
Mất đi lao động chính trong nhà, chị Oanh cho đứa con gái đang học lớp 10 bỏ học đi để đi làm osin, đứa con trai út mới 9 tuổi cũng theo mẹ lang thang bán vé số kiếm tiền nuôi cha. Từ trụ cột trong gia đình, anh Chánh bỗng dưng trở thành người tàn phế, mọi việc ăn uống, vệ sinh đều do vợ con lo.
Ngày xảy ra vụ án, gia đình Khương cũng có đến đưa 25 triệu “bồi thường”. Nhưng số tiền này không thấm vào đâu so với gần 300 triệu mà người vợ đã đi vay về lo cho chồng. Tài sản trong nhà không còn gì quý giá, đứa con trai cả đã lập gia đình riêng nên cũng không giúp được gì nhiều. Số tiền mấy mẹ con làm lụng vất vả chỉ đủ để thuốc thang cho người cha tàn phế.
Anh Chánh vừa ra viện được ít ngày thì chủ nợ bắt đầu thúc ép trả tiền. Không có tiền trả nên cứ đến cuối tháng, chị Oanh lại đưa chồng con trốn đi nơi khác ở ít ngày tránh sự truy tìm của chủ nợ.