Cho đến vài năm trước, Nga vẫn là một thị trường quan trọng đối với những hãng xe muốn thúc đẩy mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, nền kinh tế đi xuống trong 2 năm qua đã khiến nhu cầu mua sắm xe hơi sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, mặc dù được đánh giá là thị trường ôtô lớn nhất thế giới nhưng các dự báo cho thấy trong tương lai, tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc cũng ngày càng chậm lại.
Ngược lại, Brazil được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định trong vòng 3 năm tới, nhưng nhiều khả năng, các công ty sẽ không “gặt hái’ được lợi nhuận cao tại đây. Bởi vậy, một số nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp ô tô sẽ không còn nhiều “đất” để mở rộng, ngoại trừ châu Phi.
Mike Whitfield, đại diện Nissan tại châu Phi, cho hay: “Châu Phi sẽ là biên giới cuối cùng của ngành công nghiệp xe hơi”. Một trong những bước đầu tiên được thực hiện bởi Nigerian khi chính phủ nước này đưa ra ưu đãi cho các hãng xe xây dựng nhà máy tại đây. Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 36 nhà sản xuất đã được cấp phép hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất châu lục. Volkswagen, Nissan và Ford đều đã tiến hành sản xuất cùng các đối tác địa phương. Hãng xe Ford dự báo đến năm 2020, ngành ô tô châu Phi sẽ tăng trưởng ít nhất 40%.
Các ước tính cho thấy ở châu Phi, cứ 1.000 người mới có 50 người sở hữu xe hơi, thấp hơn nhiều con số 800 người ở Mỹ. Cơ sở hạ tầng và chất lượng nhiêu liệu được cải thiện đã phần nào thúc đẩy nhu cầu mua sắm ôtô của người dân nhưng con số vẫn rất thấp. Hơn nữa, ngoại trừ khu vực Nam Phi, hầu hết các xe được tiêu thụ tại đây đều là xe nhập khẩu, nhiều trong số đó là xe cũ.
Bởi vậy, theo Anthony Black, một giáo sư kinh tế tại trường đại học Cape Town, để phát triển một ngành công nghiệp ôtô quy mô lớn, cần phải loại bỏ sự tràn lan của xe cũ trong khu vực, đồng thời xây dựng một mạng lưới sản xuất và cung cấp phụ tùng trong nước.