Trước Covid-19, Nguyễn Linh (31 tuổi) làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Hà Nội. Khi dịch ngày càng căng thẳng, anh cảm thấy áp lực với cuộc sống bộn bề ở thành phố.
Linh quyết định về quê ở huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) sống với bố mẹ. Được một thời gian, anh cảm thấy gò bó vì tuổi trẻ muốn tự lập, phát triển bản thân.
“Quê mình xung quanh toàn đồi núi nên phải làm gì đó để tận dụng thế mạnh này”, chàng trai nghĩ.
Sau lần về thăm ông ốm, Linh chợt nhận ra ông bà đã già và thiếu thốn đủ thứ khi sống ở bìa rừng.
“Bố mẹ mình nhiều lần muốn đón ông bà đi nhưng hai người nhất quyết không rời mái nhà đơn sơ với mảnh vườn, thửa ruộng. Mình xin đến đây sống phần để chăm sóc ông bà, phần mong muốn cải tạo nơi này trở nên đẹp hơn”, anh nói với Zing.
Tuy nhiên, gia đình và người thân phản đối, bạn bè cũng cho rằng Linh “điên rồ” khi từ bỏ công việc ổn định để về rừng.
Linh xin bố mẹ về sống với ông bà để chăm sóc hai người và phát triển trang trại. |
Thiếu thốn nhưng yên bình
Ngày dọn về sống cùng ông bà, Linh nhìn quanh thấy phong cảnh yên bình và thuận lợi cho ý tưởng làm trang trại của mình. Thế nhưng, anh hơi chùn bước vì nơi này cách xa khu dân cư, chưa có điện và nguồn nước sinh hoạt được lấy từ giếng lâu năm đục màu bùn đất.
“Khi thấy nụ cười của ông bà ngồi chờ đón mình trước sân, mình biết hai người đã sống cô quạnh quá lâu và cần mình. Có thể thời gian mình được ở bên hai người cũng không còn nhiều nữa. Mình có thể hối hận khi về rừng nhưng không nuối tiếc khi cùng ông bà cải tạo cuộc sống”, anh nói.
Trước tiên, Linh dẫn nước sạch từ suối về để thay thế nước giếng. Hàng ngày, anh phụ ông bà trồng rau, chăm vườn, cày cấy, nuôi thêm gà, vịt và làm việc nặng thay ông.
Hôm trước, Linh làm thêm hàng rào bằng nứa xung quanh ao sau khi cùng ông bà đi cày. Dù còn thiếu thốn nhiều thứ, Linh thấy cuộc sống yên bình.
Hàng ngày, Linh phụ ông bà làm việc và dần cải tạo môi trường sống. |
Không màu hồng
Với Linh, bỏ phố về quê có ưu điểm là được thoải mái, hòa mình với thiên nhiên, sống chậm lại để quan tâm người thân nhiều hơn và bù đắp những gì đã bỏ lỡ.
Tuy nhiên, khó khăn là phải học thêm nhiều kỹ năng sống và chấp nhận mọi thứ khác xa với kỳ vọng của mình.
“Cuộc sống không thể màu hồng như những bức ảnh bỏ phố về rừng mà mọi người xem trên mạng. Đó là mồ hôi, nước mắt, sự học hỏi, tập làm quen với cái nắng cháy da thay vì ngồi trong phòng điều hòa như trước”, anh nói.
Ban đầu, Linh có chút hối hận khi về rừng. Nhưng trông thấy đàn gà, vịt ngày một lớn, vườn rau phát triển, được hưởng thành quả do đôi tay tự tạo ra và nghe tiếng cười của ông bà, anh cảm thấy mọi mệt mỏi giảm đi rất nhiều.
“Mình chưa muốn quay lại thành phố vì dù ở đó điều kiện tốt hơn, cuộc sống lại đầy áp lực, gò bó. Rất may, mọi thứ trong ngôi nhà của ông bà mình vẫn còn nguyên giá trị đơn sơ, hoài cổ. Nơi này chưa có điện, vẫn dùng đèn dầu nên thỉnh thoảng mình về nhà bố mẹ để làm những công việc khác”, Linh nói.
Từ khi về rừng, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, Linh không muốn trở lại thành phố. |