Không muốn những ngày nhiều năng lượng nhất chỉ dành cho công việc, Hoàng Lê Giang quyết định gác lại công việc công sở sau 10 năm, bắt đầu hành trình khám phá những nóc nhà thế giới. Điều đó khiến anh trở thành người truyền cảm hứng cho khả năng chinh phục chính bản thân mình.
Travel blogger đi vì đam mê
- Tính đến nay, anh đã đặt chân đến bao nhiêu quốc gia?
- Tôi không quan trọng việc mình đã chinh phục bao nhiêu quốc gia. Có những quốc gia rộng lớn, chúng ta chỉ mới ghé thăm một vài điểm đến thì không thể tính là đi được một quốc gia. Thay vì đếm số nước, tôi chỉ quan tâm mình đã học được gì, trải nghiệm điều thú vị nào tại những nơi đó.
Hoàng Lê Giang chưa bao giờ quan trọng việc mình chinh phục bao nhiêu quốc gia. |
- Điều gì khiến anh quyết định xách ba lô lên và đi?
- Động lực của tôi đơn giản.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố sôi động nhất Việt Nam - TP.HCM, nhưng tôi lại không thích nhịp sống thành thị đông đúc và hối hả. Đến khi du học Thuỵ Điển, tôi nhận ra thế giới bên ngoài bao la và kỳ vĩ, có nhiều điều thú vị để khám phá. Điều đó thôi thúc bản thân phải đi và trải nghiệm.
Vậy nên, sau khoảng thời gian tích cóp, tôi lại đi thật xa như cách giải phóng bản thân mình. Tôi thích khám phá những vùng đất ít ai biết, rảo bước trong những ngôi làng không tên ở châu Âu, ngồi yên tĩnh trong những quán cà phê ven đường không bảng hiệu ở Na Uy hoặc thử thách bản thân ở những vùng đất khắc nghiệt như Mông Cổ, Nepal…
Hoàng Lê Giang xem travel blogger là đam mê để không đánh mất giá trị thật sự của mỗi chuyến đi. |
- Với anh, travel blogger là đam mê hay là nghề?
- Với tôi, travel blogger là đam mê bởi nếu xem đây là nghề, chúng ta sẽ bị phụ thuộc. Điều đó vô tình đánh mất giá trị thật sự của mỗi chuyến đi.
- Trong Covid-19, khi các chuyến đi gần như không còn, cuộc sống của anh thay đổi như thế nào?
- Như nhiều người khác, tôi tạm bỏ ba lô xuống, trở lại với những công việc thường ngày. Đây cũng là lúc tôi có nhiều thời gian lên kế hoạch cho những chuyến đi sắp tới.
- Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về định nghĩa “sống hết mình” trong quan điểm sống của bản thân “không sợ chết, chỉ sợ không sống hết mình”?
- Sống hết mình nghĩa là tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống, để khi về già, bản thân không cảm thấy nuối tiếc vì chưa từng nhiệt huyết trong những tháng ngày tuổi trẻ.
Trân trọng cuộc sống sau khi mắc kẹt tại Na Uy
- Chuyến đi nước ngoài gần đây nhất của anh là Na Uy vào đầu tháng 3 năm nay. Đó cũng chuyến đi khiến anh bị mắc kẹt lại nước ngoài vì Covid-19. Trong một bài chia sẻ, anh cho biết chính chuyến đi này làm anh thay đổi nhân sinh quan khá nhiều. Cụ thể điều đó là gì?
- Là con người, ai cũng muốn được thương yêu. Khi bị kẹt lại ở Na Uy, tôi nhận được rất nhiều lời hỏi thăm, động viên từ bạn bè xung quanh và thật sự trân trọng điều đó. Dù giữa đại dịch, tôi vẫn cảm nhận hạnh phúc vì mình không mắc bệnh, người thân và gia đình vẫn khoẻ mạnh. Nhiều điều giản đơn hàng ngày đó lại vô cùng ý nghĩa với tôi trong thời gian qua.
Vẻ đẹp Na Uy qua lăng kính của Hoàng Lê Giang. |
- Khi mắc kẹt lại ở nước ngoài, đâu là điều khiến anh lo lắng?
- Tôi lo lắng rất nhiều thứ, làm sao để trở về Việt Nam, người thân có khoẻ mạnh không, làm sao để duy trì cuộc sống đắt đỏ tại Na Uy…
Thế nhưng tôi nhận ra rằng, giữ sức khoẻ và tinh thần lạc quan là điều quan trọng nhất với bất kỳ ai rơi vào trường hợp như tôi. Có như vậy, chúng ta mới bình tĩnh giải quyết vấn đề và vượt qua được khó khăn mà trở về Việt Nam.
- Người từng trải qua khó khăn mới có thể đồng cảm sâu sắc với khó khăn của người khác. Đó có phải là lý do anh tham gia các hoạt động giúp đỡ người gặp khó khăn do Covid-19?
Hoàng Lê Giang cho biết vẫn cảm thấy bản thân may mắn khi có bạn bè cưu mang và quan tâm trong những ngày mắc kẹt tại Na Uy do Covid-19. |
- Bản thân cũng là người mất thu nhập và ảnh hưởng tài chính khá nhiều từ đợt dịch, nên tôi hiểu khó khăn đến từ gánh nặng kinh tế đáng sợ thế nào. Và khó khăn đó sẽ nhân lên gấp nhiều lần với những công nhân, gia đình khó khăn phải “chạy ăn” từng bữa. Vì vậy, tôi muốn làm gì đó giúp đỡ họ trong khả năng cho phép của mình.
- Một trong những hoạt động mang tinh thần chia sẻ với những người gặp khó khăn cho dịch bệnh là tham gia dự án “Lên cùng Việt Nam” do Sabeco tổ chức. Tại sao lại là một dự án chạy mà không phải một hoạt động quyên góp hiện kim trực tiếp?
- Với mọi người, “Lên cùng Việt Nam” có thể chỉ là chương trình chạy tiếp sức, nhưng với tôi, đó còn là cách lan toả tinh thần đoàn kết, nỗ lực vì một Việt Nam vững mạnh hơn sau dịch bệnh. Tôi, bạn và những người chạy khác đều là những mắt xích quan trọng trong hành trình nối dài cánh tay hỗ trợ người lao động nghèo trên cả nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Thế nhưng, dự án “Lên cùng Việt Nam” không đơn thuần là chương trình kêu gọi tham gia quyên góp cho người gặp khó khăn do Covid-19, mà còn là cách giúp mọi người tăng cường luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt trong thời điểm sức khoẻ là yếu tố được quan tâm hàng đầu như hiện nay.
Chưa kể, với những người không tham gia, chương trình chạy cũng là cách để mỗi người hiểu rằng xung quanh họ vẫn còn những trường hợp khó khăn hơn, từ đó biết trân trọng cuộc sống hiện tại hơn.
- Anh đặt mục tiêu quyên góp như thế nào cho dự án lần này?
- Mục tiêu của tôi là hỗ trợ quyên góp tiền cho chương trình chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam”. Hành trình chạy dự kiến là 10 km tại Ninh Bình.
Hiện tại, tôi in rất nhiều hình ảnh là những khoảnh khắc khắc đẹp nhất trong mỗi chuyến đi. Số ảnh này sẽ được gửi tặng những người ủng hộ từ 500.000 đồng cho tôi trong chương trình chạy. Đây không chỉ là kỷ niệm mà còn là lời cảm ơn gửi đến mọi người vì cùng tôi chung tay giúp đỡ những người khó khăn.
Hoàng Lê Giang đặt mục tiêu quyên góp ít nhất 10 triệu đồng cho chương trình chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam”. |
Sau khi hoàn thành mục tiêu 10 triệu đồng, cứ mỗi 500.000 đồng tiếp theo, tôi tự đeo thêm một tạ 1 kg trong hành trình chinh phục 10 km đã đặt ra trước đó. Tôi chọn đeo tạ như cách cụ thể hoá những gánh nặng đang oằn trên đôi vai những người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Thông qua hình ảnh đó, tôi hy vọng mọi người rộng tay hỗ trợ những người đang cần sự giúp đỡ.
Chương trình chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam” do Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khởi xướng, với mục tiêu kêu gọi cộng đồng chung tay tiếp sức cho những người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19. Dự án cũng là cột mốc đánh dấu 145 năm doanh nghiệp chung vai sát cánh cùng đất nước.
Hoạt động chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam” chính thức bắt đầu từ 17/10 đến 26/10. Hoạt động quyên góp kéo dài từ 9/9 đến 30/11. Mọi người có thể trực tiếp tham gia gây quỹ bằng cách đăng ký trên website lencungvietnam.sabeco.com.vn. Tổng số tiền quyên góp sẽ được trao đến công nhân lao động Việt Nam trước Tết Nguyên đán 2021.
Bình luận