Bình thường, Lịch sử vốn đã không phải môn được quan tâm nhiều trong năm học. Nó lại là môn khó nhớ với các sự kiện, con số. Vì thế, các thông tin về việc ôn thi cấp tốc môn Lịch sử đang được cả phụ huynh lẫn học sinh truyền tai nhau.
Ngay sau khi Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội công bố môn thi thứ 4, một lớp ôn thi cấp tốc môn Lịch sử đã được nhóm cựu học sinh từng đoạt giải quốc gia về môn này cho biết là sẽ ra mắt vào ngày 13/3. Nhóm này cũng cho hay họ từng mở lớp ôn thi cho các em sinh năm 2004, tức là những thí sinh đã thi lớp 10 môn Lịch sử cách đây 2 năm.
Việc sốt ruột theo đuổi các lớp luyện thi cấp tốc vào thời điểm này có thể sẽ gây nên tình trạng quá tải, tốn kém tiền bạc. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Chưa hết, nhóm luyện thi còn cho biết, tất cả học sinh do họ phụ trách đều đạt điểm Lịch sử từ 9 trở lên. Do đó, thí sinh hoàn toàn có thể tin tưởng vào kinh nghiệm giảng dạy. Mức giá ở lớp học nói trên là 1 triệu đồng/10 buổi và không hoàn lại học phí nếu bỏ ngang.
Liên tục các lớp luyện thi môn Lịch sử có địa chỉ tại đường Láng, Hoàng Công Chất, Phạm Tuấn Tài… cũng thông báo nhận ôn thi với thời gian học 2 giờ/buổi, giá trung bình là 200.000 đồng/buổi.
Mặc dù biết con mình vừa phải học chính trên lớp, lại phải học thêm 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, nhiều phụ huynh không thể từ chối mong muốn của con em mình việc học thêm môn Lịch sử.
“Con mình về hỏi mẹ có biết lớp học thêm môn Lịch sử nào không vì các bạn con đều đi học thêm hết rồi. Con không đi học thêm thì rất lo lắng” - chị Nguyễn Hoàng Linh, phụ huynh học sinh lớp 9 trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết.
Tuy nhiên, việc sốt ruột theo đuổi các lớp luyện thi cấp tốc vào thời điểm này có thể sẽ gây nên tình trạng quá tải, tốn kém tiền bạc. Được biết, hiện các trường đều sẽ có kế hoạch để ôn tập cho học sinh, trong đó môn Lịch sử sẽ được chú trọng đặc biệt do thời gian còn lại khá ngắn.
Để chuẩn bị cho 300 học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi lớp 10 đạt kết quả cao, trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức ôn tập theo nhóm đối tượng và thay đổi giờ lên lớp hàng ngày sớm hơn 30 phút.
“Buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử sẽ đến trường hỗ trợ học sinh học từ 7h thay vì 7h30. Buổi chiều, học sinh được chia thành nhóm nhỏ để ôn tập nhằm trang bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng cho các em” - cô Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Khương Đình, cho hay.
Ôn thi thế nào cho hiệu quả?
Theo các giáo viên có kinh nghiệm, môn Lịch sử có thể gây khó khăn cho những học sinh lớp 9 chủ quan, học lệch từ đầu năm học, tuy nhiên vẫn còn thời gian khắc phục tình trạng này.
Trước tình trạng lo lắng của cả phụ huynh lẫn học sinh, TS Lê Thị Thu Hương - Đại học Thủ đô Hà Nội - thông tin việc chọn Lịch sử làm môn thi thứ tư là có gây bất ngờ. Tuy nhiên, nói là gây khó khăn cho học sinh lớp 9 thì không phải, vì trong chương trình phổ thông môn học nào cũng quan trọng, nhiệm vụ của học sinh là phải học đều các môn, không được chủ quan.
Đối với câu hỏi làm thế nào để học tốt môn Lịch sử khi thời gian chỉ còn hơn 2 tháng nữa, TS Lê Thị Thu Hương chỉ ra 5 vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, học sinh cần tạo tâm thế thoải mái, tránh lo quá mức, cần điều chỉnh kế hoạch học và ôn tập của mình phù hợp với lượng kiến thức hiện có của cả 4 môn. Với các em chủ quan từ đầu năm lớp 9 chưa tập trung học môn Lịch sử thì cần ưu tiên thời gian ôn thi của mình cho bộ môn này.
Thứ hai, học sinh cần đọc kỹ SGK, nắm được kiến thức cơ bản của mỗi bài học, cần hiểu các sự kiện lịch sử, chú ý trả lời các câu hỏi cuối mục, cuối bài.
Thứ ba, khi ôn môn Lịch sử, các em cần phân bố thời gian hợp lý. Kiến thức phần Lịch sử Việt Nam (1919-2000) chiếm 2/3 bài thi, do đó nên tập trung thời gian ôn nhiều hơn. Phần Lịch sử thế giới (1945-2000) cần đọc kỹ để hiểu được kiến thức của mỗi bài, phần này chiếm khoảng 1/3 bài thi.
Thứ tư, cần luyện tập bằng việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm do giáo viên cung cấp hoặc từ các tài liệu tham khảo chính thống, các nhà xuất bản có uy tín sau mỗi chương.
Thứ năm, 2 tuần trước khi thi, học sinh cần tập trung luyện đề tổng hợp cả kiến thức Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam.
“Nhìn chung, môn Lịch sử không có gì khó, thời gian còn hơn 2 tháng nữa, nếu các em học nghiêm túc, phân bổ thời gian học các môn hợp lý sẽ đạt kết quả cao” - TS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Một thông tin đáng lưu ý với học sinh Hà Nội dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là có thể dựa vào đề thi tham khảo môn Lịch sử do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố năm 2019 để ôn tập.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là năm thứ hai kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội chọn Lịch sử là môn thứ tư, cấu trúc đề thi sẽ tương tự như năm 2019 nên sở không công bố đề thi tham khảo mới.
Bên cạnh đó, năm 2019 Hà Nội đã chọn thi môn Lịch sử và đã được Sở GD&ĐT công bố cấu trúc đề thi cùng phần mềm ôn tập trắc nghiệm để tạo thuận lợi cho việc ôn tập. Phụ huynh, học sinh hoàn toàn có thể tham khảo lại đề thi, nội dung ôn tập để đánh giá độ khó của đề.
Năm 2019, môn thi này được đánh giá là tỷ lệ câu hỏi phân hóa ít hơn so với các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Do vậy, phổ điểm môn Lịch sử cũng khá cao với điểm 9-10 khá nhiều.
Theo đó, trong 84.908 thí sinh dự thi có tới gần 1/4 đạt từ 8-9 điểm, 951 thí sinh đạt điểm 10. Như vậy, gần 90% số bài thi đạt trên trung bình và không có điểm 0.
Theo phân tích của Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi Lịch sử năm 2019 không yêu cầu học sinh học thuộc lòng sách giáo khoa, nhớ máy móc các số liệu, mốc thời gian mà kiểm tra khả năng tái hiện sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử.
Bên cạnh đó, yêu cầu học sinh nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử và có cái nhìn xuyên suốt các vấn đề để trả lời những câu hỏi khó hơn.
Đề thi có khoảng 10% câu hỏi vận dụng đã giúp cho 19,1% số học sinh đạt điểm 9-10. Như vậy cho thấy đã có tính phân loại, nhưng mức độ phân loại không cao.