Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cháy xe trên cao tốc, ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Theo luật sư, nếu vụ hỏa hoạn xảy ra không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, chủ xe tải sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trưa 4/5, một xe tải chở dầu nhớt bất ngờ bốc cháy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Vụ hỏa hoạn khiến chiếc xe bị thiêu rụi, làm tê liệt 2 chiều giao thông và gây thiệt hại lớn về tài sản.

Trường hợp này, ai phải gánh chịu thiệt hại tài sản và có trách nhiệm bồi thường tổn thất cho các cá nhân, đơn vị liên quan?

Chay tren cao toc Trung Luong anh 1

Vệt dầu loang khiến lửa lan nhanh, tạo thành đám cháy lớn. Ảnh: N.H.

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) đánh giá đây là sự cố đáng tiếc, gây tổn thất về thời gian, tiền bạc, tài sản cho không chỉ chủ xe mà còn nhiều tổ chức, cá nhân khác. Để xác định trách nhiệm bồi thường và gánh chịu thiệt hại tài sản, cần làm rõ yếu tố lỗi của những cá nhân liên quan và mức độ, hậu quả mà hành vi này gây ra.

Trích dẫn Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, ông Hùng cho biết phương tiện giao thông vận tải cơ giới và chất nổ, chất cháy được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra kể cả khi không có lỗi, trừ 2 trường hợp là thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại và thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, cần xác định tài xế xe tải có phải chủ xe hay không. Nếu là chủ xe, người này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho Nhà nước cũng như những tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn. Trường hợp lái xe chỉ là người làm thuê và được trả công, đây không phải người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe. Khi đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về người sở hữu phương tiện.

Trách nhiệm bồi thường chỉ được loại trừ trong trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, Điều 156 Bộ luật này quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Như vậy, nếu chứng minh được vụ hỏa hoạn xảy ra hoàn toàn khách quan, không thể lường trước và người tài xế đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể khắc phục được, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ không đặt ra đối với người này.

Bên cạnh đó, nếu quá trình xác minh nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo thẩm quyền.

Chay tren cao toc Trung Luong anh 2

Vụ hỏa hoạn khiến giao thông tê liệt. Ảnh: H.Q.

Còn luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) nhận định vụ hỏa hoạn trên cao tốc đã gây thiệt hại về tài sản của cá nhân (xe tải), Nhà nước (hư hỏng mặt đường, cây xanh) và làm giao thông tê liệt, ảnh hưởng tới hoạt động giao thương của nhiều tổ chức, cá nhân. Đây được coi là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, người nào xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, cần làm rõ yếu tố lỗi của những người liên quan trong vụ việc này.

Trường hợp thiệt hại do tài xế là chủ xe gây ra thì người này sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 3, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu chiếc xe và xăng bốc cháy là do người của pháp nhân gây ra thì đơn vị quản lý phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ theo Điều 597 Bộ luật này. Sau đó, đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền yêu cầu người có lỗi phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định.

Ngoài ra, nếu chủ xe, pháp nhân có mua bảo hiểm cho xe đối với bên thứ ba phát sinh từ lỗi vô ý gây thiệt hại về người và tài sản thì bên bảo hiểm sẽ xem xét đến việc hỗ trợ bồi thường. Điều này phụ thuộc vào nội dung bảo hiểm mà hai bên có thỏa thuận.

Đối với những tổ chức, cá nhân có công việc bị ảnh hưởng do tắc nghẽn giao thông, căn cứ Điều 13 và Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp cá nhân có quyền dân sự bị xâm phạm thì được bồi thường toàn bộ thiệt hại; đồng thời người nào có hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường. Do đó, người dân bị ảnh hưởng công việc do vụ tai nạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, để có căn cứ được bồi thường thiệt hại, người dân phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra đối với mình do vụ cháy xe chở dầu trên cao tốc gây ra bằng việc cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan.

Cao tốc thiếu làn khẩn cấp, khi hỏa hoạn xử lý thế nào?

Từ vụ cháy xe chở nhớt trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhiều ý kiến quan ngại vụ việc tương tự sẽ khó xử lý nếu cao tốc thiếu làn khẩn cấp.

Hàng nghìn ôtô ùn tắc trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương do vụ cháy xe

Ảnh hưởng của vụ cháy xe tải chở dầu nhớt, giao thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua địa phận tỉnh Long An ùn tắc nghiêm trọng cả hai hướng.

Căn cứ xử lý phó công an phường dù 2 bên hòa giải

Theo luật sư, do những tội danh có thể áp dụng không thuộc nhóm cần tới yêu cầu khởi tố của bị hại, kết quả hòa giải không có giá trị trong giải quyết vụ án hình sự.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm